Con voi ma túy đáng sợ, con chuột tham nhũng đáng ghét. Nhưng cả hai con vật từ to lớn đến bé tẹo, đều bị giật dây bởi con người, chừng nào xã hội chưa có sự công khai minh bạch đúng nghĩa…
I-Cả xã hội vừa bàng hoàng chứng kiến câu chuyện ngụ ngôn thời hiện đại: Con voi chui lọt lỗ kim.
Không bàng hoàng sao được, khi biết con voi đó là 600 bánh heroin có khối lượng 229 kg ma túy được giấu trong 12 bộ loa thùng, có giá thị trường khoảng 300 triệu USD, nghiễm nhiên và ngang nhiên chui qua các cửa kiểm soát của Hàng không Việt Nam. Chỉ khi bay tới Đài Loan, mới bị các nhà chức trách Đài Loan bắt tại trận khi hạ cánh xuống sân bay Đào Viên.
Dù có máy soi hiện đại vẫn để lọt ma túy. Ảnh: Anh Sinh |
Một vụ buôn lậu ma túy khủng táo tợn cả về quy mô, số lượng, trị giá, táo tợn cả cách tính toán, vận chuyển theo tư duy lọc lõi, già đời - nơi nhạy cảm nhất là nơi an toàn nhất.
Một nỗi hổ thẹn của ngành hàng không VN trước con mắt người dân Việt và cả thế giới, có tầm cỡ… quốc tế. Bởi xưa nay, việc công dân giấu 1-2 gam heroin qua cửa khẩu hàng không VN là rất khó. Đã có những vụ án, thậm chí tử hình cả công dân nước ngoài vì phạm tội trong lĩnh vực này. Bởi xưa nay, người Việt đi theo đường hàng không VN bị kiểm soát chặt chẽ, đến mức ai cũng có cảm giác mình là tội phạm. Trong khi con voi tội phạm nằm chềnh ềnh lại được ưu ái tới mức khó tưởng tượng.
Nhưng khi vụ việc vỡ lở mới thấy ngành hàng không VN bị “knock out” đích đáng. Mới thấy bọn tội phạm quá tinh tường, ranh ma, nắm chắc tất cả những kẽ hở lớn mang tính “hệ thống”, từ chính sách đối với doanh nghiệp, thái độ thi hành công vụ của con người, đến kỹ thuật kiểm tra an ninh, và theo dõi, tận dụng để lên một kịch bản hoàn hảo, và ma giáo, hệt bộ phim hình sự nổi tiếng của các xứ sở Mỹ, Italia…
Có điều lúc này, cái sự đổ tại, lẩn tránh trách nhiệm, “đá” trách nhiệm, cụ thể ở đây là Cục Hải quan t/p HCM là… miễn chê. Và những câu trả lời của ông Trần Mã Thông, Phó Cục trưởng cũng “miễn chê” nốt.
Lần lượt, các lỗi khách quan được phơi bầy: Con voi ma túy được phân trên luồng xanh- do hệ thống máy tính phân luồng miễn kiểm tra thực tế. Như vậy, tại “thằng máy tính” đầu tiên!
Vì sao máy tính phân vào luồng xanh? Tại doanh nghiệp tự kê khai trên giấy tờ. Doanh nghiệp ở đây- là thủ phạm- Công ty TNHH giao nhận vận tải Long Vân (t/p HCM), cũng thật khéo chính vào lúc này, toàn bộ lãnh đạo công ty đã….đi nước ngoài (?)
Hết tại “thằng máy tính” đến tại doanh nghiệp tự kê khai. Xưa nay, dân gian nói buôn gian bán lận, mấy ai nói buôn ngay bán thật?
Nhưng ngay cả khi con voi ma túy đi vào luồng xanh, 12 cái loa mà nặng tới 500 kg, vẫn không một nhân viên hải quan nào thấy lạ, thì rất… lạ. Trong khi theo ông Bùi Thái Quang, Phó Trưởng ban Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan), rõ ràng có dấu hiệu bất thường, nghiệp vụ tốt, tinh tế là nhận ra ngay.
