Năm 2023 là năm đánh dấu vai trò, vị thế của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức lớn đối với công tác nhân quyền. Hội nghị tập huấn công tác nhân quyền toàn quốc năm 2023 được tổ chức nhằm cung cấp, cập nhật thông tin mới nhất về tình hình dân chủ, nhân quyền; thống nhất về nhận thức tư tưởng hành động từ Ban Chỉ đạo Trung ương đến địa phương đặc biệt là đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác nhân quyền.

Nhằm cung cấp, cập nhật thông tin mới nhất về tình hình dân chủ, nhân quyền; thống nhất về nhận thức tư tưởng hành động từ Ban Chỉ đạo Trung ương đến địa phương đặc biệt là đội ngũ cán bộ làm công tác nhân quyền, hơn 300 đại biểu đến từ 22 địa phương đã tham dự Hội nghị tập huấn công tác nhân quyền năm 2023 vừa được Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền của Chính phủ phối hợp với Ban Chỉ đạo Nhân quyền tỉnh Đắk Nông tổ chức hôm 18/7.

Phát biểu tại Hội nghị, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo về nhân quyền khẳng định: "Nhân quyền ngày càng trở thành vấn đề quan trọng trong đời sống chính trị thế giới, là một trong ba trụ cột hoạt động của Liên hợp quốc cùng với hòa bình, an ninh và phát triển".

Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực ngày càng có những diễn biến phức tạp, tác động mạnh đến tình hình trong nước, hoạt động can thiệp chống phá Việt Nam về dân chủ, nhân quyền vẫn tiếp tục diễn ra với cường độ cao, đặc biệt các vấn đề dân tộc, tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí, vấn đề thành lập công đoàn độc lập…

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng nhấn mạnh, việc Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, đã thể hiện sự tín nhiệm của bạn bè, cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam.

Trong thời gian qua với sự chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ và sự đồng lòng, quyết tâm, nỗ lực của Ban Chỉ đạo Nhân quyền 63 tỉnh, thành phố, công tác nhân quyền đã chuyển động mạnh mẽ với những chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn không ít những tồn tại và hạn chế, do vậy cần thẳng thắn nhìn nhận, đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác nhân quyền ngay tại cấp cơ sở, trong đó cần chú ý đến các giải pháp chủ động nắm tình hình từ xa, từ sớm; nâng cao nhận thức, kỹ năng xử lý tình hình cho cán bộ trực tiếp làm công tác nhân quyền với tinh thần chuyên sâu; nắm chắc chủ trương, đường lối và sự chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng; đảm an sinh xã hội, bảo đảm tốt hơn quyền của người dân, đồng thời đấu tranh hiệu quả với hoạt động lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền chống phá Việt Nam.

Vì vậy, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng lưu ý các địa phương chú trọng, không để các thế lực thù địch lợi dụng vào những vấn đề trên làm ảnh hưởng đến sự ổn định, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Vấn đề nhân quyền được Đắk Nông thực hiện nghiêm túc, đồng bộ

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác nhân quyền trong sự phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương, nhất là Ban Chỉ đạo nhân quyền Chính phủ, vấn đề nhân quyền được tỉnh Đắk Nông thực hiện một cách nghiêm túc, đồng bộ và hiệu quả.

Tỉnh Đắk Nông luôn quan tâm phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, nhất là trong lĩnh vực an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, tự do tín ngưỡng, tôn giáo và giải quyết khiếu nại tố cáo của Nhân dân…

Sau gần 20 năm phát triển, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, kinh tế của địa phương được nâng lên, đời sống của người dân từng bước được cải thiện.

Đặc biệt trong 2 năm qua, tỉnh đã triển khai cải cách hành chính mạnh mẽ, thể hiện qua chỉ số CPI cấp tỉnh từ vị trí áp chót của 63 tỉnh, thành phố đã tăng lên 14 bậc; bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, nhất là trong lĩnh vực an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, đặc biệt trong bảo đảm quyền của người dân tộc thiểu số. 

Tuy nhiên, ông Hồ Văn Mười cũng thẳng thắn nhìn nhận, mặc dù tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn được bảo đảm nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường, nhất là các hoạt động lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch. Nhận thức về vấn đề quyền con người của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự đầy đủ...

Do vậy, việc tập huấn nhân quyền sẽ góp phần nâng cao và thống nhất nhận thức về vấn đề quyền, tạo cơ sở vững chắc cho công tác đấu tranh chống các luận điệu vu cáo, xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Đình Thành và nhóm PV, BTV