Công tác kiểm tra, giám sát đóng vai trò hết sức quan trọng trong phòng, chống tham nhũng. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Ủy ban Kiểm tra các cấp trong nhiệm kỳ XII đã tích cực vào cuộc, giải quyết nhiều vụ việc nổi cộm, phức tạp; Xử lý kỷ luật hoặc yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Công tác phòng chống tham nhũng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII đã quyết liệt, mạnh mẽ hơn, cho thấy nhận thức của Đảng ngày càng sáng, rõ, quyết tâm của Đảng ngày càng cao hơn. Ảnh Nguyễn Liên |
Theo đánh giá của ông Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an), hoạt động của Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong nhiệm kỳ XII hiệu quả nhất, tích cực nhất; kết quả hoạt động của Ủy ban Kiểm tra các cấp đã đóng góp tích cực vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, mở đường cho công tác điều tra, xử lý theo pháp luật. Bằng chứng là mỗi lần Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát bản tin về công tác kiểm tra, giám sát đều được cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm, ủng hộ rất lớn.
“Để giám sát quyền lực, cần có sự kiểm soát đa chiều, cả bên trong lẫn bên ngoài để tránh những tiêu cực có thể phát sinh ở ngay tại các cơ quan chống tham nhũng. Cần thiết thành lập Ủy ban giám sát quyền lực quốc gia do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Chủ nhiệm Ủy ban, thay Thanh tra Chính phủ. Kinh nghiệm là Kiểm toán Nhà nước trực thuộc Quốc hội thì hoạt động rất hiệu quả”-ông Lê Văn Cương đề xuất.
Ông Lê Văn Cương cũng nhấn mạnh công tác phòng chống tham nhũng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII đã quyết liệt, mạnh mẽ hơn, cho thấy nhận thức của Đảng ngày càng sáng, rõ, quyết tâm của Đảng ngày càng cao hơn. Để Nghị quyết Đại hội XIII sớm đi vào thực tiễn cuộc sống, cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp cần sớm cụ thể hóa từng vấn đề nêu ra trong Nghị quyết bằng luật pháp, chế tài, bằng quy chế cụ thể, bắt đầu từ Trung ương thì mới tạo sự chuyển động ở địa phương.
Ngọc Trang