Số ma túy bị nhà chức trách Đài Loan bắt giữ (ảnh TQ thời báo) |
Sự tinh khôn, tiếc thay không ở nghiệp vụ hải quan, mà ở câu trả lời của ông Trần Mã Thông khi ông này vẫn khẳng định chắc nịch, có điều không đúng chỗ và nói như cha ông “khôn quá hóa dại”: Hải quan ở sân bay Tân Sơn Nhất đã làm đúng quy trình, hết trách nhiệm.
Như vậy, chỉ có nhà chức trách Đài Loan, làm …sai quy trình. Và giờ phải có trách nhiệm?
Việc đúng quy trình của hải quan ở sân bay TSN, lại có sự hỗ trợ tích cực của… chiếc máy soi hiện đại, trị giá 1,2 tỷ USD (25 tỷ đồng VN) thuộc an ninh sân bay, khi bất ngờ nó bị “đột quỵ”- theo cách nói của Lao động online (ngày 03/12). Ngẫu nhiên hay được xếp đặt? Đây là câu hỏi dành cho cơ quan điều tra, và cho chính an ninh sân bay?
Việc “đột quỵ” bất thường của chiếc máy soi 25 tỷ làm vỡ ra bao nhiêu bệnh tật khác.
Chiếc máy soi được Cty TNHH dịch vụ hàng hóa Tân Sơn Nhất nhập khẩu về từ năm 2011. Đi kèm với chiếc máy soi giá “khủng”- 1,2 triệu USD, là việc phải thuê các chuyên gia nước ngoài sang bảo trì, sửa chữa, tốn tiền cho cán bộ ra nước ngoài để đào tạo nhằm về vận hành hệ thống quản lý phần mềm. Vậy nhưng nó đã ngã bệnh đúng lúc phải thi hành bổn phận.
Chiếc máy soi khủng bị bệnh hay con người "mắc bệnh", vẫn là câu hỏi bí ẩn cần được cơ quan chức năng giải mã. Và quan trọng không kém, cần giải mã cả vụ vì sao con voi ma túy nhập khẩu bằng con đường “chặt chẽ” nào mà lọt lỗ kim cả hai đầu. Đầu ra đã rõ, còn đầu vào? Vì sao?
Rồi đây, con voi ma túy sẽ được phẫu thuật để tìm ra bệnh tật của… con người. Nhưng những lời khẳng định về hết trách nhiệm của ông Trần Mã Thông lại được chính những quan chức trong ngành cho rằng chưa hết trách nhiệm.
Bà Trần Thụy Minh, Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam: Ngành hải quan nói ưu tiên cho xuất khẩu, dùng hệ thống máy tính để phân loại theo luồng xanh, đỏ, vàng rồi không kiểm tra hàng hóa, đẩy toàn bộ trách nhiệm cho lực lượng an ninh sân bay là cần phải xem xét lại.
Ông Bùi Thái Quang, Phó Trưởng ban Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan): Rõ ràng việc thu thập thông tin về doanh nghiệp, hải quan làm chưa tốt. Hải quan đã đánh giá chưa sâu nên bỏ sót, bỏ lọt…. Hải quan không đủ năng lực phát hiện sai phạm khi hệ thống của hải quan vẫn phân ma túy vào luồng xanh. Rõ ràng hải quan cũng có trách nhiệm ở đây.
Rõ ràng là ông Trần Mã Thông đã không “quán triệt” được lời dạy của người xưa về cái sự phát ngôn- nên uốn lưỡi bẩy lần trước khi nói.
II- Con voi ma túy đáng sợ vì sức tàn phá kinh khủng của nó. Nhưng có một con vật bé tý cũng đáng sợ không kém. Đó là con chuột tham nhũng. Trái với hình hài bé tẹo, chuột tham nhũng thông thường phải có quyền lực- quyền lực nghề nghiệp và quyền lực chức vụ. Quyền lực càng to, tham nhũng càng có cơ hội lớn. Đó như là quy luật.
