Sự đáng gờm của các doanh nghiệp Trung Quốc
Nỗi lo “chết yểu” khi bị cạnh tranh về giá vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí của các chủ doanh nghiệp Việt, đặc biệt trong bối cảnh mở cửa thị trường, nhiều “ông lớn" ngoại sẵn sàng chịu lỗ để chiếm lĩnh, giành giật thị phần.
Bàn về câu chuyện này tại hội thảo “Chuyển dịch hay chuyển mình: Đón đầu xu hướng để bứt tốc” diễn ra mới đây, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái (Phú Thái Group) đặc biệt lưu ý tới sự đáng gờm của các doanh nghiệp Trung Quốc.
“Người ta hay nói cạnh tranh về giá là đi vào đường cụt. Thế nhưng, chiến lược về giá đang là một trong những chiêu thức hữu hiệu giúp doanh nghiệp Trung Quốc xâm nhập thị trường quốc tế", ông Đoàn nói.
Ông dẫn chứng, với chiêu thức giá siêu rẻ, Shein - hãng bán lẻ thời trang trực tuyến chỉ sau khoảng 10 năm đã có trị giá trăm tỷ USD, chiếm tới phân nửa thị trường quần áo thời trang ở nhiều nước. Hoặc chuỗi cà phê Luckin, mỗi năm mở 5.000 quán, sau vài năm vươn lên Top 3 thế giới, giờ có tổng cộng hơn 10.000 quán, vượt cả con số khoảng 6.000 quán của Starbucks.
Về lý thuyết, bán dưới giá thành bị coi là hành vi vi phạm quy định pháp luật cạnh tranh. Thế nhưng, với công nghệ hạch toán của doanh nghiệp Trung Quốc, rất khó để chỉ ra vi phạm nhằm có sở cứ để kiện ra các tổ chức trọng tài quốc tế.
Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái lấy ví dụ sản phẩm kẹo, khoảng 5% bán thành phẩm do không đủ cân, bao gói hơi bị móp…, sẽ được hạch toán giá trị bằng 0. Chi phí nguyên liệu để làm 1 gói kẹo cũng mất 10.000 đồng, nhưng họ cho đây là kẹo bán thành phẩm (lỗi), họ hạch toán 0 đồng, đưa về Việt Nam bán 3.000 đồng, trừ phí vận chuyển 1.000 đồng/gói, vẫn lãi 2.000 đồng. Mặt hàng quần áo cũng tương tự.
“Cạnh tranh xuyên biên giới là cạnh tranh về giá, dù rằng phương thức này bị quy là cạnh tranh không lành mạnh. Công nghệ chiếm thị phần của các doanh nghiệp Trung Quốc là vô cùng khủng khiếp. Việt Nam là thị trường bị ảnh hưởng trực tiếp. Bây giờ dọc biên giới Việt Nam có tới 6-7 tổng kho hàng Trung Quốc, trung bình khoảng 6-8 ha/tổng kho, hàng hóa giá rẻ nhiều vô cùng tận”, ông Đoàn nhấn mạnh.
Chuỗi cà phê Cotti của doanh nghiệp Trung Quốc gần đây ồ ạt tuyển dụng nhân viên, với mức lương lên tới 20-30 triệu đồng/tháng. Theo ông Đoàn, không chủ hiệu cà phê nào ở Việt Nam có thể trả mức lương cao như thế. Có vẻ như doanh nghiệp Trung Quốc đang tìm cách lấy hết người của Starbucks, Highlands, Trung Nguyên...
“Các doanh nghiệp như Shein, Cotti,... có thể huy động trên sàn ngay lập tức được vài tỷ USD. Với số tiền này, họ có thể chịu lỗ khoảng 5 năm ở Việt Nam. Trong khi, không ít doanh nghiệp Việt lỗ khoảng 5 tháng cũng khó chịu nổi.
Doanh nghiệp Trung Quốc đã quen 'bơi ở biển', bởi chỉ riêng thị trường Trung Quốc đã là 'biển' rồi. Thị trường Việt Nam giống như một cái 'hồ bé', họ 'bơi' thoải mái chục vòng cũng được”, ông Đoàn so sánh.
Hướng đi nào cho doanh nghiệp Việt?
Với tiềm lực tài chính hạn chế, cách thức nào để doanh nghiệp Việt, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, có thể gồng gánh, xoay sở giữa “cơn bĩ cực”?
Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho rằng, thế giới đang thay đổi vô cùng nhanh về phương thức mua bán, quy mô và công nghệ. Trong khi các nước đã “chạy” mà chúng ta vẫn “đi bộ” sẽ không thể cạnh tranh được, rất khó tồn tại. Bây giờ là thời điểm phải tăng tốc, không nên chần chừ.
Ông Đoàn mách nước: Doanh nghiệp Việt hãy nghiêm túc xem lại định hướng phát triển của mình, liệu có “thọ” được không. Vốn hữu hình ít thì hãy gia tăng giá trị vô hình, gồm tiềm năng doanh nghiệp, trình độ, năng lực của chủ doanh nghiệp và đội ngũ nhân sự. Doanh nghiệp càng lớn càng nhiều “sóng gió”. Càng là doanh nghiệp tỷ đô càng dễ phá sản rất nhanh khi “rơi vào tầm ngắm”. Còn quy mô nhỏ vẫn có thể vay chỗ này, chỗ kia để cầm cự.
“Trong nền kinh tế có rất nhiều thị trường ngách, hãy đi tìm thị trường ngách mình có thế mạnh. Cùng với đó, có thể kết hợp với những đối tác lớn, đáng tin cậy để họ giúp mình. Dựa thế kẻ mạnh cũng là bí quyết thành công”, ông Đoàn phân tích thêm.
Bà Tô Hồng Trang, đồng sáng lập - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thế Giới Số (Digiworld) chung quan điểm: Những gì liên quan đến sản xuất, nếu không phải năng lực thế mạnh của Việt Nam, thì khi động vào công ty lớn còn chết nữa là công ty nhỏ. Doanh nghiệp Việt hãy tập trung làm những mảng ngách mà các đối thủ Trung Quốc, Thái Lan... không làm được.
“Công nghệ đang là một trong những ngách Việt Nam có lực lượng lao động nhiều, rất chịu khó, chi phí rẻ. Riêng ngành game, chúng ta có nhiều công ty lớn, thậm chí có những công ty rất lớn, hàng tỷ USD như Sky Mavis”, bà Trang tư vấn.
Ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Chủ tịch Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông, cũng đánh giá cao tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trong mảng công nghệ số.
“Con đường cạnh tranh bằng giá rẻ là con đường chết dần trong đau đớn. Về mặt lý luận, phải đi tìm 'đại dương xanh' để phát triển. Nhưng cuộc sống không cho ta dễ dàng tìm được 'đại dương xanh'. Ta vẫn phải sống, vẫn phải cạnh tranh giá. Bây giờ, chúng ta phải tìm ra 'con đường xanh' trên 'đại dương đỏ', tức là phải đương đầu với việc cạnh tranh về giá bằng khoa học công nghệ”, ông Kết chia sẻ.
Công nghệ số ngày nay rất phát triển, có xu hướng công nghệ số mở. Những công nghệ mới như AI (trí tuệ nhân tạo), IoT (Internet kết nối vạn vật), Cloud (điện toán đám mây... ) mở ra không gian sáng tạo không giới hạn, giúp các doanh nghiệp tạo ra sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng phần mềm với giá rẻ hơn.
Thời đại mở cửa, doanh nghiệp nước ngoài có thể “vào tận nhà” để cạnh tranh với doanh nghiệp nội địa, nhưng mặt khác cũng tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt đưa sản phẩm, dịch vụ Việt đi khắp năm châu. Theo ông Kết, doanh nghiệp Việt đừng giới hạn bản thân mình, đừng phòng thủ quá mà hãy chủ động tấn công những thị trường mình có lợi thế.
Với kinh nghiệm của một doanh nghiệp từng trải qua cạnh tranh rất khốc liệt đầu những năm 2000, khi phích nước Trung Quốc tràn vào Việt Nam với giá siêu rẻ, vị Phó Chủ tịch Bóng đèn phích nước Rạng Đông khẳng định, “cứu cánh” của doanh nghiệp trước nguy cơ “chết yểu” khi bị cạnh tranh về giá hiện nay chính là ứng dụng công nghệ số và “đứng trên vai những người khổng lồ”.
“Nếu biết tranh thủ cơ hội, tận dụng công nghệ số thì có thể thành công. Vấn đề là ý chí, quyết tâm của doanh nghiệp”, ông Kết đúc kết.