Sáng 12.4, tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã dự Diễn đàn Chính sách pháp luật thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại Việt Nam Trung Quốc với sự tham dự của hơn 450 đại diện doanh nghiệp hai nước.
Đây là Diễn đàn thứ hai nhằm thúc đẩy hợp tác đầu tư thương mại giữa hai nước được tổ chức trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội.
Tham dự Diễn đàn có: lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có đại diện lãnh đạo nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang hoạt động kinh doanh trong các ngành kinh tế trọng yếu.
Về phía Trung Quốc có: Phó Tổng Thư ký Ủy ban Thường vụ Nhân đại toàn quốc Trung Quốc Hồ Hiểu Lê; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Nhân đại tỉnh Vân Nam Vương Thụ Phần; Phó Chủ tịch chính quyền tỉnh Vân Nam Lưu Dũng...
Được tổ chức tại tỉnh Vân Nam – địa phương có chung đường biên giới với Việt Nam, là một trong những động lực tăng trưởng của khu vực Tây Nam Trung Quốc, có vị trí kết nối quan trọng với các nước ASEAN nói chung, Việt Nam nói riêng, diễn đàn là cơ hội để hai bên cùng nhau chia sẻ về các xu hướng, cơ hội hợp tác đầu tư mới, các giải pháp cải cách môi trường đầu tư của mỗi nước. Đồng thời, đưa ra những đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác, hướng đến sự thành công chung của các doanh nghiệp khi đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam và tại Vân Nam, Trung Quốc. Với sự tham dự của khoảng 450 doanh nghiệp hai nước đã cho thấy quyết tâm, mong muốn thúc đẩy hợp tác, tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đầu tư của các doanh nghiệp mỗi nước.
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ ấn tượng về sự phát triển năng động, hiệu quả của tỉnh Vân Nam và thành phố Côn Minh. Nhấn mạnh, trong tổng thể quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ với các địa phương có chung đường biên giới, trong đó có tỉnh Vân Nam, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao quan hệ hợp tác tốt đẹp của tỉnh Vân Nam với các địa phương của Việt Nam, nhất là với các tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam thời gian qua.
Với lợi thế giao lưu thuận tiện, hai bên có nhiều cửa khẩu, điểm thông quan hàng hóa. Cùng với đó là mong muốn, nhu cầu, tiềm năng hợp tác của hai bên trong việc giao thương, qua lại rất lớn. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn ủng hộ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các địa phương Việt Nam tăng cường hợp tác cùng có lợi với các địa phương Trung Quốc, trong đó có tỉnh Vân Nam. Quốc hội Việt Nam sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ để hợp tác giữa các địa phương Việt Nam với Vân Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai bên.
Để phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của hai bên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, hai bên đẩy nhanh kết nối chiến lược phát triển; sớm triển khai có hiệu quả các văn bản hợp tác đã ký trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình vừa qua, nhất là Kế hoạch hợp tác kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến “Vành đai, Con đường”, Hiệp định và Nghị định thư về việc xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng, khu vực biên giới Bát Xát (Việt Nam) - Bá Sái (Trung Quốc), Kế hoạch hành động giai đoạn 2023 - 2026 triển khai Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và chính quyền nhân dân tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) về tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và các bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác đường sắt, Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác viện trợ phát triển đường sắt qua biên giới. Hai bên sớm thống nhất phương án kết nối đoạn tuyến đường sắt giữa ga Lào Cai (Việt Nam) và ga Hà Khẩu Bắc (Vân Nam, Trung Quốc).
Theo Chủ tịch Quốc hội, đó là các hạng mục quan trọng để thúc đẩy các hoạt động giao thương giữa hai bên, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân hai tỉnh Lào Cai, Vân Nam nói riêng và hai nước Việt Nam, Trung Quốc nói chung đẩy mạnh hợp tác thương mại và đầu tư.
Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh về quy mô vốn, trình độ công nghệ, kinh nghiệm quản lý, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các doanh nghiệp của Vân Nam có ưu thế khi đầu tư vào một số ngành, lĩnh vực tại Việt Nam như: công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sinh học, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, đường cao tốc, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị.
Thời gian qua, 4 tỉnh biên giới Việt Nam giáp Vân Nam đã có nhiều hoạt động giao lưu hữu nghị; tăng cường hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển cửa khẩu; tăng cường tuyên truyền, thu hút các doanh nghiệp phân luồng xuất khẩu hàng hóa thông qua các cửa khẩu tiếp giáp với tỉnh Vân Nam; đầu tư kết nối giao thông thuận lợi; tăng cường hợp tác quản lý biên giới, quản lý lao động qua biên giới; khôi phục giao lưu, hợp tác văn hóa, thể thao, du lịch; tiếp tục thúc đẩy triển khai hoạt động giao lưu, hợp tác về công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, khoa học kỹ thuật, y tế, bảo vệ môi trường, tư pháp, tài chính.