Ngay vụ con voi ma túy mới đây, trả lời phỏng vấn của báo giới, Trung tướng Nguyễn Quốc thước, nguyên Tư lệnh QK IV, ĐBQH khóa VIII, IX, X nói thẳng: Chẳng có lý do gì, các cơ quan chức năng Đài Loan có thể phát hiện ra số lượng ma túy khổng lồ như vậy mà hải quan Việt Nam lại dễ dàng “bó tay”. Có lẽ, trong vụ việc này không phải do nghiệp vụ của các nhân viên hải quan yếu kém mà có nghi vấn họ “móc ngoặc” với tội phạm để “làm ăn”.
Nghề nghiệp trong thời kim tiền này, bỗng trở thành “lửa thử phẩm chất” nhưng lại chẳng mấy khi gặp được… vàng? Điều này càng rõ, khi mới đây, nghiên cứu của Diễn đàn doanh nghiệp thường niên 2013 (VBF) công bố cho thấy 04 ngành ảnh hưởng rất lớn đến tham nhũng là: Hải quan, thuế, cấp giấy phép và quản lý đất đai, trong đó đứng nhất vẫn là hải quan. Số người được VBF khảo sát lựa chọn theo tỷ lệ là- hải quan 55,2%, thuế 46,2% và quản lý đất đai là 39,8%.
Ở tầm vĩ mô, người đứng đầu nước Việt, khi tiếp xúc tiếp xúc với các cử tri Q. 01, và 03 cho biết, TƯ đã tổ chức 08 đoàn đi kiểm tra và phát hiện trên 60 vụ tham nhũng tiếp tục điều tra xử lý và 08 vụ đang xử. Như vậy, có hơn 60 ổ tham nhũng đã được phát hiện và lâu dài sẽ được xử lý. Dù vậy, xét cho cùng, đó cũng vẫn chỉ là những ổ chuột bị lộ trong số những ổ chưa bị lộ mà thôi. Những ổ chuột góp phần tích cực đẩy nước Việt trong xếp hạng tham nhũng lên… khá cao.
Điều này có liên quan gì đến những đánh giá của Ngân hàng Thế giới (World Bank)- kinh tế VN vẫn đang trì trệ, tăng trưởng ở mức thấp không? Đặc biệt là những trở ngại ngắn hạn, do khu vực tư nhân giảm mạnh mức đầu tư, từ 15% GDP (giai đoạn 2007-2010) xuống khoảng 11,5% GDP năm 2013. Ở tầm dài hạn, do sự phân loại sở hữu nhà nước chưa rõ ràng, mục tiêu các DNNN chưa thực tế, nhất là cải cách khu vực ngân hàng mong manh, nợ xấu còn cao… Chỉ tiếc, vẫn chưa có tài liệu nào nghiên cứu và chỉ ra được, tham nhũng đã “ăn mòn” nền kinh tế như thế nào?
Mặt khác, sự phát triển và hội nhập đòi hỏi kinh tế VN không thể nương tựa mãi vào… xâu cá ODA của quốc tế, mà phải quen dần tâm lý nhận cần câu. Đó chính là quan điểm rõ ràng của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, tại cuộc họp báo về Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) khi ông cho rằng Việt Nam phải chuyển từ viện trợ không hoàn lại sang các khoản vay lãi suất thấp hơn, rồi chuyển sang các khoản vay thương mại bình thường.
Đó cũng là con đường tất yếu mà các nước mới thoát khỏi “bẫy trung bình” cần phải đi. Chưa kể, bám vào các ODA này, không loại trừ rất nhiều, rất nhiều các “bào thai” sinh nở ra loài vật bé tý mà sức gặm nhấm khủng khiếp.
