Theo Hiệp hội An toàn trẻ em và ô tô (KSC), trung bình mỗi năm ở Mỹ có 38 trẻ em tử vong vì bị sốc nhiệt trên ô tô, tức trung bình 9 ngày sẽ có một vụ và nguyên nhân phần lớn là do người lớn bỏ quên.

Tính trong giai đoạn 1990-2023, Mỹ ghi nhận có tới 1.083 em nhỏ đã thiệt mạng vì nguyên nhân này.

Tại Việt Nam, vụ việc bỏ quên bé 5 tuổi trên xe ô tô đưa đón học sinh của một trường mầm non ở Thái Bình xảy ra ngày 29/5 đã gây bức xúc trong cộng đồng.

Trên thực tế, nhiều năm qua, các hãng xe đã sớm triển khai các công nghệ phát hiện và cảnh báo bỏ quên trẻ em trong xe để phòng ngừa các tai nạn không mong muốn này.

Sớm nhất, hãng GMC vào năm 2016 đã tiên phong áp dụng hệ thống Rear Seat Reminder (hệ thống nhắc nhở ở hàng ghế sau) lên chiếc Acadia, và sau đó, tính năng này cũng đã xuất hiện lần lượt trong 20 mẫu xe của General Motor.

Bản sao d533cd50fea05c4c4b838e3670af9ba4x.jpg
Tính năng nhắc, cảnh báo quên trẻ em có trên GMC Acadia từ 2016. Ảnh: GMC

Năm 2019, liên minh các nhà sản xuất xe hơi gồm: General Motors, Ford, BMW, Toyota và Honda cho biết cam kết sẽ tích hợp các hệ thống giám sát ghế sau cho xe du lịch và xe tải sản xuất từ 2025. 

Dưới đây là những hãng xe đã đi tiên phong áp dụng công nghệ giám sát và cảnh báo bỏ quên trẻ em trên ô tô.

Hyundai và KIA: Công nghệ ROA dùng sóng siêu âm phát hiện người ngồi sau

Tháng 11/2022, hãng xe Hyundai Hàn Quốc cho biết tất cả xe Hyundai sản xuất 2023 bán ra tại Mỹ đều được trang bị tiêu chuẩn công nghệ cảnh báo người ngồi phía sau (ROA - Rear Occupant Alert). Trước đó, công nghệ ROA được cung cấp dưới dạng tùy chọn trên một số xe Hyundai cao cấp và là trang bị tiêu chuẩn trên Santa Fe PHEV và Santa Fe HEV. Hãng Hyundai cũng chia sẻ công nghệ này cho thương hiệu "anh em" KIA.

Tại Việt Nam, công nghệ cảnh báo ROA cũng có trên phiên bản cao cấp Hyundai Santa Fe 2019 và đến nay đã có mặt thêm ở các mẫu xe như Custin, Palisade.

56702279_2289031914473346_2728578863289335808_n.jpeg
Màn hình sau vô-lăng Hyundai Santa Fe hiển thị nhắc nhở kiểm tra hàng ghế sau. Ảnh: Hyundai Thành Công

Công nghệ ROA dùng sóng siêu âm để phát hiện chuyển động trong ô tô đang đỗ lên đến 24 giờ sau khi đỗ và gửi cảnh báo đến điện thoại di động của chủ sở hữu. Bên cạnh đó, ngay khi đỗ xe, tắt máy, màn hình trước mặt tài xế sẽ hiển thị thông tin nhắc nhở kiểm tra khu vực hàng ghế sau để đảm bảo trẻ em hoặc thú cưng không vô tình bị bỏ lại ở hàng ghế sau. Trong trường hợp tài xế ra khỏi và khóa xe, vì không tập trung mà bỏ quên người ngồi hàng ghế sau, đặc biệt là trẻ em, chiếc xe sẽ cảnh báo bằng còi báo động.

