Việc khó đối với hợp tác xã, doanh nghiệp Việt

“Chúng tôi là doanh nghiệp thu mua quế đang xuất khẩu sang Ấn Độ. Một số tổ chức, doanh nghiệp Trung Quốc đã tới tìm hiểu thông tin song tới giờ chúng tôi vẫn chưa có đối tác chính thức. Rất mong được hỗ trợ kết nối để xuất khẩu quế sang thị trường Trung Quốc”, bà Nguyễn Thị Tá, đại diện một doanh nghiệp ở thị trấn Bát Xát, giãi bày tại hội thảo “Chinh phục thành công thị trường Trung Quốc” vừa diễn ra ngày 6/8 ở Lào Cai.

Đại diện một hợp tác xã ở tỉnh Phú Thọ đang liên kết sản xuất gần 100ha chuối trên địa bàn huyện Bảo Yên (Lào Cai) tâm sự: “Trước kia chúng tôi xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc, sau dịch Covid-19 phải chuyển kênh tiêu thụ sang các siêu thị, chợ đầu mối. Hiện chúng tôi đã có mã số vùng trồng trong nước. Rất mong kết nối các đơn vị để xuất khẩu chuối tiêu sang Trung Quốc và thị trường Trung Đông”.

Mong muốn xuất hàng sang “thị trường tỷ dân” là quan tâm của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã xuất khẩu nông sản Việt.

Ong Vinh.jpg
Ông Nguyễn Quang Vĩnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai (Ảnh: Bình Minh).

Ông Nguyễn Quang Vĩnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, cho hay: Rất nhiều loại nông sản Việt, đặc biệt rau củ quả, được xuất khẩu qua các cửa khẩu ở Lào Cai sang thị trường Trung Quốc. Từ năm 2021, Trung Quốc nâng cao tiêu chuẩn hàng nhập khẩu: Nông sản Việt phải có mã số vùng trồng, hồ sơ dữ liệu đầy đủ từ giống, quy trình chăm sóc, chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm… mới vào được thị trường này.

“Đây là việc khó đối với đa phần hợp tác xã, hộ nông dân, doanh nghiệp, vì vậy, rất nhiều nông sản Việt dù có tiềm năng vẫn chưa vào được thị trường Trung Quốc”, ông Vĩnh nhìn nhận.

Đề cập hiện trạng cấp và quản lý mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu tại địa phương, bà Cao Thị Hòa Bình, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Lào Cai thông tin: Từ năm 2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã hoàn thiện điều kiện tiêu chuẩn, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Bảo vệ thực vật) cấp mã số vùng trồng và mã cơ sở đóng gói nông sản, tạo điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc. Toàn tỉnh hiện có 13 mã vùng trồng xuất khẩu và 7 cơ sở đóng gói xuất khẩu được cấp mã số. 

Một loạt khó khăn trong việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói được Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Lào Cai nhận diện: Các chủ thể hàng xuất khẩu thiếu thông tin và nhận thức chưa đúng mức về hoạt động cấp mã số; Cơ quan chức năng khó quản lý mã số vùng trồng khi chưa bố trí được kinh phí đầu tư trang thiết bị phục vụ kiểm tra, giám sát thường xuyên, chưa ứng dụng công nghệ số với các vùng nguyên liệu; Không ít địa phương, tổ chức, cá nhân chỉ tập trung mở rộng diện tích vùng trồng và cơ sở đóng gói, chưa quan tâm tới việc tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu của nước nhập khẩu…

“Một số ngành hàng chủ lực của Lào Cai như dứa, dược liệu… có ưu thế xuất khẩu lớn song chưa có tên trong Lệnh 248 về "Quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu" và Lệnh 249 về "Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu" của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC).

Ngành quế có diện tích sản xuất lớn, một số địa phương đề nghị cấp mã số vùng trồng cho cây quế nhưng chưa thể thực hiện được do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa có hướng dẫn cụ thể. Trong khi việc quản lý mã số vùng trồng mới dừng ở mức thực hiện theo hướng dẫn.

Công tác cập nhật thông tin cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã về tiêu chuẩn cần áp dụng đối với nông sản xuất khẩu còn hạn chế do cán bộ phụ trách ở địa phương kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, cơ sở dữ liệu thông tin trong đơn vị chuyên môn không cập nhật thường xuyên”, bà Bình phản ánh bất cập.

Ba Binh.jpg
Bà Cao Thị Hòa Bình, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Lào Cai (Ảnh: Bình Minh).

