Hành trình thất bại

Hợp đồng của Antonio Conte còn thời hạn đến cuối mùa giải, nhưng Tottenham đã thông qua quyết định sa thải sớm 3 tháng sau khi các bên tìm thấy sự đồng thuận về khoản tiền đền bù.

Trong thời gian các đội tuyển quốc gia thi đấu quốc tế, Tottenham (cùng với Bayern Munich) là tâm điểm liên quan đến băng ghế huấn luyện.

Julian Nagelsmann bị sa thải trong lúc đi trượt tuyết ở Áo, còn Conte gây ra những tranh cãi khi tấn công từ cầu thủ đến chủ tịch CLB.

Khi mục tiêu duy nhất của Tottenham trong phần còn lại của mùa giải là giành vé Champions League mùa sau, Conte dường như muốn thể hiện rằng tiếp tục công việc là hình phạt lớn nhất đối với ông.

Trong nhiệm kỳ thứ hai làm việc ở thành phố London, sau giai đoạn dẫn Chelsea 2016-2018, Conte nhiều lần công kích Tottenham. Ông còn lên báo chí Italy nói xấu CLB khiến chủ tịch Daniel Levy phải kiểm soát vấn đề truyền thông.

Lần này, sau thất bại ở vòng 1/8 Champions League và trận hòa thất vọng trước Southampton trong thế trận dẫn 3-1, những lời lẽ nặng nề mà Conte nhắm vào cầu thủ cũng như đội bóng trở thành giọt nước tràn ly.

Tottenham đang xếp thứ 4 Premier League nhưng không có nhiều lợi thế so với Newcastle. Họ chỉ hơn đối thủ 2 điểm, nhưng đá nhiều hơn 2 trận.

Hiểu rõ những khó khăn, Conte chọn cách ra đi giúp ông nhận được khoản tiền nhất định. Đồng thời, nhà cầm quân 53 tuổi muốn thể hiện cuộc chia tay do nguyên nhân mâu thuẫn về công việc chứ không phải là ông thất bại.

Sau chưa đầy hai năm, với 170 triệu bảng đổ vào chuyển nhượng, chưa tính các chi phí khác và hợp đồng mượn (Dejan Kulusevski, Clement Lenglet, Arnaut Danjuma, Pedro Porro), Conte thắng 53,95% số trận với Tottenham. Đây là tỷ lệ thắng thấp nhất kể từ khi ông rời Siena năm 2011 để bước vào giới thượng lưu.

Người tạo ra những xung đột

Cuộc chia tay với Tottenham biến Conte thành một trong những HLV thất nghiệp nổi tiếng nhất hiện nay. Câu hỏi đặt ra là ông sẽ đến với bến đỗ nào trong tương lai?

Thực tế là có rất ít CLB lớn hiện nay xem Conte là ưu tiên để xây dựng đội hình. Bởi vì, cựu tiền vệ với 20 trận khoác áo Italy không phải mẫu HLV làm việc với dự án lâu dài, trong khi chiến thuật của ông cũng bắt đầu mất đi hiệu quả.

Conte theo chủ nghĩa ngắn hạn, tìm kiếm thành công tức thời nên không phù hợp với những CLB như Liverpool, Man City, Arsenal, Barcelona. MU cũng đi theo chiều hướng này với Erik ten Hag.

Thời gian gắn bó dài nhất của Conte gắn với chu kỳ thành công ở Juventus, nơi ông có 3 mùa giải và giành 3 danh hiệu Scudetto liên tiếp. Sau đó, không nơi mà mà ông dừng lại lâu hơn 3 mùa giải.

Từ Italy đến Anh và trở lại đất nước hình chiếc ủng, Conte từng có 5 danh hiệu vô địch quốc gia. Thế nhưng, từ sau ngôi quán quân bóng đá Anh với Chelsea năm 2017, ông chỉ nâng cao một danh hiệu với Inter mùa 2020-21.

Chiến thắng với Inter đến vào thời điểm Serie A suy yếu trầm trọng. Juventus sau khi thống trị với 9 Scudetto liên tiếp bỗng sụp đổ toàn diện và cho đến giờ vẫn chưa hồi phục.

Trong mọi môi trường, Conte đều tạo nên những xung đột. Ông nảy sinh mâu thuẫn với cầu thủ và đặc biệt là các nhà điều hành đội bóng.

Vấn đề này từng diễn ra khi ông dẫn đội nhỏ như Arezzo, trước khi sang Bari, Atalanta rồi Siena. Ở Juventus, ông đòi hỏi rất nhiều về tiền chuyển nhượng rồi dứt áo ra đi.

Conte tạo nhiều xung đột ở Chelsea khiến cho các ngôi sao bất mãn. Trước khi đưa Inter đến với danh hiệu Serie A, ông nhiều lần dọa từ chức để gây áp lực cho BLĐ.

Sự nghiệp huấn luyện của Conte là những thất bại ở đấu trường quốc tế. Ông chưa bao giờ tạo được điểm nhấn trên mặt trận Champions League, nên rất khó được các đội như Real Madrid và PSG chú ý.

Tottenham đã dành cho Conte nhiều hơn những gì ông thừa nhận. Ông khiến Richarlison có mùa giải tệ nhất ở Premier League, không biết sử dụng Yves Bissouma mà nhiều ông lớn theo đuổi, yêu cầu Danjuma rồi chỉ cho anh đá 47 phút...

Những thành công dần xa lánh Conte, trong khi xung đột với CLB thì không có chiều hướng giảm, tương lai của nhà cầm quân người miền nam Italy đang đối mặt rủi ro.