Thực hiện Nghị định số 73/2024 của Chính phủ, từ ngày 1/7, mức lương cơ sở là 2,34 triệu đồng/tháng thay cho mức 1,8 triệu đồng/tháng. Cử tri tỉnh Phú Yên cho rằng khi mức lương cơ sở tăng, mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện cũng tăng theo trong khi thu nhập người dân còn khó khăn. Do đó, cử tri kiến nghị Bộ Y tế xem xét, có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với đối tượng tham gia BHYT tự nguyện.

Trong văn bản trả lời, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đánh giá BHYT là một trong những chính sách quan trọng nhằm đảm bảo chăm sóc sức khỏe toàn dân, thực hiện nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia bảo hiểm.

Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, mức đóng BHYT được tính toán dựa vào khả năng đóng của các nhóm đối tượng, mức lương cơ sở, phạm vi quyền lợi và khả năng cân đối Quỹ BHYT.

W-baohiemyte.jpg
BHYT là một trong những chính sách quan trọng nhằm đảm bảo chăm sóc sức khỏe toàn dân. Ảnh: Phạm Hải

Bảy nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ mức đóng BHYT gồm:

- Người có công với cách mạng;

- Người thuộc hộ gia đình nghèo theo Chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025;

- Người thuộc hộ chuẩn hộ nghèo, chuẩn hộ cận nghèo, chuẩn hộ có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025;

- Hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025; 

- Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

- Người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; 

- Người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Khi cá nhân tham gia BHYT tự nguyện thì được xem là tham gia theo đối tượng hộ gia đình. Luật quy định mức đóng giảm dần đối với đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình: Người thứ nhất đóng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Việc giảm trừ mức đóng được thực hiện khi các thành viên tham gia BHYT theo hộ gia đình cùng tham gia trong năm tài chính.

Bên cạnh đó, Nghị định của Chính phủ cũng quy định căn cứ khả năng ngân sách của địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác, UBND cấp tỉnh trình HĐND tỉnh/thành quyết định mức hỗ trợ đóng BHYT cho các đối tượng cao hơn mức hỗ trợ tối thiểu và mức hỗ trợ đóng BHYT cho các đối tượng không được hưởng mức hỗ trợ theo quy định hiện hành.

Đầu tháng 7, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết theo quy định hiện nay, người đầu tiên trong hộ gia đình sẽ đóng BHYT một tháng 4,5% mức lương cơ sở. Từ ngày 1/7/2024, mức đóng cụ thể là:

Người đóng BHYT theo hộ gia đình Mức đóng 1 tháng từ 1/7 (đồng) Mức đóng 1 năm từ 1/7 (đồng) Mức tăng so với trước 1/7 (đồng)
Người thứ 1 (4,5% mức lương cơ sở) 81.000  1.263.600 291.000
Người thứ 2 (70% người thứ 1) 56.700 884.520 204.120
Người thứ 3 (60% người thứ 1) 48.600 758.160 174.960
Người thứ 4 (50% người thứ 1) 40.500 631.800 145.800
Người thứ 5 trở đi (40% người thứ 1) 32.400 505.440 116.640

Cử tri Phú Yên cũng kiến nghị Bộ Y tế có chính sách hỗ trợ mua BHYT một phần hoặc hỗ trợ 100% đối với những người có độ tuổi từ 75 tuổi đến 79 tuổi.

Về việc này, Bộ trưởng Y tế cho biết theo quy định của Luật BHYT, đối tượng người từ 75-79 tuổi thuộc diện người có công với cách mạng; người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo được ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế.

Nếu thuộc đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình sẽ được giảm trừ mức đóng theo quy định của pháp luật BHYT.