Nissan: Công nghệ RDA cảnh báo kiểm tra ghế sau

Hãng ô tô Nissan đã phát triển công nghệ cảnh báo Rear Door Alert (RDA) thành trang bị tiêu chuẩn trên 10 mẫu xe từ năm 2019 (Nissan Sentra, Rogue, Pathfinder,...) nhằm ngăn ngừa tình trạng trẻ bị bỏ quên trên xe. 

thong diep canh bao tren man hinh dieu khien nguon nissancity com.jpeg
Thông điệp cảnh báo trên màn hình điều khiển trước mặt người lái. Nguồn: Nissancity.com

Cụ thể, nếu tài xế đã mở cửa và còn bỏ sót trẻ em ngồi ở hàng ghế sau thì khi kết thúc hành trình, xe sẽ hiển thị thông điệp cảnh báo “Kiểm tra ghế sau” trên bảng điều khiển trung tâm. Đồng thời, nhằm đảm bảo rằng lái xe không để quên bất kỳ đứa trẻ nào trong xe trước khi rời đi, cảnh báo này sẽ được bật thông qua còi xe. Trong trường hợp người lái rời xe mà không kiểm tra ghế sau, xe sẽ cảnh báo thêm lần nữa.

Tesla: Cảm biến nhìn xuyên qua chăn đắp cho trẻ nhỏ

Nếu như nhiều hãng xe đưa ra công nghệ nhắc nhở hàng ghế sau thành trang bị tiêu chuẩn trên hầu hết các mẫu xe ô tô và xe tải vào năm 2025, thì Tesla lại làm nhiều hơn thế bằng cách không chỉ phát hiện trẻ em và động vật mà còn cả những kẻ đột nhập.

Theo đó, hãng xe điện Mỹ sử dụng một hệ thống radar sóng milimet bao gồm 4 máy phát và 3 máy thu “hoạt động ở mức công suất cao hơn". 

camera preview.jpeg
Tesla đã sớm áp dụng các công nghệ mới nhằm giúp chủ xe giám sát an toàn bên trong. Ảnh: Tesla

Hệ thống này hứa hẹn sẽ vượt trội hơn các hệ thống nhắc nhở hàng ghế sau truyền thống vì Tesla cho biết các cảm biến có thể nhìn xuyên qua các vật liệu mềm như chăn phủ của trẻ nhỏ.

Hãng cũng cho biết các cảm biến thông minh có thể phát hiện cả kiểu thở và nhịp tim, đồng thời phân biệt được giữa một đứa trẻ và một vật thể đặt trên ghế. Qua đó, công nghệ này giúp giảm các cảnh báo sai và phát hiện những thứ có thể bị bỏ sót bởi hệ thống dựa trên camera hay sóng âm thông thường.

Ngoài ra, cảm biến của Tesla cũng có thể phát hiện ai đó thò tay vào xe từ cửa sổ đang mở, giúp chống mất trộm.

Toyota: Công nghệ Cabin Awareness

Hãng Toyota đã phát triển Cabin Awareness từ năm 2019 dưới dạng concept lắp đặt trên xe Toyota Sienna và hướng đến phổ cập cho các mẫu xe thương mại trong tương lai.

Cabin Awareness sử dụng radar sóng milimet để phát hiện chuyển động, kết nối thông minh để thông báo cho chủ sở hữu.

Hệ thống radar quét sẽ tạo ra hình ảnh 4D độ phân giải cao, sóng milimet có thể phát hiện người và vật nuôi bên trong xe, ngay cả khi đang ngủ hoặc bị che lấp bởi chăn.

May Mobility Toyota.jpeg
Toyota thử nghiệm Cabin Awareness lắp đặt trên xe Sienna. Ảnh: Autotech

Tương tự hệ thống của Tesla, radar này có thể cảm nhận các chuyển động nhỏ mà mắt thường không nhìn thấy như nhịp tim, sự hô hấp ở cả 3 hàng ghế, các chuyển động ở khu vực cốp xe và chỗ để chân. Hình ảnh được quét sẽ được hệ thống đánh giá, phân loại là người lớn, trẻ em hay vật nuôi.

Công nghệ này của Toyota cũng sẽ cung cấp nhiều loại cảnh báo và thông báo khác nhau, như hiển thị bằng chữ trên cụm đồng hồ, sau đó là tiếng còi xe và đèn khẩn cấp nhấp nháy, tự động gửi thông báo đến điện thoại thông minh của chủ xe nếu các cảnh báo không được phản hồi.

Thậm chí trong trường hợp lái xe không mang theo điện thoại, Cabin Awareness có thể được lập trình để thông báo cho những người liên hệ khẩn cấp như người thân, bạn bè hoặc gửi cảnh báo thông qua các thiết bị thông minh trong nhà.

Hãng xe Nhật Bản cho rằng radar sóng milimet là giải pháp tốt hơn các công nghệ khác như cảm biến trọng lượng, camera hoặc radar phạm vi hạn chế, có thể dẫn đến cảnh báo sai hoặc phát hiện sai.

Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!