Công nghiệp điện tử (CNĐT) là ngành sản xuất vật chất mang tính cơ bản của nền kinh tế quốc dân, có vị trí then chốt trong nền kinh tế và tác động lan tỏa mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp khác. Ngành CNĐT Việt Nam chiếm tỷ trọng 17,8% toàn ngành công nghiệp, chủ yếu sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học. Sản phẩm chính của CNĐT là linh kiện điện tử, điện thoại nguyên chiếc, linh kiện điện thoại, ti vi lắp ráp, máy tính bảng, ipad và máy vi tính. Sản phẩm của ngành điện tử ngày càng theo hướng đa dạng hóa theo nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

 Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, năm 2022, trong bối cảnh sản xuất công nghiệp cũng như là xuất khẩu toàn cầu suy giảm thì xuất khẩu của ngành điện tử Việt Nam vẫn là một điểm sáng với tổng kim ngạch xuất khẩu là 108 USD và ngành công nghiệp điện tử xuất siêu là 11.5 tỷ USD. Trong khi đó cả nước năm 2021 xuất siêu có 4 tỷ. Tức là nếu không có ngành công nghiệp điện tử thì Việt Nam sẽ tiếp tục nhập siêu. 

Công nghiệp điện tử đang là điểm sáng trong sản xuất công nghiệp tại Việt Nam

Từ đó, thấy rằng cái vai trò đóng góp của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam trong việc đảm bảo cán cân thương mại của quốc gia rất quan trọng. 

Chia sẻ với VietNamNet, bà Hương nhấn mạnh: "9 tháng đầu năm 2022, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm sáng trong việc dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu của công nghiệp chế biến chế tạo của cả nước với giá trị tuyệt đối xuất khẩu là 87 USD. Đáng chú ý, ngành công nghiệp điện tử tiếp tục xuất siêu đến 12.5 tỷ USD trong bối cảnh cả nước 9 tháng đầu năm xuất siêu có 6.52 tỷ USD.  Tức là vai trò đóng góp của ngành công nghiệp điện tử vào việc đảm bảo cân bằng ngoại hối của Việt Nam vẫn rất to lớn. Điều đó không thể phủ nhận". 

Theo bà Hương, năm 2016 khi Samsung bắt đầu đặt thí điểm tại Việt Nam, thời điểm đó, có chưa đến 10 doanh nghiệp là vendor của Samsung và trong đó không có doanh nghiệp điện tử nào. Đến cuối năm 2021, Samsung báo cáo là họ có trên 200 doanh nghiệp Việt  là vendor, nhà cung ứng cho Samsung. Trong đó, đã có những doanh nghiệp điện tử và có đến trên 50 doanh nghiệp điện tử trong nước là nhà cung ứng lớp 1, cung ứng trực tiếp cho Samsung. Đó thực sự là những con số rất đáng kể.

Vai trò đóng góp của ngành công nghiệp điện tử vào việc đảm bảo cân bằng ngoại hối của Việt Nam vẫn rất to lớn. 

 

Việt Nam bắt đầu tham gia mạnh mẽ vào chuỗi giá trị 3C trong ngành điện tử từ năm 2010 (gồm linh phụ kiện, lắp ráp cụm linh kiện, thành phẩm) và trở thành là trung tâm lắp ráp linh kiện điện tử của thế giới. Thời gian qua, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng ngành sản xuất điện tử vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khả quan, chứng tỏ tiềm năng phục hồi và phát triển rất lớn. 

Dự báo, Việt Nam sẽ tăng tỷ trọng xuất khẩu điện tử máy tính toàn cầu lên gần 4% vào năm 2025. Việt Nam có thể tận dụng tối đa sự bùng nổ trên toàn cầu về nhu cầu máy tính, thiết bị điện tử khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Chỉ số sản xuất máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng trên 10%.

Y Nhụy