Ngoài nỗ lực để đối mặt với áp lực của kỳ thi đại học, Wang Li còn gồng mình để vượt qua tình trạng khủng hoảng khi cha mẹ chuẩn bị chia tay.

TIN BÀI KHÁC:


Số liệu thống kê từ toà án cho thấy một số lượng lớn các đơn ly hôn đã được nộp lên vào tuần trước sau khi kỳ thi đại học kết thúc vào hôm 8/6. Nhiều bậc phụ huynh vốn "cơm chẳng canh chẳng ngọt" đã đồng ý hoãn ly hôn cho tới khi con cái thi xong đại học với hy vọng rằng sự đổ vỡ chia tay của họ không ảnh hưởng tới kỳ thi của con.

Theo Tòa án Chaoyang, Bắc Kinh, các vụ ly hôn đã gia tăng đáng kể sau kỳ thi đại học mỗi năm từ năm 2008-2011, và tình trạng này thường kéo dài tới tháng 8.

Năm ngoái, số lượng đơn xin ly hôn được nộp lên 20 ngày sau kỳ thi đại học đã tăng lên 2 lần so với 20 ngày trước đó, tòa án Chaoyang tiết lộ. Tại tòa án Daxing, phía nam Bắc Kinh, con số này cũng cao hơn bình thường, với 145 đơn ly hôn được nộp lên trong vòng 20 ngày sau kỳ thi đại học, trong khi đó, tòa chỉ nhận được 38 đơn trong 20 ngày trước đó.

Wang Li, 17 tuổi, mới tốt nghiệp trung học, là một học sinh gương mẫu, luôn đứng đầu lớp trong nhiều môn học. Tuy nhiên, tất cả thay đổi vào tháng 2, khi Wang biết chuyện cha mẹ định ly hôn sau khi cô thi đại học xong.

Thứ hạng của Wang bắt đầu tụt dốc và cô thậm chí còn đe dọa cha mẹ sẽ bỏ học nếu như họ ly dị, báo buổi sáng Trùng Khánh cho hay.

Vì thế, cha mẹ Wang đã tạm hoãn việc chia tay và đồng ý không ly hôn sau khi nghe tư vấn để không ảnh hưởng tới kết quả học tập của Wang.

Văn phòng dân sự Bắc Kinh cho biết hiện chưa có số liệu cụ thể về số vụ ly hôn sau kỳ thi đại học năm nay. Tuy nhiên, Legal Mirror đưa tin một nhân viên tới từ văn phòng đăng ký kế hôn Haidian cho biết trung bình một ngày có 20 cặp vợ chồng tới nộp đơn ly hôn sau kỳ thi đại học, một nửa trong số đó đã ở tuổi tứ tuần.

Không quan tâm liệu các bậc phụ huynh có tin rằng những đứa con của mình có đủ chín chắn để bình tĩnh khi cha mẹ chia tay trước hay sau kỳ thi đại học hay không, các chuyên gia đồng ý sự tan vỡ của một cuộc hôn nhân luôn ảnh hưởng tới con trẻ.

"Một vài em học sinh đã cho chúng tôi thấy những vết sẹo do bản thân gây ra hay nói rằng họ có ý định tự tử vì nhìn thấy cha mẹ cãi cọ hay chuẩn bị ly hôn trước kỳ thi đại học," Wang Jianyi, một chuyên gia tâm lý và tư vấn thanh thiếu niên của Viện Tâm Lý tại Học viện Khoa học Trung Quốc nói.

Nhiều học sinh trung học cảm thấy vô dụng thậm chí là tội lỗi vì không giữ được cuộc hôn nhân của cha mẹ, Wang nói.

"Những đứa trẻ sẽ không cảm thấy khá hơn nếu như cha mẹ ly dị sau kỳ thi đại học vì nhiều bậc phụ huynh thường coi con cái như cái cớ duy nhất để họ sống với nhau," Wang cho biết. "Điều này có thể khiến bọn trẻ cảm thấy như một gánh nặng hoặc một chướng ngại vật đối với hạnh phúc của cha mẹ."

Không muốn cuộc hôn nhân đỗ vỡ của mình ảnh hưởng tới kỳ thi của con là một trong những lý do khiến các vụ ly hôn bùng nổ sau kỳ thi này, Hao Pengfei, giám đốc Hiệp hội Công tác Xã hội Trung Quốc cho hay.

"Kỳ thi đại học được cho là một cơ hội lớn đối với học sinh trung học trung quốc khi một nền giáo dục đại học sẽ đảm bảo cho tương lai của họ," ông nói. "Một cặp vợ chồng mà tôi biết đã ly thân nhiều năm. Lý do duy nhất mà họ không chia tay trước khi kỳ thi diễn ra là họ không muốn người khác bàn tán."

Đối với nhiều bậc phụ huynh, tốt nghiệp trung học đánh dấu tuổi trưởng thành của con cái, vì thế, đây cũng là lúc họ nghĩ tới việc ly hôn. Tuy nhiên, không có quy định cụ thể nào về độ tuổi đối với một đứa trẻ để có thể vượt qua được cú sốc khi cha mẹ chia tay.

Sầm Hoa (Theo Globaltimes)