9 năm trước đã biết tận dụng YouTube và Internet để được biết đến
Cách đây 9 năm, một cửa hàng bán điện thoại nhỏ tại Hà Nội được biết đến nhiều nhờ các video mở hộp sản phẩm mới về Việt Nam. Giai đoạn mà mọi người vẫn chưa biết tận dụng hết tiềm năng của YouTube thì cửa hàng này đã có một kênh YouTube riêng chuyên thông tin về những sản phẩm công nghệ đình đám mới nhất. Cửa hàng ban đầu có tên CellphoneUK do hai anh em sinh đôi và một người bạn cùng sáng lập.
Từ một kênh chuyên về các sản phẩm công nghệ, Schannel phát triển khá mạnh để mở rộng sang các lĩnh vực khác mang tính giải trí, trẻ trung hơn. Ảnh chụp màn hình. |
Đến thời điểm này, Schannel vẫn là kênh YouTube về công nghệ nổi bật tại Việt Nam, và đủ lớn mạnh tới mức mở thêm các kênh khác về ẩm thực, giải trí cho giới trẻ.
Đứng sau Schannel là chuỗi cửa hàng CellphoneS. Kênh bán lẻ và kênh YouTube bổ trợ nhau khiến CellphoneS được biết đến nhiều hơn, phát triển hệ thống cửa hàng khắp Hà Nội và TP.HCM. Mô hình phát triển kênh YouTube kết hợp bán lẻ của CellphoneS trở thành hình mẫu cho mọi chuỗi bán lẻ lớn hiện nay và lan sang các ngành nghề khác.
Đến nay, với 33 cửa hàng ở hai thành phố lớn, CellphoneS là chuỗi cửa hàng “cấp 2” có số lượng cửa hàng lớn nhất tại Việt Nam, tồn tại bên cạnh chuỗi “cấp 1” là những ông lớn như Thế Giới Di Động, FPT Shop, Viettel Store, Viễn Thông A (nay là VinPro).
Không chỉ kênh YouTube được biết nhiều đến nỗi được tách ra thành mảng kinh doanh riêng, website của CellphoneS cũng nằm trong số những trang được truy cập nhiều tại Việt Nam, đứng đầu trong các chuỗi cửa hàng cấp 2.
Sớm tận dụng các lợi thế của Internet kết hợp với bán lẻ có lẽ là yếu tố quan trọng nhất khiến một cửa hàng nhỏ cách đây 9 năm được biết đến rộng rãi hơn và trở thành một chuỗi vẫn duy trì được hiệu quả kinh doanh khi so với các cửa hàng khác cùng thời.
Ông Nguyễn Anh Văn (bên trái), đồng sáng lập CellphoneS, trong buổi gặp với CEO Xiaomi Lei Jun khi nhà sáng lập Xiaomi sang Việt Nam ghé thăm các đại lý bán lẻ. |
Ứng biến linh hoạt với thị trường, chọn chính sách giá để cạnh tranh
Trao đổi với ICTnews, ông Nguyễn Anh Văn - một trong hai người anh em sinh đôi sáng lập CellphoneS - cho rằng những yếu tố giúp chuỗi này phát triển đến thời điểm hiện tại chính là do hệ thống quản trị, con người và tập trung vào khách hàng.
“Trong nhiều năm, CellphoneS đã tập trung phát triển hệ thống quản trị cả về con người lẫn hệ thống phần mềm. Điều này giúp cho chúng tôi kiểm soát tốt được hoạt động kinh doanh cũng như chất lượng dịch vụ”, ông Văn nói.
Ngoài ra, chất lượng dịch vụ, chính sách bảo hành, đổi trả tốt và giá bán luôn thuộc nhóm tốt nhất trên thị trường chính là những lý do để người mua chọn CellphoneS.
