Với mục tiêu giúp con trở thành con người hoàn thiện ngay từ nhỏ, Vương Phi đề ra những “đích đến nhỏ”, muốn con gái có cơ thể khỏe mạnh, nhân cách tốt, tâm hồn vui vẻ, hiểu biết, suy nghĩ độc lập, khát vọng vươn cao, ý chí kiên cường và có hoài bão...
Bà Vương Phi mong con gái Trương An Kỳ vừa có đủ kiến thức khoa học tự nhiên, vừa có tính nhân văn của sinh viên khoa học xã hội để trở thành người toàn diện. Bà chú trọng “giáo dục gốc rễ”, thúc đẩy phát triển chức năng bộ não của trẻ từ 0-6 tuổi.
Phương pháp giáo dục của bà là cung cấp nhiều thông tin thú vị về cuộc sống, các mối quan hệ gia đình tốt đẹp và bài tập rèn luyện phù hợp, từ đó hình thành thói quen và tính cách tốt. Bà dạy con từ những bài học trong cuộc sống và trò chơi để nuôi dưỡng “bộ rễ” cho trẻ trưởng thành.
Ngoài ra, Vương Phi tôn sùng giáo dục hạnh phúc, tin rằng “cuộc sống là bài học” có thể học khắp nơi. Phương pháp của bà có tính chủ định nhưng cũng linh hoạt, thay đổi tùy tình huống theo nguyên tắc Gặp chuyện thì dạy, chọn thời cơ mà dạy.
Với phương pháp giáo dục ấy, Vương Phi đã tạo ra cô gái Trương An Kỳ tự tin, hạnh phúc và thành công khi vào Harvard.
Trương An Kỳ sinh ra ở vùng nông thôn, lớn lên trong thị trấn nhỏ, con của hai giáo viên trung học. Cô từng thi trượt và thất bại nhiều lần nhưng luôn vươn lên mạnh mẽ. Nhờ phương pháp giáo dục gia đình, cô đã “ghi tên” mình tại ngôi trường đại học danh giá và nằm trong danh sách những người có IQ cao nhất thế giới.
Tuy nhiên, điều An Kỳ tự hào nhất không phải là IQ hay thành tích học tập mà là nỗ lực và kiên trì với ước mơ nghiên cứu khoa học. Cô nhận ra cuộc sống luôn đầy thách thức, với những điều mới cần học tập và khám phá.
Khi vào Harvard, cô xem đó chỉ là một trạm dừng trong hành trình cuộc đời, nhấn mạnh rằng cuộc sống cần luôn vươn lên phía trước để đạt đích đến xa hơn.
Cuốn sách ghi lại những trải nghiệm của hai mẹ con về phương pháp giáo dục gia đình và quá trình trưởng thành lẫn nhau, gợi mở cho người đọc tầm quan trọng của giáo dục gia đình, đặc biệt là giáo dục sớm.