Công viên Tuổi trẻ Thủ đô (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng) từng là một trong 9 công trình trọng điểm của Hà Nội với tổng diện tích mặt bằng hơn 26ha do Công ty TNHH MTV Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội xây dựng từ năm 2002. Tại đây có nhiều hạng mục như vòng quay mặt trời, cầu trượt nước, hồ tạo sóng, sông lười, bể vầy...

Tháng 10/2004, cụm công trình công viên nước chính thức hoạt động nhưng đóng cửa chỉ sau 3 năm hoạt động. Đến tháng 6/2016, Hà Nội mới có quyết định chuyển giao công viên này thuộc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ (Tổng Công ty Du lịch Hà Nội) sang Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội quản lý.

Tuy nhiên kể từ thời điểm được bàn giao đến nay, toàn bộ hạng mục công trình vẫn không được khai thác trở lại, dẫn đến tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, gây cảm giác tiếc nuối cho người dân.

Từng được đầu tư hơn 280 tỷ đồng với các hạng mục khu vui chơi giải trí, hệ thống ống trượt, máng trượt nước, vòng đu quay khổng lồ... Tuy nhiên đến nay, tất cả đã bị hoang tàn, gỉ sét do không được duy tu bảo dưỡng, tiềm ẩn nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.

Trước đó, vào năm 2010, UBND TP Hà Nội đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết theo hướng trở thành Trung tâm Thanh thiếu niên Hà Nội, tỷ lệ 1/500 với quy mô diện tích đất, ranh giới lập quy hoạch, hồ nước trung tâm và không gian cây xanh. Nhưng, từ đó đến nay, các hạng mục trong quần thể của công viên vẫn nằm im, phơi mưa nắng.

Vòng quay mặt trời nhập khẩu từ Nhật Bản là hạng mục lớn đã xuống cấp nghiêm trọng, gây mất an toàn cho người qua lại.

Hệ thống cầu thang sắt mục ruỗng, ống trượt, máng trượt bị hoen gỉ, mốc rêu xanh. Nhiều phần diện tích trở thành bãi tập kết rác.

Một số ghế đá hư hỏng nặng và bị "bỏ quên" nằm chông chênh cạnh vị trí người dân tập thường xuyên thể dục.

Nhiều bãi rác tự phát xuất hiện quanh hồ khiến môi trường vui chơi và hoạt động thể chất bị ô nhiễm.

Ngoài ra, nhiều phần diện tích công viên từ lâu đã trở thành quán xá, cơ sở kinh doanh như dịch vụ tiệc cưới (Queen Bee, Cung Xuân...), hàng cà phê, quán bia, thậm chí có cả công trình được xây dựng kiên cố trên mặt hồ Thanh Nhàn.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, dự án công viên này có 14 hạng mục công trình sai quy hoạch, sai giấy phép xây dựng như các nhà hàng, bể bơi, nhà đa năng, sân tennis...  Tọa lạc ngay lối vào Công viên Tuổi Trẻ là Cung Xuân - trung tâm tổ chức sự kiện.

Nhiều nền mặt đường tại đây xuống cấp. Người đi bộ trong khuôn viên luôn phải chia sẻ lối đi với các phương tiện khác.

Theo ghi nhận của VietNamNet, có đến 3 trung tâm tổ chức sự kiện, tiệc cưới hoành tráng tại Công viên Tuổi trẻ. 

Cung Tuổi Trẻ cũng trở thành phòng tập thể hình.

Nhà thi đấu tennis với sức chứa 1.500 chỗ cũng được Thanh tra Hà Nội kết luận là có sai phạm khi công trình không làm thủ tục thẩm định dự án, chưa được cấp Giấy chứng nhận đầu tư; chưa được cơ quan có thẩm quyền giao đất nhưng UBND quận Hai Bà Trưng đã cấp phép xây dựng.

Bao bọc cảnh quan nơi đây là hàng loạt nhà hàng, quán ăn, cơ sở dịch vụ… Khó để nhận ra đây là công viên để người dân vui chơi và hoạt động thể chất ngoài trời, hít thở không khí trong lành. 

Khu vực Công viên Tuổi trẻ Thủ đô. Ảnh: Google Maps.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa yêu cầu các đơn vị quyết tâm từ nay đến tháng 9/2023 xử lý dứt điểm tồn tại trong Công viên Tuổi trẻ Thủ đô. Ông Thanh đánh giá những tồn tại ở đây phức tạp, tồn đọng kéo dài, đến nay vẫn chưa được xử lý. Do đó, ông yêu cầu các sở ngành cùng vào cuộc để xử lý dứt điểm.

Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại ở Công viên Tuổi trẻ Thủ đô là do chưa xác định rõ trách nhiệm pháp lý, hồ sơ, tài liệu, chứng từ không đầy đủ, không được xác lập đúng quy định, gây khó khăn cho việc xác định nguồn gốc hình thành tài sản… Chủ tịch Hà Nội yêu cầu quận Hai Bà Trưng trực tiếp, kiên quyết xử lý các công trình vi phạm bên trong công viên để tạo điều kiện cho người dân sinh hoạt.