“Sân chơi” khó vào - dễ bị bật ra

Muốn xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, một trong những điều kiện bắt buộc phải có là mã số được công khai trên hệ thống thông tin điện tử CIFER (https://cifer.singlewindow.cn) của GACC. Sau khoảng 30 tháng thực hiện Lệnh 248 và Lệnh 249, đã có hơn 3.000 mã số hàng Việt đăng ký xuất khẩu.

Đồng hành trên hành trình đưa nông sản Việt vào “thị trường tỷ dân”, bà Phan Thị Mến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn khoa học và Công nghệ SUTECH chứng kiến không ít câu chuyện “khóc dở mếu dở”.

Ba Men SUTECH.jpg
Bà Phan Thị Mến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn khoa học và Công nghệ SUTECH (Ảnh: Bình Minh).

Bước đầu tiên trong quy trình đăng ký trên CIFER là mở tài khoản xuất khẩu cho doanh nghiệp. Có doanh nghiệp hàng sang đến nơi nhận mới biết sai tên tiếng Anh của công ty vì lỗi bất cẩn, không kiểm tra kỹ thông tin khi đăng ký tài khoản. Lô hàng không thể thông quan, buộc phải quay về. 

Trong khâu chuẩn bị hồ sơ, nhiều chuyện tưởng nhỏ mà hóa ra không nhỏ. Có doanh nghiệp xuất khẩu gạo thuộc Top đầu Việt Nam, doanh thu hơn 60.000 tỷ đồng/năm, vẫn bị phía Trung Quốc từ chối cấp mã số chỉ vì không chứng minh được nguồn nước sử dụng trong quá trình sản xuất, do chuyên viên xây dựng hồ sơ nghĩ một cách đơn giản rằng đây là chuyện bình thường, không cần đưa vào hồ sơ.

“Các doanh nghiệp muốn đăng ký xuất khẩu thành công cần có quy trình nội bộ chi tiết liên quan đến sản xuất, quản lý chất lượng và xuất khẩu (bản chất là phải xây dựng cơ sở dữ liệu), lưu trữ và quản lý có hệ thống. Phía Trung Quốc đánh giá trực tuyến rất nghiêm ngặt. Năm vừa rồi, SUTECH tư vấn khoảng 500 doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, luôn nhắc nhở rằng bên cạnh giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, trong hồ sơ cần phải báo cáo đầy đủ cả hoạt động tư vấn, đánh giá thực tế, kết quả kiểm nghiệm, biểu mẫu cụ thể. Nếu không, doanh nghiệp rất khó tham gia "cuộc chơi" xuất khẩu”, bà Mến lưu ý.

Cũng theo Tổng Giám đốc SUTECH, thời gian chấp nhận hồ sơ xét duyệt của GACC khá dài, trung bình 45 – 60 ngày. Có khi 3 tháng không doanh nghiệp Việt nào được phía Trung Quốc phê duyệt hồ sơ, song có ngày lại duyệt cả 10 doanh nghiệp. 

Một phần nguyên do cũng bởi phía Việt Nam không quy định thời gian nhận – trả kết quả thủ tục hành chính; đội ngũ nhân sự của các cơ quan quản lý thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách thẩm định hồ sơ còn mỏng, vừa rồi lại có sự thay đổi cơ cấu tổ chức, kéo dài thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ cho doanh nghiệp.

“Nhiều đơn vị xuất khẩu sắn lát qua mùa vụ rồi vẫn không được phía Trung Quốc chấp nhận, phải xoay hướng khác để tiêu thụ sản phẩm. Thậm chí có doanh nghiệp chờ qua 2 mùa sắn vẫn chưa được cấp mã số để xuất khẩu sắn lát sang Trung Quốc. Có doanh nghiệp ở Phú Thọ mất 1,5 năm mới được phê duyệt mã chuối tươi”, bà Mến nêu thực trạng. 

Mã số do GACC cấp có thời hạn 5 năm kể từ ngày chấp nhận cho doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, trong 5 năm này, vẫn có thể xảy ra trường hợp mã số bị thu hồi khi có lô hàng vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. 

Năm 2023, phía Trung Quốc đã cảnh báo vi phạm với 12 doanh nghiệp Việt có lô hàng nước ép trái cây cấp đông, sau đó thu hồi 5 mã số. 

Vừa rồi phía Trung Quốc kiểm tra kim loại nặng có trong nền mẫu nông sản tươi, phát hiện một số hàng Việt Nam bị nhiễm E.Coli. 

