Sở GTVT có văn bản báo cáo UBND TP Hà Nội về việc Công ty Bắc Hà đề nghị dừng khai thác hợp đồng đấu thầu đối với 5 tuyến buýt có trợ giá (số 41,42,43,44,45). Văn bản do ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội ký đưa ra 2 phương án tháo gỡ.

Phương án 1, chấm dứt hợp đồng với Công ty Bắc Hà và chỉ định thầu cho đơn vị thay thế có đủ có năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu thực hiện phần công việc còn lại của gói thầu để tiếp tục khai thác vận hành 5 tuyến buýt (giá trị phân khối lượng công việc chưa thực hiện giao cho nhà thầu mới được tính bằng giá trị ghi trong hợp đồng trừ đi giá trị của phân khối lượng công việc đã thực hiện trước đó).

Phương án 2, tạm dừng khai thác đối với 5 tuyến buýt để rà soát, tính toán lại dự toán, chi phí, thiết kế tuyến để hình thành gói thầu mới, làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định.

Hà Nội đưa ra 2 phương án thay thế sau khi Công ty Bắc Hà dừng hoạt động hàng loạt tuyến buýt trợ giá (Ảnh: Báo GTVT)

Ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, nếu Công ty Bắc Hà không còn khả năng hoạt động thì nên cho dừng. Công ty Bắc Hà nên giải quyết quyền lợi với người lao động trước khi dừng hoạt động hoàn toàn.

Theo ông Liên, việc các tuyến buýt của Bắc Hà phải dừng là điều không ai mong muốn, nhưng có thể xác định đây là điều kiện để phát triển dịch vụ xe buýt tốt hơn. 

Về phương án Sở GTVT Hà Nội đưa ra, ông Liên cho rằng, Hà Nội nên tổ chức đấu thầu để chọn được đơn vị có năng lực, kinh nghiệm phát triển các tuyến buýt hiện đại, tiện ích, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Có như vậy hình ảnh buýt Hà Nội mới ngày càng nâng cao chất lượng theo hướng văn minh hơn.

Chuyên gia Jica Phan Lê Bình cho biết, với phương án 1 của Sở GTVT Hà Nội đưa ra, nếu được thực hiện thì việc đi lại của hành khách không bị ảnh hưởng, gián đoạn; cán bộ, công nhân viên đang làm việc cho Công ty Bắc Hà cũng không bị mất việc làm. Chọn đơn vị mới vào quản lý, khai thác sẽ tận dụng số lao động này luôn để khai thác có hiệu quả loạt tuyến.

Tuy nhiên, trong việc lựa chọn đơn vị khai thác Hà Nội cũng cần tính toán kỹ. Doanh nghiệp đó phải là đơn vị có năng lực tài chính đủ mạnh, kinh nghiệm khai khác về loại hình xe buýt.

Trong khi nếu phương án 2, có thể công bằng hơn cho các đơn vị cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, thế nhưng hành khách sẽ phải chờ thơi gian mất 6 tháng để chọn nhà thầu sau đó các tuyến buýt này mới có thể tiếp tục hoạt động...