Để phát huy hơn nữa các cơ chế hiện có, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan hữu quan cần bám sát nhu cầu thực tế của nhân dân hai bên, kiến tạo môi trường kinh tế thuận lợi để các hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu vực có thể tiến ra các thị trường quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Quốc hội Việt Nam đã và sẽ luôn đồng hành cùng cả hệ thống chính trị để ban hành nhiều chính sách phù hợp xây dựng khung pháp lý minh bạch, công bằng, toàn diện, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Trung Quốc nói riêng kinh doanh thuận lợi, thành công tại Việt Nam. Qua đó, cùng nhau cụ thể hóa các thành quả mới, nội hàm mới của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam Trung Quốc, đưa quan hệ hai Đảng, hai nước không ngừng phát triển, đi vào chiều sâu, ổn định, tốt đẹp, bền vững và lâu dài.
Trước đó, phát biểu chào mừng Diễn đàn, thay mặt Tỉnh ủy và chính quyền tỉnh Vân Nam, Phó Chủ tịch chính quyền tỉnh Vân Nam Lưu Dũng nhiệt liệt hoan nghênh Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới thăm tỉnh Vân Nam và tham dự Diễn đàn hết sức quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại đầu tư giữa hai nước; tin tưởng rằng, qua Diễn đàn lần này sẽ tăng cường sự tin cậy giữa hai bên, mở ra những cơ hội mới để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai bên.
Cho biết, thời gian qua, hợp tác kinh tế, thương mại giữa tỉnh Vân Nam và các địa phương của Việt Nam phát triển rất tích cực, Phó Chủ tịch chính quyền tỉnh Vân Nam đã giới thiệu với Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu những tiềm năng, thế mạnh và định hướng chiến lược phát triển của tỉnh Vân Nam hiện nay.
Nhấn mạnh, sự tin cậy chính trị từ cấp cao nhất của Lãnh đạo hai Đảng, hai nước và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước là cơ sở để quan hệ hợp tác giữa tỉnh Vân Nam với các địa phương của Việt Nam ngày càng phát triển hiệu quả hơn nữa, ông Lưu Dũng khẳng định, tỉnh Vân Nam sẽ nỗ lực đẩy nhanh hợp tác cùng có lợi với các địa phương của Việt Nam, nhất là trong những lĩnh vực mà Vân Nam có thế mạnh và địa phương của Việt Nam có nhu cầu.
Tại Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu hai nước đã chứng kiến các doanh nghiệp hai nước trao các bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực: hàng không; tài chính chuỗi cung ứng; thiết kế chế tạo hệ thống robot, dây chuyền tự động ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sản xuất và thương mại sản phẩm cà phê tại Trung Quốc và Việt Nam; thương mại ngành hoa tươi, thúc đẩy hợp tác giao lưu giữa hai bên trong lĩnh vực hoa tươi...
Trong khuôn khổ chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội, Vietnam Airlines ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác Trung Quốc với tổng giá trị 438 triệu USD, góp phần thúc đẩy giao thương, du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc trong bối cảnh ngành hàng không, du lịch hai nước vừa bước qua giai đoạn khó khăn của đại dịch Covid-19.
Sáng 12.4, tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp lãnh đạo một số Tập đoàn của Trung Quốc.
+ Tiếp Chủ tịch Tập đoàn SUNWAH Jonathan Choi, Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh và đánh giá cao những kết quả đầu tư của Tập đoàn ở Việt Nam với tổng đầu tư khoảng 5 tỷ USD.
Ông Jonathan Choi cho biết, Tập đoàn có 3 thế hệ hoạt động đầu tư tại Việt Nam; mong muốn đầu tư mở rộng trong phát triển hạ tầng, khoa học công nghệ, lĩnh vực công nghệ cao. Tập đoàn tích cực hoạt động cộng đồng, đang xây dựng phát triển Trung tâm đổi mới sáng tạo của SUNWAH tại Đại học Quốc gia Hà Nội, hợp tác phát triển Trung tâm đổi mới sáng tạo của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC).
Nhấn mạnh Vân Nam gần một số tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam, có vị trí chiến lược, Tập đoàn mong muốn hợp tác với các tỉnh phía Bắc Việt Nam, đặc biệt là Lào Cai.
Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh Tập đoàn tiếp tục phát triển tại Việt Nam, đặc biệt là khu công nghiệp tại Lào Cai. Theo Chủ tịch Quốc hội, kết nối giao thông đường bộ, đường sắt giữa Vân Nam và các tỉnh thành Việt Nam, trong đó có tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với cả hai nước. Cùng với đó, cầu đường bộ qua sông khu vực biên giới; hợp tác xây dựng cửa khẩu thông minh, tăng cường trao đổi hàng hóa chính ngạch trên nền tảng thương mại điện tử… là những cơ hội tiềm năng giữa Vân Nam và các tỉnh phía Bắc của Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn Tập đoàn tập trung thúc đẩy hợp tác giữa các tỉnh biên giới Việt Nam với các tỉnh của Trung Quốc; nghiên cứu kết nối hợp tác 3 bên trong chuyển giao công nghệ nâng cao năng lực kết nối chuỗi giá trị sản phẩm.
