Chiều 18/8, UBND TP đã tổ chức họp báo thông tin về tình hình dịch Covid-19 và các vấn đề kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố. 

Liên quan đến báo chí phản ánh một số vụ việc nữ sinh “mất tích” thời gian qua, ông Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết, các trường hợp báo chí phản ánh đa số là “gia đình mất liên lạc với con”, cần thực hiện các biện pháp thông báo tìm kiếm. Trong đó, Công an là một lực lượng hỗ trợ tham gia tìm kiếm. 

Ông Hà cho biết, qua tổng hợp một số vụ việc “mất liên lạc với gia đình”, Công an thành phố chỉ ra một số nguyên nhân như sau: 

Do bị cha mẹ la mắng bỏ đi; có trường hợp bỏ đi chơi với bạn trai; có trường hợp cha mẹ mâu thuẫn nên buồn gia đình bỏ đi; có trường hợp mê chơi Game; bỏ đi dã ngoại không liên lạc với gia đình, tạo sự thay đổi thử nghiệm cuộc sống; bị tâm thần đi lạc…. 

Cũng theo Thượng tá Hà, thường thì khi trình báo Cơ quan công an để hỗ trợ tìm kiếm, nhiều gia đình thường giấu nguyên nhân (do e ngại nếu nguyên nhân là mâu thuẫn gia đình, không có yếu tố hình sự thì công an không hỗ trợ tìm kiếm), không cung cấp được thông tin cụ thể về mối quan hệ, dấu hiệu bất thường, thời điểm mất liên lạc … khiến việc định hướng hỗ trợ tìm kiếm gặp khó khăn. 

Qua đó, đại diện Công an TP.HCM yêu cầu, khi có những vụ việc như trên xảy ra, gia đình nên cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, trung thực…giúp cơ quan Công an định hướng trong quá trình tìm kiếm. 

Qua 4 vụ việc mà báo chí đưa tin “mất tích” vừa qua thì 3/4 vụ việc đã xác định rõ nguyên nhân (do đi chơi với bạn; bỏ đi sống với bạn trai; bị tâm thần đi lạc), chỉ có vụ việc gần nhất ngày 17/8 thì lực lượng công an đang hỗ trợ tìm kiếm.

Thượng tá Hà cũng lưu ý, để bị coi là “mất tích” phải đảm bảo điều kiện tại khoản 1, điều 68, Bộ Luật dân sự quy định: Người đó phải biệt tích 2 năm liền trở lên mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết.