Bảng lương bị "chẻ" nhỏ

Công nhân chỉ được đóng bảo hiểm khoảng 50% thu nhập - 1

Nhiều doanh nghiệp chỉ đóng bảo hiểm cho người lao động ở mức 1/2 thu nhập thực lãnh.

Chị V.T.T.L. làm việc tại một công ty chuyên về may mặc trên địa bàn TPHCM cho biết, sau hơn 10 năm làm việc, tổng lương mỗi tháng chị được khoảng 11 triệu đồng (tính cả tăng ca). Sau khi trừ 10,5% các khoản bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp và công đoàn, số tiền chị L. thực lãnh là 10,5 triệu đồng. Tuy nhiên, trên bảng lương thấy rõ, công ty trích 521.430 đồng để đóng các khoản bảo hiểm, tức mức lương làm căn cứ đóng BHXH chỉ 4.966.000 đồng

Chị L. là mẹ đơn thân. Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn khi con trai đầu bị tật nguyền, năm nay vừa học hết lớp 9, cháu thứ hai mới đang học lớp 1. Để có thêm thu nhập, chị L. buộc phải tăng ca, có khi cả tháng, ngày nào cũng 7 - 8 giờ tối chị mới về đến phòng trọ. Với đồng lương ít ỏi, phải chật vật, tằn tiện lắm, ba mẹ con chị mới tồn tại được ở thành phố.

Hằng ngày, chị chỉ biết đi làm, cuối tháng nhận lương. Việc doanh nghiệp đóng bảo hiểm thấp hơn số tiền thực lãnh, chị cũng không thực sự quan tâm. Với chị L. có đóng bảo hiểm là đã thấy an tâm.

Công nhân chỉ được đóng bảo hiểm khoảng 50% thu nhập - 2

Bảng lương của người lao động sẽ trích ra khoảng 10,5% để đóng bảo hiểm xã hội.

Tương tự, anh D.V.L. làm việc tại khu công nghệ cao TP Thủ Đức, mỗi tháng công ty trả lương chuyển về tài khoản của anh cũng trên dưới 10 triệu đồng (tùy thuộc vào tăng ca nhiều hay ít). Bảng lương của anh Linh được liệt kê với nhiều khoản phụ cấp và trợ cấp khác nhau như hỗ trợ nhà ở, xăng xe đi lại, chuyên cần… Số tiền trích ra để đóng bảo hiểm chỉ khoảng 500.000 đồng. 

Nhiều khi anh L. cũng thắc mắc, sao thu nhập mình nhận được khá nhiều nhưng mức đóng bảo hiểm thì cũng chỉ như hầu hết mọi người lao động khác trong công ty.

Đại diện một doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM cho biết, công ty đóng bảo hiểm dựa trên mức lương tối thiểu vùng và một số phụ cấp cố định, ổn định. Việc này thuận tiện trong quản lý, quản trị. Nếu doanh nghiệp đóng bảo hiểm cho người lao động cao thì lương đến tay người làm phải thấp xuống. 

Theo báo cáo lương năm 2021 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, mức lương bình quân các doanh nghiệp thực trả mỗi tháng cho người lao động là 11,24 triệu đồng. Còn phía Bảo hiểm xã hội TPHCM cho hay, mức lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động thời gian này chỉ hơn 7,4 triệu đồng. Mức lương đóng bảo hiểm chỉ bằng khoảng 2/3 so với thực lĩnh.

Doanh nghiệp lách luật

Công nhân chỉ được đóng bảo hiểm khoảng 50% thu nhập - 3

Trong nhiều trường hợp, người lao động sẽ thiệt thòi khi doanh nghiệp đóng BHXH thấp.

Theo số liệu từ Bảo hiểm Xã hội TPHCM, tính đến 30/4/2022, số nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) tạm tính là hơn 5.397 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ nợ là 7,36% so với kế hoạch thu của BHXH Việt Nam giao, tăng so với năm 2021 là 1,85% (số nợ năm 2021 là 3.702 tỷ đồng).

Các hình thức phổ biến dẫn đến nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN như doanh nghiệp thành lập và hoạt động nhưng không khai báo có sử dụng lao động cố tình không tham gia BHXH cho người lao động hoặc đóng không đủ số lao động...

Doanh nghiệp di chuyển khỏi địa bàn, mất tích mà các cơ quan chức năng hầu như không kiểm soát được. Doanh nghiệp lách luật, cố tình giao kết hợp đồng khoán việc, cộng tác viên... Tình trạng vi phạm chậm nộp quỹ BHXH, BHYT, BHTN rất phổ biến, nợ phát sinh thường xuyên nếu không nhắc nộp. 

Long An cũng là một trong những địa phương có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thu hút đông công nhân lao động đến làm việc. Chính vì thế, đến ngày 30/4/2022, toàn tỉnh Long An có hơn 2.900 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN... với tổng số tiền hơn 276 tỷ đồng với hơn 147.300 người lao động bị ảnh hưởng.

Theo bà Lê Thị Thu Cúc, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Long An, hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều tham gia đóng bảo hiểm xã hội người lao động đầy đủ. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là số tiền đóng bảo hiểm chưa được cao so với thu nhập thực lãnh của người lao động. Trong nhiều trường hợp, người lao động sẽ bị thiệt thòi …

Bà Cúc cho biết thêm về tình trạng trốn đóng bảo hiểm cho người lao động trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại. Chỉ tính trong gần 6 tháng đầu năm 2022, Liên đoàn lao động tỉnh Long An đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh hỗ trợ pháp lý trên 100 trường hợp công nhân lao động về vấn đề doanh nghiệp không tham gia BHXH bắt buộc cho người lao động. Mặc dù doanh nghiệp này vẫn thu tiền đóng bảo hiểm hàng tháng của công nhân. Hiện nay, vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng tiến hành làm rõ. 

(Theo Dân Trí)

Bảy lý do người lao động cần cân nhắc khi nhận bảo hiểm xã hội một lầnCơ quan Bảo hiểm xã hội mới đây đã đưa ra 7 lý do mà người lao động cần cân nhắc khi nhận bảo hiểm xã hội 1 lần.