Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây đề nghị “tạm dừng đến trường, không dừng học”, khuyến khích học sinh học qua Internet, qua truyền hình. Mặc dù vậy, mỗi địa phương áp dụng theo cách khác nhau, việc học qua mạng được khuyến khích, không bắt buộc.

Thầy Phan Văn Trí, GV trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Long An), cho biết nhà trường tổ chức cho học sinh học qua ứng dụng Zoom, có giáo viên dùng thêm ứng dụng Google Classroom. Mặc dù còn hạn chế như mạng Internet đôi khi chập chờn nhưng hầu hết học sinh và giáo viên đều làm quen được cách dạy và học mới, học sinh rất tự giác học tại nhà.

Việc học online cũng triển khai rộng ở trường đại học. Cô Mỹ Hạnh (Giảng viên môn tiếng Anh, ĐH Tôn Đức Thắng), cho biết hàng ngày vẫn giảng dạy thông qua Zoom hoặc Google Classroom. Hầu hết sinh viên đều có đầy đủ thiết bị như laptop và điện thoại di động phục vụ việc học online.

Mặc dù khối THPT và sinh viên Đại học khá tích cực trong việc học từ xa nhưng khối Tiểu học và THCS ở nhiều địa phương vẫn không yêu cầu việc này. Chị Lan, phụ huynh có con học lớp 4 ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) cho biết trường nơi con trai chị học cũng chỉ nhắc nhở học tại nhà, không bắt buộc giáo viên phải gửi bài giảng hay ra bài tập cho học sinh.

Ngoài ra, không phải trường nào cũng đủ điều kiện để yêu cầu giáo viên dạy online qua ứng dụng. Một số giáo viên lớn tuổi khó làm quen công nghệ cũng gặp khó khăn khi triển khai. Do đó, đa số sẽ gửi bài tập và bài học qua email, học sinh học và làm bài tập xong sẽ gửi lại để giáo viên chấm bài.

Chị Minh Thiện, phụ huynh một học sinh lớp 4 ở Tân An (Long An), cho biết ở trường của con chị, thầy giáo giao bài tập, đồng thời gửi link các chương trình học của khohoclieu hoặc HanoiTV. Ngoài chương trình học ở trường, bé học tiếng Anh online thêm với cô giáo. 

“Bé dùng laptop của bố mẹ để học, chứ nhà không mua mới. Vừa tiết kiệm vừa kiểm soát được thời gian và các nội dung con sử dụng Internet”, chị Thiện nói.

Tương tự, anh Anh Tuấn (Long An), cho biết con trai anh đang học chương trình tiểu học, dùng máy tính để truy cập vào các bài dạy trực tuyến nhà trường có khuyến khích. Vì thời lượng học mỗi ngày không nhiều nên hiện anh vẫn cho bé sử dụng máy tính của cả nhà, cho bé thêm thời gian làm quen máy tính chứ chưa mua thiết bị khác.

Trong khi đó, thầy Trí cho biết hầu hết học sinh học bằng điện thoại vì tính tiện dụng, chỉ khoảng 20-30% học qua laptop hay máy tính để bàn. 

“Đa số học sinh trường tôi đều đã được ba mẹ trang bị điện thoại hay laptop nên không mua mới, hoặc dùng chung với ba mẹ. Với giai đoạn này mọi người sẽ hạn chế chi tiêu hơn”, thầy Trí nhận định.

Đa số các bậc phụ huynh khi được hỏi đều cho biết cho con cái tận dụng thiết bị của ba mẹ, hoặc dùng sẵn điện thoại/laptop đã trang bị trước cho con, không mua mới ở thời điểm hiện tại.

Đại diện một hệ thống bán lẻ lớn cho biết trong giai đoạn mọi người được khuyến khích làm việc tại nhà, con cái học online, nhu cầu mua điện thoại có thể tăng lên. Tuy nhiên, do thị trường chung đang đi xuống, làn sóng mua điện thoại mới nếu có cũng khó nhận ra vì tổng số bán đang giảm.

Trong khi mặt hàng điện thoại đi xuống, tất cả các chuỗi bán lẻ đều cho biết doanh số laptop tăng cao. Thông thường, laptop chỉ bán chạy vào mùa tựu trường, khoảng tháng 7, tháng 8 song những tháng gần đây lại tăng trưởng mạnh.

Các chuỗi Thế Giới Di Động, FPT Shop, CellphoneS đều cho biết trong tháng 2, doanh số laptop tăng khoảng 80%, riêng trong tháng 3 tăng khoảng 1,5 lần so với cùng kỳ. Xu hướng này cho thấy rõ ràng việc học hay làm việc tại nhà đã phát sinh nhu cầu mua trang thiết bị cần thiết.

Trong khi đó, chuỗi bán lẻ máy tính Phong Vũ cũng ghi nhận tăng nhẹ ở các mặt hàng phục vụ làm việc tại nhà như máy tính, thiết bị mạng,...