Ông Nguyễn Anh Văn (ngoài cùng bên phải) cùng người anh em sinh đôi Nguyễn Học và người bạn sáng lập CellphoneS. Ảnh: Zing |
Các thống kê về bán lẻ đều cho thấy người Việt có thói quen tìm kiếm thông tin về sản phẩm, giá cả trên mạng trước khi quyết định mua hàng. Việc xây dựng được website nhiều người truy cập và tạo được giá bán cạnh tranh khiến chuỗi này được nhiều người chú ý, nhất là những khách hàng trẻ thường có thói quen so sánh giá.
“Trong 10 năm, thị trường bán lẻ ở Việt Nam tăng trưởng mạnh và có những xoay chuyển rất nhanh trong mỗi năm. Điều quan trọng nhất để CellphoneS thích ứng được với môi trường bán lẻ nhiều năm qua đến từ đội ngũ nhân sự trẻ, nhanh nhạy, có rất nhiều người trong đội ngũ quản lý chỉ mới 24 - 25 tuổi”, ông Văn nói.
“Chính sự cởi mở, thích ứng nhanh chóng của đội ngũ nhân sự giúp cho CellphoneS có thể tồn tại và phát triển trong thị trường. Và khi có cơ hội được tiếp cận với các anh chị ở những hệ thống lớn hơn, bản thân chúng tôi rất thích thú và học hỏi được từ họ rất nhiều”, ông Văn nói thêm.
Mở ngành hàng mới, mở trung tâm sửa chữa, chuẩn bị cho thị trường bị bão hoà
Thị trường bán lẻ di động và các mặt hàng bổ trợ đang phát triển chậm lại. Trên thực tế, các chuỗi lớn, đặc biệt như Thế Giới Di Động đã hút gần hết khách hàng từ các chuỗi đối thủ. Thống kê do Thế Giới Di Động công bố cho thấy gần 50% thị phần điện thoại đã vào tay chuỗi này.
So về quy mô và nhìn lượng khách hàng đi vào siêu thị của Thế Giới Di Động có thể dự báo được tương lai của ngành bán lẻ công nghệ sẽ rất khó khăn cho các chuỗi nhỏ hơn. Dĩ nhiên không bỏ qua khả năng thị trường tăng trưởng chậm thì bản thân Thế Giới Di Động cũng gặp khó, buộc phải tìm hướng đi mới.
Ông Văn cho biết đã nhận thấy sự sụt giảm của thị trường điện thoại, tuy nhiên các ngành hàng như thiết bị đeo, âm thanh, nhà thông minh… lại tăng.
“CellphoneS định vị mình là chuỗi bán lẻ và luôn bắt kịp xu hướng thị trường theo các ngành hàng mới để tạo ra tăng trưởng trong những năm tới”, đồng sáng lập CellphoneS chia sẻ.
Thậm chí, CellphoneS còn gặp khó hơn khi thống kê cho thấy thị trường đi động trong 2 năm vừa qua đang có tăng trưởng âm, đặc biệt là ở khu vực thành phố, nơi tập trung các cửa hàng của CellphoneS.
Bởi vậy, chuỗi này đang tập trung phát triển các sản phẩm ở phân khúc trên 10 triệu đồng, do phân khúc đó có sự tăng trưởng mạnh hơn qua từng năm.
CellphoneS hiện có 19 cửa hàng Điện Thoại Vui chuyên sửa chữa laptop, điện thoại, đồng hồ thông minh. |
Ngoài ra, chuỗi cửa hàng 9 năm tuổi này cũng đang mở các ngành hàng mới như laptop, âm thanh, thiết bị đeo thông minh, đồng thời phát triển hệ thống các cửa hàng sửa chữa Điện Thoại Vui tiếp nhận sửa các sản phẩm điện thoại, laptop, đồng hồ thông minh…
“Hiện đã có 19 cửa hàng Điện Thoại Vui tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Đây là cũng là một phần bổ sung khép kín dịch vụ của hệ thống CellphoneS”, ông Văn nói.