"Khổ nhục kế" của mẹ

Tại cơ sở kinh doanh của mình, chị Trần Thị Vui (SN 1978, quê Lạng Sơn) cùng nhân viên kiểm tra các phần quà để chuẩn bị cho chuyến từ thiện đến trại trẻ mồ côi. Chị Vui làm công tác từ thiện, hỗ trợ trẻ mồ côi từ năm 27 tuổi.

Năm ấy, trên đường đi làm, chị Vui bị thu hút bởi tiếng khóc ngặt của trẻ sơ sinh. Đến kiểm tra, chị phát hiện bé trai vài ngày tuổi bị bỏ lại trong chiếc túi xách cũ trên vệ đường. 

Thương đứa bé bất hạnh, chị bế về, lên cơ quan chức năng trình báo. Cơ quan chức năng nhiều lần phát thông tin tìm kiếm cha mẹ ruột đứa bé nhưng không ai đến nhận. 

Thấy mình có duyên với bé, chị quyết định làm thủ tục, nhận nuôi đứa trẻ. Chưa lập gia đình lại nhận con nuôi, chị Vui bị cha mẹ cật lực phản đối. 

đam cuoi2.jpg
Để thoát áp lực phải lấy chồng, chị Vui thuê chú rể, tổ chức đám cưới giả. (Ảnh minh họa: Pixabay)

Không chỉ phản đối việc chị nhận nuôi đứa bé, mẹ chị Vui còn tạo áp lực, mong muốn chị lấy chồng, lập gia đình

Chị kể: “Năm đó, tôi 27 tuổi và đang được mẹ hướng dẫn để sau này quản lý chuỗi nhà hàng, quán ăn của gia đình. Mẹ tôi còn lên kế hoạch gả tôi cho con trai của người bạn cùng kinh doanh dịch vụ nhà hàng.

Thế mà tôi bỗng nhiên nhận con nuôi, trở thành mẹ bỉm sữa nên bà rất không hài lòng. Bà nhiều lần ngăn cản và gây áp lực tôi phải lấy chồng, lập gia đình trước. Tuy vậy, tôi không có tình cảm với người mẹ chọn cho mình và chưa có ý định kết hôn nên cứ lần lữa”.

Biết không thể tác động bằng lời nói, mẹ chị Vui quyết định dùng “khổ nhục kế” để ép con gái lập gia đình. Ban ngày, bà mặc quần áo rách rưới, chống gậy, cầm chiếc nón lá nát bươm đến đứng trước nhà hàng đang kinh doanh của con gái.

Đến tối, bà quyết không về nhà mà mặc đồ rách rưới đi lang thang, xin ăn ngoài đường. Mục đích của bà là bôi xấu, làm phiền khiến con gái phải chịu thua, chấp nhận lấy chồng, lập gia đình.

Chị Vui kể: “Lúc đó, mẹ tôi nói nếu tôi không chịu lấy chồng thì tôi buôn bán ở đâu, làm gì, bà cũng sẽ đến ngồi trước cửa nhà ăn xin. Bà quyết làm như thế đến khi nào tôi chịu lấy chồng hoặc bà chết mới thôi”.

“Mẹ tôi vốn ít chịu cực nhọc nên đi lang thang được 2 hôm là đổ bệnh. Trên giường bệnh, bà vẫn không chịu thuốc thang, ép tôi phải lấy chồng mới chịu cho bác sĩ thăm khám. Không còn cách nào khác, tôi hứa bừa là sẽ lấy chồng”.

Tuy vậy, chị Vui vẫn tìm cách kéo dài thời gian. Lấy cớ tập trung thời gian cho công việc, chăm sóc cậu con nuôi, chị chưa tìm được người đàn ông phù hợp với mình. 

Bẵng đi ít năm, sức khỏe mẹ chị Vui yếu dần. Bà vẫn không thôi nhắc chuyện con gái chưa kết hôn nếu có nhắm mắt thì cũng không yên lòng. Thương mẹ, chị quyết định kết hôn.

