Làm trái ngành, trái nghề

Trương Phong là cử nhân của chuyên ngành Kỹ thuật sinh học tại Học viện Phàn Chi Hoa Tứ Xuyên, Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh không chọn làm công việc liên quan đến chuyên ngành đã học mà làm nhân viên bán thiết bị y tế cho một công ty.

Sau một thời gian, do công việc không suôn sẻ, Trương Phong quyết định mở cửa hàng kinh doanh và thu được lợi nhuận cao. Thế nhưng không lâu sau, bố của Trương Phong mắc bệnh nặng nên anh phải bỏ việc về quê bán hàng thuê để tiện chăm sóc bố.

Dần dần, Trương Phong nhận thấy ngành nông sản hữu cơ có nhiều tiềm năng nên anh rủ bạn bè hợp tác phát triển ngành này.

“Vào thời điểm đó, tôi lấy tiền tiết kiệm của mình và vay mượn từ người thân, bạn bè để đầu tư, tổng cộng là 300.000 NDT (hơn 1 tỷ đồng)”, anh cho biết.

Thời gian đầu, công việc của anh diễn ra thuận lợi nhưng vì nhẹ dạ cả tin, anh đã bị bạn bè lừa 300.000 NTD (hơn 1 tỷ đồng) tiền đầu tư. Anh phải gánh khoản nợ tổng cộng là 400.000 NDT (hơn 1,3 tỷ đồng). Anh phải tìm công việc mới để kiếm tiền trả nợ.

Giao 1.000 đơn/tháng, thu về hơn 68 triệu đồng/tháng

Trương Phong cho biết anh chọn làm shipper giao đồ ăn vì công việc này trả lương theo số lượng đơn hàng. Hoàn thành càng nhiều đơn hàng, anh càng kiếm được nhiều tiền.

Ban đầu, mỗi ngày anh chỉ kiếm được 100-200 NDT (khoảng hơn 300.000-600.000 đồng). Về sau, anh nhận thấy việc đặt đồ ăn của mọi người buổi tối sẽ nhiều hơn. Vì thế, Trương Phong giao nhiều đơn hàng vào ban đêm và thu nhập bắt đầu tăng lên.

Trương Phong giao được 1.000 đơn/tháng, thu về hơn 68 triệu/tháng.

Anh tâm sự khoảng thời gian đầu, nợ nhiều nên anh rất lo lắng. Mỗi ngày, Trương Phong chỉ ngủ 5-6 tiếng, thời gian còn lại anh đi giao hàng kiếm tiền.

“Sau 21h, nhiều đơn đặt hàng phải chạy hơn 5 km nhưng vì buổi tối không tắc đường, phí ship lại cao, tôi vẫn quyết định nhận đơn”, anh cho biết. Ước tính trong một tháng, anh có thể giao nhiều nhất khoảng 1.000 đơn, thu về khoảng 20.000 NDT (hơn 68 triệu đồng).

Trả hết nợ, mua được nhà

Sau 5 năm làm shipper, ngoài việc trả được khoản nợ hơn 400.000 NDT (hơn 1,3 tỷ đồng), Trương Phong còn mua được một căn nhà tại Thành Đô.

“Vào khoảng cuối năm 2021, tôi đã mua một căn chung cư nhỏ ở Thành Đô với giá khoảng 300.000 NDT (hơn 1 tỷ đồng), tôi phải đặt cọc trước 100.000 tệ (hơn 300 triệu đồng)”, Trương Phong chia sẻ. Ngoài ra, mục tiêu trong năm nay của anh là mua một chiếc xe mới.

Điều quan trọng hơn, sau nhiều biến cố thì Trương Phong đã tìm được nửa kia của mình: "Cô ấy cũng là một shipper, chúng tôi gặp nhau khi đi giao đồ ăn. Cả hai đều có ấn tượng tốt về nhau”, Trương Phong chia sẻ. Gần đây, anh và bạn gái cũng đang bàn đến chuyện kết hôn.

Sau 5 làm shipper, Trương Phong vừa trả hết nợ, vừa mua được nhà ở thành phố.

Sau khi câu chuyện của Trương Phong được các trang báo Trung Quốc đưa tin, nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra. Họ cho rằng anh đang lãng phí những gì được học ở trường. Thậm chí, có người còn gay gắt cho rằng bố mẹ cho học đại học không phải để sau này con làm shipper.

Trước những ý kiến trái chiều, mới đây, Trương Phong đã có buổi chia sẻ với báo chí. Anh cho rằng không có nghề cao quý hay thấp kém, sự cao quý phải do bản thân mình tạo ra. Tuy đã trả hết nợ nhưng anh vẫn sẽ tiếp tục làm công việc này.

Lý giải cho việc tốt nghiệp đại học nhưng lại làm shipper, Trương Phong cho biết: "Sau khi ra trường, tôi chưa từng làm công việc liên quan kỹ thuật. Do đó, bây giờ rất khó để tôi đặt chân vào thị trường việc làm của ngành kỹ thuật". Dù Trương Phong làm trái ngành, mẹ của anh vẫn ủng hộ quyết định của con trai.

An Dương (Theo Sohu)