Với những loại sản phẩm chế biến sâu như chè, doanh nghiệp đăng ký trực tiếp với GACC, khi lô hàng bị cảnh báo vi phạm (như tồn quá mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hay có nấm mốc), nếu doanh nghiệp không khắc phục sẽ bị thu hồi hàng, mã số bị tạm dừng, không xuất khẩu được. 

Hiện có 2 hình thức đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc. Một là đăng ký theo hình thức Công thư: Cục Bảo vệ thực vật hoặc các đơn vị chuyên môn sẽ hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp bằng văn bản giấy. Hình thức này mất khá nhiều thời gian. Hai là đăng ký trực tuyến trên hệ thống của Hải quan Trung Quốc. Với hình thức này, không chỉ riêng bà con nông dân, hợp tác xã mà ngay cả doanh nghiệp xuất khẩu cũng còn bỡ ngỡ, vướng mắc. Thị trường Trung Quốc thời gian vừa rồi có rất nhiều sự thay đổi mạnh mẽ, liên tục điều chỉnh quy định. Nếu doanh nghiệp Việt không kịp thời thích ứng sẽ bị bỏ lại sau. Bà Phan Thị Mến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn khoa học và Công nghệ SUTECH.

“Trung Quốc dần khó tính hơn, chuẩn hóa hơn các hệ thống an toàn thực phẩm khi cho phép doanh nghiệp nước ngoài có thể xuất khẩu sản phẩm thực phẩm vào thị trường này. Thời gian vừa rồi, rất nhiều mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói (đặc biệt là với mã sầu riêng) của chúng ta bị phía Trung Quốc cảnh báo tạm dừng. Mọi thông tin đều công khai, minh bạch trên hệ thống điện tử của GACC. Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt có thể nhìn thấy ngay “vận mệnh” của mình trên đó. Khi bị cảnh báo cần nhanh chóng điều tra nguyên nhân và sớm khắc phục”, bà Mến khuyến nghị. 

“Các thị trường ngày càng minh bạch quy định, tiêu chuẩn nhập khẩu. Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt khó hoàn thiện hồ sơ đáp ứng mọi yêu cầu, tiêu chuẩn của họ tức thì mà cần xác định làm chuẩn từ đầu, có quá trình. Dự kiến tới năm 2028 cơ bản không còn xuất khẩu tiểu ngạch mà 100% nông sản Việt sẽ xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Doanh nghiệp Việt phải lớn dần về tư duy, nhận thức, chủ động hơn mới có thể giữ vị thế xuất khẩu”, bà Mến nhấn mạnh.

Ứng dụng công nghệ số để gỡ khó 

Ứng dụng công nghệ số được xem là giải pháp hữu hiệu và khả thi, giúp giải quyết những hạn chế, bất cập, để nông sản Việt chinh phục thành công thị trường Trung Quốc cũng như nhiều thị trường quốc tế khác.

Đơn cử, ứng dụng công nghệ vào các khâu chăm sóc, thu hoạch sẽ đảm bảo chất lượng cho nông sản xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc, giảm thiểu nguy cơ bị trả về.

“Lợi ích của ứng dụng công nghệ số rất rõ, song nhiều khi “cái khó bó cái khôn”. Bên cạnh hạn chế về hạ tầng công nghệ tại tỉnh miền núi địa hình phức tạp, trình độ tiếp cận công nghệ của bà con cũng là một vấn đề. Trước từng có dự án do một tổ chức NGO triển khai nhằm tập huấn, hướng dẫn bà con cách ứng dụng nhật ký điện tử trên smartphone, ghi chép hàng ngày thông tin về quá trình chăm sóc cây trồng, lưu trữ dữ liệu trên phần mềm, qua đó theo dõi sát sao chất lượng nông sản xuất khẩu. Thế nhưng, không ít bà con vẫn chưa hình thành thói quen ghi chép nhật ký, ngại ngần khi hệ thống phần mềm yêu cầu nhiều thao tác, quy định bảo mật”, bà Bình kể với phóng viên Báo VietNamNet.

“Chúng tôi đang đề xuất với tỉnh cho lĩnh vực trồng trọt đi tiên phong trong ngành nông nghiệp về ứng dụng công nghệ số. Để hỗ trợ bà con nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ số, chúng tôi đã chia sẻ khá nhiều thông tin hữu ích qua Trang Khuyến nông hoặc website của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và cả Báo Lào Cai điện tử. Rất mong thời gian tới sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã được cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu”, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Lào Cai nói thêm.