Không có thời gian để yêu, chị Vui không tìm được người đàn ông phù hợp. Thế nên chị quyết định thuê người làm chú rể để tổ chức đám cưới giả cho mẹ yên tâm sống phần đời còn lại. 

Hối hận

Năm 30 tuổi, chị tìm được và thuê người đàn ông hơn 2 tuổi tên Quân ở Hưng Yên làm chú rể giả với số tiền 50 triệu đồng. Cả hai dự kiến sẽ tổ chức đám cưới tại nhà hàng của chị Vui tại TP.HCM.

Trong hợp đồng thuê chú rể giả, chị Vui đồng ý chi trả tất cả các khoản chi phí cho đám cưới. Chú rể giả chỉ việc đến đúng giờ làm lễ sau đó nhận tiền rồi bí mật ra về.

Ngay trong đêm tân hôn, chị thanh toán hết số tiền còn lại theo hợp đồng cho chú rể giả. Sau khi nhận tiền, người này cũng rời đi ngay trong đêm. 

Sáng hôm sau, gia đình đến phòng, gọi cô dâu chú rể dậy ăn cơm, chào hỏi họ hàng thì phát hiện chỉ có chị Vui. Chị đành nói dối là công ty của chồng xảy ra việc đột xuất cần phải đến xử lý gấp nên đã đi trước.

dam cuoi.jpg
Chị Vui hối hận sau khi vụ việc kết hôn giả của mình bị bại lộ. (Ảnh minh họa: Pexels)

Sau đám cưới, mỗi lần về quê, chị Vui vẫn tiếp tục bỏ tiền thuê anh chồng giả theo về thăm mẹ. Tuy nhiên, cuộc kết hôn trên danh nghĩa ấy chỉ kéo dài được 1 năm. Bởi sau đó, mẹ chị Vui bắt đầu sinh nghi khi liên tục không thấy con rể về thăm nhà.

Cuối cùng, chị đành “khai thật” sau một lần bị mẹ gặng hỏi về cậu con rể bí ẩn, quanh năm không thấy mặt. Chị tâm sự: “Biết chuyện, mẹ tôi sốc lắm. Bà sốc đến nỗi bệnh cũ tái phát phải nhập viện điều trị suốt một tháng trời. Còn thân tộc, họ hàng chửi bới, nói tôi là kẻ lừa đảo. Họ chửi như vậy vì lúc tôi lấy chồng, họ phải vay mượn, chắt chiu từng đồng để mua vé xe, vé tàu từ Bắc vào Nam dự đám cưới. 

Hơn thế, họ còn tặng tôi tiền, vàng mừng đám cưới nữa. Nay phát hiện mọi chuyện là giả, ai cũng sốc và cảm thấy mình bị lừa dối”.

Vụ kết hôn giả vỡ vụn khiến tình cảm gia đình chị Vui cũng nứt vỡ. Mẹ chị giận con gái đến nỗi không muốn chị sống cùng nhà. 

Bà cảm thấy bị lừa dối và nhục nhã, có lỗi với họ hàng. Từ bệnh viện trở về, bà dường như chỉ nhốt mình trong nhà cùng người giúp việc thân tín. 

Nhiều năm sau, thấy chị hối lỗi, mẹ và người thân của chị Vui dần tha thứ, không nặng nhẹ chuyện cũ. Dẫu vậy, chị vẫn luôn áy náy về việc làm đã qua của mình.

Không chỉ chị Vui, hiện nay có rất nhiều người trẻ tìm đến dịch vụ thuê cô dâu, chú rể với nhiều mục đích khác nhau. Nhiều công ty, tổ chức kinh doanh dịch vụ tiệc cưới vẫn quảng cáo dịch vụ này bằng những lời có cánh.

