Trước thông tin cho rằng, "Việt Nam chỉ sản xuất được ốc vít gắn biển số ô tô", Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương đã công bố bức tranh cập nhật thực trạng ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cho ô tô tính đến 24/2/2023.

Cục cho biết, tỷ lệ nội địa hóa một số dòng xe sản xuất, lắp ráp trong nước khá cao do khả năng cung ứng các sản phẩm CNHT nội địa được cải thiện trong thời gian qua. Các chủng loại xe tải, xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, đạt mục tiêu đề ra đáp ứng về cơ bản thị trường nội địa (xe tải đến 07 tấn đáp ứng khoảng 70% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa trung bình 55%; xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng đáp ứng khoảng 90% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa đạt từ 20% đến 50%).

Sản xuất phụ tùng ô tô tại Thaco (ảnh: Băng Dương)

Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp ô tô và CNHT cho ngành công nghiệp ô tô đã gia tăng liên tục với sự tham gia các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, trong đó đóng góp đáng chú ý vào sự gia tăng này là của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước. 

Hiện trên thị trường Việt Nam hiện nay đã có mặt hầu hết các hãng sản xuất ô tô lớn trên thế giới như Toyota, Honda, Ford, v.v. đã kéo theo một số nhà sản xuất vệ tinh và hệ thống các nhà cung ứng linh kiện phụ tùng nước ngoài thân thiết vào đầu tư tại Việt Nam.

CNHT cho ngành công nghiệp ô tô nói riêng đã có sự chuyển dịch theo hướng gia tăng dần tỷ trọng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh  vực sản xuất trang thiết bị, linh kiện, phụ tùng và giảm dần tỷ trọng doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực lắp ráp, sản xuất thân và thùng xe ô tô. 

Các doanh nghiệp CNHT cho ngành công nghiệp ô tô bên cạnh việc cung cấp sản phẩm cho thị trường nội địa đã có xuất khẩu, chủ yếu là xuất khẩu gián tiếp thông qua việc cung cấp linh kiện, phụ tùng cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ở trong nước, sau đó xuất khẩu hoặc cung cấp trực tiếp cho các doanh nghiệp chế xuất. 

Tính đến hết năm 2022, cả nước có khoảng hơn 350 doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ô tô; trong đó, có khoảng hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô; 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô...  với sản lượng sản xuất lắp ráp trong nước đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe dưới 9 chỗ trong nước. 

Nhiều hãng lớn trên thế giới có hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia sâu vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu. Một số loại sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Mỹ…. 

Phụ tùng xuất khẩu chủ yếu là cụm dây diện (HS8544), chiếm trên 50% và thị trường chủ yếu là Nhật Bản (50%) và Hoa Kỳ (13%). Phụ tùng xuất khẩu lớn thứ hai là linh kiện hộp số (HS870840) chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu phụ tùng, linh kiện ô tô, và điểm đến chủ yếu là Nhật Bản, Mexico, và Trung Quốc.

Năng lực công nghệ của nhiều doanh nghiệp CNHT cho ngành ô tô Việt Nam đã được tăng cường. Một số doanh nghiệp  đã sử dụng công  nghệ, máy móc của các nước EU và Nhật Bản. Các tiêu chuẩn, công cụ quản lý tiên tiến cũng đã được các doanh nghiệp quan tâm và áp dụng.

Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã phát triển khá nhanh trong 05 năm trở lại đây. 

Tính trong cả năm 2022, tổng số ô tô xuất xưởng tại Việt Nam đạt 439.600 xe, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng xe nhập khẩu đạt 176.590 xe với tổng kim ngạch 3,87 tỷ USD, tăng 10,5% về lượng và 6,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Do đó, tổng lượng ô tô mới có mặt tại thị trường Việt Nam năm 2022 ước đạt 616.190 xe, tăng trưởng mạnh so với năm 2021 và mỗi ngày thị trường tiếp nhận thêm trung bình hơn 1.688 chiếc ô tô mới. 

Các sản phẩm ô tô sản xuất trong nước đã vươn ra thị trường khu vực và quốc tế, trong đó có những thị trường có tiêu chuẩn chất lượng rất cao (như việc Thaco xuất khẩu sản phẩm Sơmi Rơmooc sang Mỹ, và Vinfast xuất khẩu sản phẩm ô tô điện sang Mỹ, Canada...). Thống kê hiện có 6 thương hiệu mạnh chiếm 90% thị phần là Thaco, Huyndai, Toyota, Mitsubishi, Ford, Honda với doanh số bình quân khoảng 30 đến 60 nghìn chiếc/năm, vượt qua điểm hòa vốn đối với xe lắp ráp trong nước (theo ước tính trước đây là 30 đến 40 nghìn chiếc/ năm cho một nhà máy lắp ráp hoặc 10 đến 20 nghìn chiếc/ năm cho mỗi mẫu xe). Việc các nhà máy sản xuất, lắp ráp trong nước gia tăng đồng nghĩa với nhu cầu về phụ tùng, linh kiện ô tô và công nghiệp hỗ trợ tăng, đây chính là cơ hội mạnh mẽ để tăng tỷ lệ nội địa hóa cho ngành. 

Sản xuất ô tô tại Thaco (ảnh: Băng Dương)

Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam, chứng minh năng lực sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đã có nhiều cải thiện, dần tiệm cận với các tiêu chuẩn chất lượng khu vực và quốc tế, tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi gia trị toàn cầu.

Các chủng loại xe tải nhẹ dưới 7 tấn, xe khách từ 25 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, đạt mục tiêu đề ra, đáp ứng cơ bản nhu cầu thị trường nội địa (xe tải đến 07 tấn đáp ứng khoảng 70% nhu cầu); Chất lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Qua đó, đã đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng tỷ USD/năm và giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trực tiếp.  

Băng Dương