Nong san xuat khau.jpg
Nhiều loại nông sản Việt xuất khẩu qua các cửa khẩu ở Lào Cai sang thị trường Trung Quốc (Ảnh: Bình Minh).

Ứng dụng công nghệ số cũng sẽ có thể hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt kịp thời nắm bắt thông tin cần thiết về những chỉ tiêu, quy định cần phải đáp ứng. 

Các loại trái cây được phép nhập khẩu sang Trung Quốc: Xoài, nhãn, vải, chôm chôm, mít, thanh long, măng cụt, thạch đen, sầu riêng, khoai lang, chuối, dưa hấu, dừa, chanh leo, ớt. Các mặt hàng đang tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường: Quả có múi (bưởi), dược liệu và trái cây đông lạnh.

“SUTECH đang xây dựng hệ thống phần mềm ứng dụng trên smartphone, có tính năng cảnh báo mã số vi phạm, giúp doanh nghiệp tra cứu nhanh chóng thông tin về tình trạng lô hàng xuất khẩu. Cùng với đó, chúng tôi cũng đang xây dựng cơ sở dữ liệu nội bộ, tập hợp tất cả mã số vùng trồng, mã số đơn vị đóng gói nông sản xuất khẩu, số liệu diện tích vùng trồng… của các hợp tác xã, doanh nghiệp từng được SUTECH tư vấn xuất khẩu thành công, phân loại dữ liệu thành các nhóm ngành hàng cụ thể như gạo, chuối, quế…, khá hữu ích cho công tác quản lý, giám sát, hỗ trợ hoạt động xuất khẩu nông sản Việt”, Tổng Giám đốc Phan Thị Mến tiết lộ.

Trăn trở lớn của bà Mến lúc này là làm sao đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói cho các hợp tác xã, doanh nghiệp xuất khẩu.

“Nếu quá trình xây dựng các quy định pháp lý liên quan đến luật, nghị định kéo dài quá lâu, thì phải có hướng dẫn tạm thời, quy định cụ thể thời gian nhận hồ sơ tại các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng như thời gian chuyển hồ sơ sang phía Trung Quốc phê duyệt, để việc cấp mã số được tiến hành nhanh nhất, bớt khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu”, Tổng Giám đốc SUTECH đề xuất.

Năm 2023, toàn tỉnh Lào Cai có 16 mã số vùng trồng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, trong đó có 15 mã vùng trồng chuối xuất khẩu sang Trung Quốc (gồm: Lùng Vai, Nậm Chảy, Bản Sen, Thanh Bình, Nậm Chạc, A Mú Sung, Cốc Mỳ, Trịnh Tường, Bản Cầm, Bản Vược, Cam Cọn, Xuân Hòa, Bản Lầu, Vạn Hòa, Bản Phiệt) ; 1 mã vùng trồng chè (Trà Shan tuyết cổ thụ Tả Thàng) xuất khẩu sang châu Âu, Hoa Kỳ, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản. 

Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai đã đề nghị thu hồi 3 mã vùng trồng (tại Bản Lầu, Vạn Hòa, Bản Phiệt). 

Hiện chỉ còn 13 mã vùng trồng xuất khẩu đang được duy trì.

Cũng trong năm 2023, Lào Cai có 11 mã cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc, gồm 8 mã cơ sở đóng gói chuối (Hợp tác xã Châu Thịnh Phong, Công ty TNHH Một thành viên Hoàng Bằng, Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu Việt Hiếu, Hợp tác xã Thịnh phong, Công ty TNHH Một thành viên Thương mại xuất nhập khẩu Liên Giang, Công ty TNHH Một thành viên Hoàng Lan, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thúy Hà, Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Bằng); 2 mã cơ sở đóng gói thạch đen (Công ty TNHH Tổng hợp 559, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu MD), 1 mã cơ sở đóng gói chanh leo (Công ty TNHH Một thành viên An Hải Phát). 

Qua kiểm tra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị thu hồi mã cơ sở đóng gói của 4 cơ sở không đạt yêu cầu xuất khẩu (3 cơ sở đóng gói chuối của Công ty TNHH Một thành viên Hoàng Lan, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thúy Hà, Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Bằng; 1 cơ sở đóng gói thạch đen của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu MD).

Hiện chỉ còn 7 cơ sở đóng gói xuất khẩu được cấp mã số.