Theo đó, Thủ đô Hà Nội được lựa chọn làm địa điểm tổ chức Lễ mở ký Công ước trong năm 2025. Đây là lần đầu tiên một địa điểm của Việt Nam được ghi danh và gắn với một điều ước đa phương toàn cầu liên quan đến lĩnh vực quan trọng và được cộng đồng quốc tế quan tâm.
“Công ước Hà Nội” ra đời là dấu mốc quan trọng trong nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm ứng phó với những mối đe dọa ngày càng tăng trên không gian mạng.
Theo một số thống kê, sự gia tăng đáng báo động của tội phạm mạng cả về quy mô, mức độ phức tạp và phạm vi tác động ước tính đã gây thiệt hại cho kinh tế thế giới khoảng 8.000 tỷ USD trong năm 2023 và dự báo lên đến 10.500 tỷ USD vào năm 2025, lớn hơn tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của hầu hết các nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Công ước phản ánh các rủi ro đáng kể do việc lạm dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), vốn tạo điều kiện cho các hoạt động tội phạm với quy mô, tốc độ và phạm vi chưa từng có; đồng thời, tập trung vào việc bảo vệ các quốc gia, doanh nghiệp và người dân khỏi các loại tội phạm như khủng bố, buôn người, buôn lậu ma túy và tội phạm tài chính trực tuyến.
"Hiệp ước này là minh chứng cho sự thành công của chủ nghĩa đa phương trong thời điểm khó khăn và phản ánh ý chí tập thể của các quốc gia thành viên trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm ngăn chặn và chống tội phạm mạng", đại diện của Liên hợp quốc cho hay.
Công ước LHQ về Tội phạm mạng gồm 9 Chương và 71 Điều là kết quả của gần 4 năm thương lượng liên tục và kéo dài (2021 -2024) giữa các quốc gia thành viên nhằm xây dựng một khuôn khổ pháp lý đa phương toàn diện để đấu tranh với loại tội phạm nguy hiểm này.
(Theo UN News)