1- Bà Ngô Thị Kim Ngân, 206 Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10, TP HCM, làm đơn tố cáo 1 giám đốc công ty với hai nội dung gồm: Thứ nhất, người này đã vay tiền của bà 2 lần đến nay vẫn không trả hết. Thứ hai, người này cùng bà hùn vốn để để kinh doanh khẩu trang. Bà đã chuyển hơn 3 tỷ đồng nhưng sau đó không nhận được hàng. Đơn của bà đã gửi đến nhiều cơ quan chức năng vì bà giám đốc trên là trưởng ban tổ chức một cuộc thi hoa hậu ở đồng bằng sông Cửu Long.

2- Ông Huỳnh Đức, 16 Học Lạc, phường 14, quận 5 TP HCM, gửi đơn kêu oan đề nghị tái thẩm minh oan cho vợ mình là bà Hứa Châu, Giám đốc công ty Lâm Kim Ngọc về tội buôn lậu và tội chiếm đoạt tài sản. Cụ thể ông đã đưa ra tình tiết mới cho rằng vợ ông không buôn lậu. Bằng chứng hai container chở 44 tấn gạo được cho là bà buôn lậu thực chất lại là của bà Tôn Thị Bạch Tuyết. Bà này đã làm đơn gửi Tòa án, Viện kiểm sát tối cao xin lại vì số gạo đó không phải buôn lậu mà là gạo đi cứu trợ trẻ em Campuchia. Tội chiếm đoạt tài sản cũng không có vì bà Hứa Châu không được chia tiền hoàn thuế GTGT 27 tỷ mà thực chất tiền này để mua thuốc lá.

3- Bà Nguyễn Thị Toan thay mặt cho 9 hộ tại 40-42 Chương Dương Độ, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, gửi đơn kêu cứu về việc căn hộ tập thể hiện có 9 hộ được Công ty quản lý và sửa chữa đường bộ 248 giao quyền sử dụng cho công nhân từ năm 2003 đến nay. Hiện nay địa phương ra thông báo thu hồi đất phục vụ dự án mà không bồi thường. Dù chưa có sự đồng thuận của dân nhưng BQL dự án quận Hoàn Kiếm đã cố tình chèn ép, áp đặt nhận tiền hỗ trợ. Các hộ trên không đồng ý và và khiếu nại lên trên để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.

4- Ông Phạm Đình Quyền, thôn 7, xã Đăk Rmăng huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông, gửi đơn khiếu nại lần 3 về việc về việc gia đình ông và ông Nguyễn Thành Lợi trú cùng địa chỉ đã xảy ra xô xát. Ông đã gửi đơn khởi kiện nhưng được công an huyện (anh Bộ) khuyên rút đơn để hòa giải. Do nghĩ đến tình làng nghĩa xóm nên gia đình ông rút đơn không tố cáo nữa. Tuy nhiên sau đó ông lại nhận được quyết định khởi tố vì không hòa giải được và vì đã rút đơn khởi kiện, trong khi ông Lợi không rút đơn.

5- Ông Bùi Mạnh Cường, số 44 ngõ An Sơn, phố Đại La, phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, làm đơn tố cáo lần 2 về việc Công chứng sai các thủ tục pháp lý. Cụ thể hai em trai ông đã lừa bố mẹ ký vào hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và đều do Văn phòng công chứng Nguyễn Hồng xác nhận. Ông cho rằng 2 ông bà không có mặt tại văn phòng công chứng và 2 ông bà cũng không biết nội dung là cho tặng mà chỉ được thông báo là làm kê khai đất hàng năm. Ngoài ra công chứng viên thực hiện không đúng thủ tục pháp lý như không trưng giấy kết hôn của 2 ông bà, không có đủ các chữ ký các thành viên của gia đình...

6- Ông Cao Văn Tú, 401/32 Bình Lợi, phường 13, quận Bình Thạnh, TP HCM, gửi đơn kêu oan về việc bị bà Lê Hồng Đặng tố cáo lên công an rằng ông đã trộm cắp 2 bình rượu. Tuy nhiên ông không biết bà Đặng là ai và việc ông xin rượu là của chú thím ông. Ông khẳng định 2 bình rượu đó là ở tại nhà của chú và thím và ông đã gọi điện và được thím ông đồng ý, khi lấy rượu có người nhà chứng kiến. Cơ quan điều tra điều tra không biết căn cứ vào đâu để xử phạt hành chính ông với số tiền 2.500.000 đồng.

Công văn phúc đáp

Thời gian vừa qua, Báo VietNamNet đã nhận được đơn của ông Phạm Đình Quyền ở lần 3, thôn 7, xã Đăk Rmăng, huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông, khiếu nại về việc ông bị công an huyện khởi tố không đúng. Ông từ người bị hại, bị đối tượng chém trọng thương, được công an huyện khuyên rút đơn để hòa giải nhưng khi ông rút đơn lập tức bị khởi tố. Chúng tôi đã gửi Công văn của báo và kiến nghị của ông đến công an tỉnh Đăk Nông, Viện KSND tỉnh  và UBND huyện Đăk Glong. Tuy nhiên báo mới nhận được Công văn trả lời của CA tỉnh, còn Viện KSND tỉnh và UBND huyện Đăk Glong đến nay vẫn chưa trả lời theo quy định của Luật báo chí.

Ban Bạn đọc