Cũng tại phiên họp kết thúc Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) trưa 5/12, người đứng đầu Chính phủ đã cam kết sẽ tập trung tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu mạnh mẽ ngân hàng. Đặc biệt công khai minh bạch kết quả hoạt động của DNNN, thực hiện hiệu quả việc phòng chống tham nhũng, xử lý những sai phạm, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu.
Những buồn vui trong kinh tế sẽ được hồi âm trong những tháng năm sắp tới. Nhưng thực tiễn, tại sao tâm lý người dân chưa tin vào các cuộc diệt trừ các ổ tham nhũng? Như ông Cao Giang, nguyên biên tập viên Nhà xuất bản Thanh Niên, người có 43 tuổi Đảng, nhận xét “Xử tham nhũng như trò đùa” (Kienthuc.net.vn, ngày 17/09), khi thống kê của Thanh tra CP, 08 tháng đầu năm đã có 36 người đứng đầu bị xử lý liên quan đến tham nhũng, trong đó chỉ có 04 người bị xử lý hình sự, còn lại là thuyên chuyển công tác, hạ chức vụ.
Ảnh minh họa: Dân trí |
Còn người trong giới luật, như luật sư Hoàng Nguyên Hồng, nguyên chuyên viên cao cấp UB Kiểm tra Trung ương, thì cho rằng 10 đại án tham nhũng xử sắp tới đây, vẫn là “cú đấm bịch bông”? (Kienthuc.net.vn, ngày 05/12): Bởi cứ đụng đến ông này lại phải xin ý kiến ông kia, thì làm sao mà làm nổi?
Xã hội ta từ lâu luôn để cao câu khẩu hiện về “pháp trị” nhưng thực tế cách quản lý xã hội vẫn còn mang đậm tinh thần “nhân trị”. Tinh thần “nhân trị” này thấm… êm ái mà sâu nặng vào ngay trong những chủ trương tưởng rất khoa học, khách quan. Đó là công khai, minh bạch tài sản của các đối tượng thuộc diện có cơ hội và nguy cơ tham nhũng cao. Chính Ts Cao sĩ Kiêm, chuyên gia kinh tế, khi trả lời phỏng vấn về Thông tư 08 “hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập” cũng phải nói thẳng, kê khai tài sản rồi để đấy thì không giải quyết được gì.
Bởi cái gốc của vấn đề chính là cung cách quản lý các khoản thu nhập nổi và chìm, đều không có cơ sở pháp lý, không có chế tài kiểm soát, không nắm được nguồn gốc tài sản. Trong khi, việc chống tham nhũng không phụ thuộc vào ý chí con người hô hào bằng các khẩu hiệu, càng không phụ thuộc vào đức tính tự giác của những kẻ tham lam, tham nhũng. Mà phải kiểm soát bằng một thể chế, cơ chế quản trị hành pháp, lập pháp, tư pháp minh bạch, rõ ràng.
Đó cũng là cái “cần câu” vĩ mô "câu" những con chuột tham nhũng khôn ranh. Nếu không trên cái hành trình chống tham nhũng gian khó, người Việt đi mãi, đi mãi, và bắt gặp ở cuối con đường chữ … botay.com?
Con voi ma túy đáng sợ, con chuột tham nhũng đáng ghét. Nhưng cả hai con vật từ to lớn đến bé tẹo, đều bị giật dây bởi con người, chừng nào xã hội chưa có sự công khai minh bạch đúng nghĩa, chưa xây dựng được nhà nước pháp quyền đúng nghĩa. Chừng đó, người Việt còn tiếp tục đọc tiểu thuyết hiện đại “tham nhũng diễn nghĩa”…với những hồi, chương, lớp lang vừa đầy kịch tính, vừa đau đớn
Đó mới là bi kịch của nước Việt.
Xem bài cùng tác giả Nước mắt của nhân dân, là khóc cho bi kịch của một quốc gia - khó phát triển. Xét cho cùng, đồng tiền đâu có lỗi. Lỗi là ở con người, vừa nặng tham- sân- si, vừa trì trệ và xơ cứng tư duy... |