+ Tiếp lãnh đạo Tập đoàn Đầu tư Năng lượng Vân Nam (YEIG), Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao năng lực của Tập đoàn trong việc bảo đảm năng lượng cho tỉnh Vân Nam, trong đó có năng lượng sạch. Các tỉnh phía Bắc của Việt Nam có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo. Trên cơ sở Quy hoạch điện VIII của Việt Nam, Tập đoàn có thể nghiên cứu tham gia với vai trò đối tác phát triển mới một số dự án năng lượng sạch.
Lãnh đạo YEIG cho biết, YEIG là tập đoàn duy nhất ở Vân Nam chuyên về năng lượng với 3 mảng chính: năng lượng, logicstics, năng lượng xanh. Tập đoàn mong muốn tiếp tục thúc đẩy hợp tác với các đối tác của Việt Nam về logistics.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh hợp tác xây dựng cửa khẩu thông minh, đẩy nhanh thông quan hàng hóa; mong doanh nghiệp hai nước tăng cường đầu tư vào thị trường của nhau cả thương mại, đầu tư, sản xuất; nhấn mạnh, Quốc hội Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện để các doanh nghiệp thực lực đầu tư lâu dài tại Việt Nam.
+ Tiếp Tổng Giám đốc Công ty Bưu chính Vân Nam (thuộc Tập đoàn Bưu chính Trung Quốc) Yan Ming, Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh hợp tác của Tập đoàn Bưu chính Trung Quốc, trong đó có Công ty Bưu chính Vân Nam với các doanh nghiệp bưu điện, bưu chính Việt Nam để thúc đẩy luân chuyển hàng hóa, bưu kiện, bưu phẩm giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Cho biết, Việt Nam quan tâm đến việc hoàn thiện quy định của pháp luật, xây dựng cơ sở vật chất để bảo đảm cho việc phát triển lĩnh vực này, Chủ tịch Quốc hội nhận định, thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới là xu thế tất yếu, đồng thời gợi mở, Công ty Bưu chính Vân Nam có thể hình thành sàn giao dịch với sản phẩm nông nghiệp, tại Việt Nam có các sản phẩm OCOP trong nông nghiệp rất tiện dụng và phát triển.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Công ty Bưu chính Vân Nam và các doanh nghiệp bưu điện, bưu chính Việt Nam tăng cường hợp tác chuỗi cung ứng, logistics, xuất nhập khẩu. Vân Nam là cửa ngõ quan trọng của Trung Quốc mở ra với các nước Đông Nam Á nên Công ty Bưu chính Vân Nam cần tận dụng cơ hội này.
Ông Yan Ming mong muốn thúc đẩy việc gửi, nhận bưu phẩm giữa Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là giữa Lào Cai và Vân Nam qua cửa khẩu quốc tế. Cho rằng, hai bên còn tiềm năng lớn để phát triển trong lĩnh vực bưu chính, ông Yan Ming mong muốn thúc đẩy hơn nữa lĩnh vực này, qua đó phát triển thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu các sản phẩm của Việt Nam đến thị trường Trung Quốc.
+ Tiếp Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Đầu máy và toa xe Đại Liên (thuộc Tập đoàn Đầu máy và toa xe Trung Quốc) Tôn Vinh Côn, Chủ tịch Quốc hội cho biết, nhu cầu đầu tư đường sắt ở Việt Nam rất lớn. Bên cạnh dự án trọng điểm là đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam nối Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, giữa Việt Nam và Trung Quốc có 3 tuyến đường sắt được lãnh đạo 2 nước quan tâm thúc đẩy là Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng và Hà Nội - Đồng Đăng (Lạng Sơn).
Chủ tịch Quốc hội mong muốn Công ty Đầu máy và toa xe Đại Liên thúc đẩy cùng các cơ quan chức năng của 2 nước sớm triển khai các dự án này và tham gia đầu tư, kinh doanh các cấu phần của đường sắt như đầu máy, toa xe tại Việt Nam. Việt Nam định hướng phát triển ngành công nghiệp đường sắt, do đó, Công ty Đầu máy và toa xe Đại Liên ngoài tham gia dự thầu các dự án lớn có thể chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật, công nghệ, hình thành cơ sở sản xuất đầu máy, toa xe, hỗ trợ cho lĩnh vực này của Việt Nam, không chỉ phục vụ cho vận tải hành khách mà còn hàng hóa.
Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, ông Tôn Vinh Côn cho biết, công ty mong muốn chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật về đầu máy toa xe với Việt Nam. Công ty có thế mạnh về kỹ thuật, công nghệ hiện đại, đặc biệt là sản phẩm đầu máy điện và đầu máy năng lượng mới. Tại Việt Nam hiện nay, ngành đường sắt đang sử dụng nhiều động cơ diesel, công ty có thể chia sẻ kỹ thuật, công nghệ, kinh nghiệm với Việt Nam để đổi mới động cơ, hiện đại hóa đường sắt.
Theo Báo Đại biểu nhân dân