Cả nước hiện có 18.000 hợp tác xã. Thực tế cho thấy, để phát triển trong tình hình mới, các hợp tác xã cần thay đổi về tư duy sản xuất gắn với thị trường thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin.

W-anhminhhoa-3.png
Ảnh minh hoạ

Thời gian qua, việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội) đã được thực hiện một cách đồng bộ với các kênh bán hàng hiện đại như các hệ thống siêu thị lớn và các sàn giao dịch thương mại điện tử. Theo đó, hợp tác xã đã ứng dụng công nghệ 4.0 eGap và eGap.vn, iMetos của Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam (VDECA) nhằm phục vụ chuyển đổi số với các giải pháp như: nhật ký điện tử, hệ thống quản lý sản xuất bằng điện thoại thông minh, hệ thống camera giám sát đồng ruộng, tem truy xuất nguồn gốc QR code gắn với bộ nhận diện nhãn hiệu.

Việc phát triển đồng bộ các giải pháp gắn với chuyển đổi số nông nghiệp đã giúp nâng cao tương tác giữa nông dân với người tiêu dùng. Mặc dù thời gian qua tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã làm đứt gãy một số chuỗi cung ứng thực phẩm, nhưng chuỗi sản xuất tiêu thụ của hợp tác xã vẫn duy trì, phát triển ổn định, doanh thu của hợp tác xã năm 2021 ước đạt khoảng 14 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2020.

Hiệu quả từ chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản đã được minh chứng, nhưng hiện nay, số hợp tác xã tham gia vào lĩnh vực này chưa nhiều. Nguyên nhân do hạn chế về tiềm lực tài chính, nguồn nhân lực công nghệ cao, điều kiện tiếp cận công nghệ... Trước thực tế này, đại diện VDECA chia sẻ: Chúng tôi sẵn sàng đồng hành cùng các hợp tác xã trong thực hiện giải pháp ứng dụng công nghệ 4.0 eGap và eGap.vn, iMetos, MobiAgri phục vụ chuyển đổi số và bảo hiểm nông nghiệp.

Để nông sản tạo dựng được uy tín, bán được giá, hợp tác xã cần phải bảo đảm được tính minh bạch thông qua Chứng nhận TCVN, tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế; chứng nhận tiêu chuẩn cơ sở; quy chuẩn sản xuất; quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn... Thông qua các giải pháp công nghệ, sổ ghi chép thủ công này sẽ được thay thế bằng nhật ký điện tử, sau đó trích xuất ra tem truy xuất thông minh. Tem truy xuất thông minh có thể truy xuất đến từng công đoạn sản xuất thay cho tem bình thường chỉ truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Các cấp quản lý nhà nước sẽ có trách nhiệm giám sát khi tem truy xuất thông minh được xuất ra. Đồng thời, với giải pháp này, chỉ cần một cú click chuột, người tiêu dùng có thể biết được hiện nay các hợp tác xã trên toàn quốc đang có những sản phẩm gì, quy trình sản xuất ra sao, thuộc loại quy chuẩn, tiêu chuẩn nào, dự báo sản lượng, thời vụ sẽ là bao nhiêu.

Về vấn đề kết nối thương mại điện tử nông sản trên cổng Blockchain, sàn thương mại điện tử phục vụ kinh tế số hợp tác xã nông nghiệp, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Đầu tư Digital Kingdom (DGK) Vũ Hồ Vũ thông tin: Công nghệ Blockchain mà công ty đang sử dụng có thể chứng minh được quy mô, năng lực sản xuất cũng như truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Trong xu hướng công nghệ 4.0, công nghệ Blockchain mang lại nhiều lợi ích cho cả cơ quan quản lý nhà nước, hợp tác xã, cũng như doanh nghiệp kết nối tiêu thụ nông sản. Nhờ việc chuyển đổi số này, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, hơn 2.500 tấn sầu riêng, 100 tấn khoai lang, 80 tấn bưởi, 200 tấn xoài, chôm chôm, vải… đã được hỗ trợ tiêu thụ với tổng giá trị đơn hàng lên đến hơn 300 tỷ đồng.

“Về phía hợp tác xã, công nghệ Blockchain có gắn kèm tem chống hàng giả, giúp minh bạch thông tin nông sản, tạo dựng niềm tin giữa người bán và người mua, thúc đẩy mạnh mẽ tiêu thụ nông sản trên môi trường số. Thời gian tới, công ty mong muốn và cam kết tiếp tục liên kết với các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các hợp tác xã trong việc nâng cao giá trị và năng lực tiêu thụ nông sản thông qua chuyển đổi số”- ông Vũ Hồ Vũ nhấn mạnh.

Nhóm PV