Dưới góc nhìn xã hội, TS. Phạm Thị Thúy, chuyên viên tham vấn tâm lý, giảng viên Phân viện Học viện Hành chính quốc gia tại TP.HCM cho rằng, dịch vụ cho thuê cô dâu, chú rể không còn mới lạ và nó ra đời để phục vụ nhu cầu của một nhóm người nào đó trong xã hội.

Bà cho biết: “Dịch vụ này mang ý nghĩa tiêu cực hay tích cực tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh mục đích của người cho thuê, sử dụng.

Nếu dịch vụ này phục vụ cho việc các cô gái mang thai ngoài ý muốn muốn hợp lý hóa cái thai, muốn bố mẹ, gia đình không bị ảnh hưởng bởi việc mình bị bỏ rơi, mang thai ngoài ý muốn… thì ở một góc độ nào đó, nó lại mang giá trị tinh thần, có tính nhân văn.  

Nhưng nếu người sử dụng dịch vụ này để thoát khỏi áp lực phải kết hôn hay mang mục đích che giấu giới tính bản thân sẽ phát sinh nhiều vấn đề, kéo theo nhiều hệ lụy. Do đó, theo tôi dịch vụ này không gây ảnh hưởng xấu đến xã hội mà chỉ là vấn đề mang tính cá nhân. 

Tuy nhiên, những người sử dụng dịch vụ này cũng nên cân nhắc đến những ảnh hưởng của nó đến cuộc sống, tâm lý của mình và gia đình về lâu dài, nhất là cần xem xét ảnh hưởng đến con trẻ trong tương lai”. 

Trong khi đó, về mặt pháp lý, luật sư Cồ Lê Huy, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, việc diễn vai cô dâu, chú rể xảy ra thường xuyên trên thực tế ở các mặt sinh hoạt của xã hội. Nó chỉ là “diễn” nhằm mục đích giúp vui, giáo dục, hoặc như trong trường hợp làm đám cưới để đẹp mặt gia đình thì hành vi này không vi phạm pháp luật. 

Luật sư Huy phân tích: “Gọi là “kết hôn” thì phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới hợp pháp. Nếu 2 người không đến với nhau vì mục đích xây dựng gia đình mà chỉ đến cơ quan nhà nước đăng ký kết hôn nhằm một mục đích khác, thậm chí 2 người không hề quen biết nhau từ trước… thì đó là kết hôn giả, một hành vi vi phạm pháp luật.

Kết hôn để xây dựng gia đình là kết hôn thật. Nếu kết hôn vì mục đích nào khác là kết hôn giả, qua mặt pháp luật. Tuy nhiên, nếu đám cưới giả nhưng không nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì không vi phạm pháp luật”.

Tiết thu dịu mát báo hiệu mùa cưới đang rộn ràng. Đôi lứa hân hoan chụp ảnh cưới, trang trí nhà cửa, mời khách… Trong niềm vui kết đôi, mùa cưới mang đến biết bao câu chuyện cảm động nhưng cũng không ít chuyện dở khóc dở cười.

VietNamNet giới thiệu tuyến bài Chuyện mùa cưới với những chia sẻ của người trong cuộc.

* Tên nhân vật đã được thay đổi

Dịch vụ thuê chú rể đắt khách

Dịch vụ thuê chú rể đắt khách

Bị người yêu bỏ rơi với cái bụng lùm lùm, nhưng vì thương con, lại sợ bố mẹ xấu mặt vì mang tiếng có con gái không chồng mà chửa, nhiều cô gái đã tìm đến giải pháp tức thời đó là thuê chú rể

Thuê chú rể… cưới 'che mắt' người thân

Thuê chú rể… cưới 'che mắt' người thân

Xu hướng làm bà mẹ đơn thân ngày càng nhiều, vì thế để dễ dàng “qua mặt” người thân, bạn bè, nhiều cô gái đã tìm đến dịch vụ thuê…chú rể, rồi làm đám cưới ra mắt họ hàng.