Vườn quốc gia Cúc Phương là một trong những Vườn quốc gia đầu tiên được thành lập tại Việt Nam, có diện tích 22.408 ha, thuộc địa phận ba tỉnh Ninh Bình, Hoà Bình và Thanh Hoá. Cúc Phương có giá trị sinh học vô cùng đa dạng. Ghi nhận tại đây có 2.234 loài thực vật bậc cao và rêu, trong đó có 433 loài cây làm thuốc, nhiều loài được ghi trong sách đỏ của Việt Nam.

Vườn có 122 loài bò sát và lưỡng cư, 66 loài cá, gần 2000 loài côn trùng, 135 loài thú. Loài Voọc đen mông trắng là loài thú quý hiếm được chọn làm biểu tượng của Vườn. Ngoài ra, đây còn là nơi cư ngụ của 336 loài chim cư trú, nhiều loài chim đặc hữu ở Việt Nam.

Từ nhiều năm nay, công tác bảo tồn đa dạng sinh học, cứu hộ động vật hoang dã luôn được Vườn quốc gia Cúc Phương ưu tiên hàng đầu. Nhiều tổ chức quốc tế đã chọn Cúc Phương là nơi để phối hợp về bảo tồn động vật hoang dã. Đây cũng là Vườn quốc gia đầu tiên ở Việt Nam triển khai nhiều mô hình du lịch sinh thái, được quốc tế bình chọn là Điểm đến hàng đầu châu Á liên tiếp từ năm 2019-2022. Tỉnh Ninh Bình đã định hướng để phát triển thêm loại hình du lịch gắn với cứu hộ, bảo tồn thiên nhiên.

truyen nhe.png
Các vận động viên tham gia giải chạy tại Vườn quốc gia Cúc Phương. 

Hàng năm Vườn quốc gia Cúc Phương thu hút hàng trăm nghìn du khách tới du lịch trải nghiệm, khám phá hệ động thực vật phong phú, cảnh quan thiên nhiên, nghiên cứu và tìm hiểu lịch sử văn hóa bản địa.

Nhiều mô hình du lịch đặc sắc được triển khai tại đây, đặc biệt tour du lịch “Về nhà” được tổ chức từ tháng 3/2021. Đến nay tour du lịch đặc biệt này vẫn được nhiều du khách yêu thích đặc biệt là học sinh. Qua tour du lịch, các du khách được trải nghiệm hoạt động tái thả động vật về rừng tự nhiên. Khi chứng kiến động vật được tái thả về rừng, các du khách sẽ cảm nhận được giá trị quan trọng của công tác bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã. Họ cũng là những sứ giả truyền thông trong cộng đồng về công tác bảo tồn.

Từ cuối năm 2022, Vườn quốc gia Cúc Phương chính thức vận hành chương trình "Hành trình hồi sinh". Chương trình sẽ khơi dậy, lan tỏa tình yêu thiên nhiên, trách nhiệm bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thông qua nỗ lực chăm sóc, chữa trị và phục hồi sức khỏe, tập tính, tâm lý của động vật cứu hộ, nhất là những cá thể quý hiếm, nguy cơ tuyệt chủng cao.

Ngoài ra, Vườn quốc gia Cúc Phương còn tổ chức các giải chạy "Cúc Phương Jungle Paths" với thông điệp "Chạy để bảo tồn" vừa góp phần vào công tác bảo tồn thiên nhiên vừa phát triển du lịch. Hằng năm, Vườn còn tổ chức các trại hè cho học sinh trải nghiệm sống giữa thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa bản sắc dân tộc Mường tại Vườn. 

Vườn quốc gia Cúc Phương còn là trung tâm cứu hộ động vật hoang dã lớn nhất miền Bắc, hàng nghìn động vật đã được trở về rừng tự nhiên. Gần đây nhất, ngày 16/10, Vườn quốc gia Cúc Phương  phối hợp với Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam cứu hộ an toàn 2 mẹ con Tê tê từ Vườn quốc gia Vũ Quang, Hà Tĩnh.

Ngày 25/9/2023, Vườn cũng tiếp nhận và cứu hộ 1 cá thể Mèo rừng từ Hạt Kiểm lâm huyện Lương Sơn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hòa Bình, do một người dân tự nguyện giao nộp. Đây là động vật nhóm IIB trong danh mục động vật rừng nguy cấp quý hiếm. Chỉ riêng trong tháng 1/2022, Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật của Vườn quốc gia Cúc Phương đã đã tiếp nhận 115 cá thể Rùa thuộc 6 loài, một cá thể Cầy vòi mốc, 2 cá thể Rồng đất và 4 cá thể Tê tê Java.

Trong 10 năm từ 2010 đến 2020, Vườn tiến hành giải cứu bảo tồn 2.600 cá thể thuộc 75 loài có nhiều loài nguy cấp quý hiếm, cần bảo vệ khẩn cấp. Vườn còn tiếp nhận cứu hộ 3.212 cá thể động vật hoang dã, cho ghép đôi sinh sản 1.443 cá thể động vật hoang dã, tái thả về 1.600 cá thể. Vườn quốc gia Cúc Phương còn xây dựng vườn thực vật 167 ha là nơi lưu trữ hơn 800 loài thực vật quý hiếm khác nhau.

Mai Hương và nhóm PV, BTV