Huy động toàn xã hội chung tay

Theo ông Phạm Văn Thật, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành (Bến Tre), đầu năm 2024, toàn huyện có 108 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,35%, hộ cận nghèo có 481 hộ, chiếm tỷ lệ 1,57%. Đến cuối năm, huyện đã giảm thêm 53 hộ nghèo, đưa số hộ nghèo toàn huyện về 57 hộ (tỷ lệ 0,19%), trong đó hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội là 42 hộ; với hộ cận nghèo hiện chỉ còn 386 hộ (1,26%), giảm 145 hộ so với đầu năm nay. 

Thực hiện kế hoạch Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024, UBND huyện Châu Thành (Bến Tre) nhấn mạnh trong thực hiện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cần tập trung vận động xã hội hóa nhằm thu hút nguồn lực từ cộng đồng để hỗ trợ cho người nghèo về nhà ở, xây dựng và nhân rộng các mô hình sinh kế thoát nghèo bền vững, hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội, vốn vay ưu đãi…

W-Tây Ninh   Nguyễn Huế 9.jpg
Huyện huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để hỗ trợ, giúp đỡ, hướng dẫn người dân sản xuất.

Năm 2024, huyện huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để hỗ trợ, giúp đỡ, hướng dẫn người dân sản xuất, đồng thời huy động các nguồn vốn hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện sản xuất. Cụ thể, huyện hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn 238 con bò cái sinh sản với kinh phí hơn 3,1 tỷ đồng từ kinh phí Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (208 con) và nguồn xã hội hóa (30 con).

Giai đoạn năm 2021 - 2024, huyện xây dựng 128 căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa với tổng kinh phí hơn 12,7 tỷ đồng. Riêng năm 2024, 53 căn nhà được xây dựng cho người nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn với kinh phí gần 3 tỷ đồng.

"Cùng nghĩ, cùng bàn, cùng làm"

Năm 2024, từ nguồn vốn các dự án đa dạng sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, huyện đã phân bổ cho các địa phương trọng điểm và xây dựng kế hoạch, xây dựng mô hình giảm nghèo. Phương châm “Cùng nghĩ, cùng bàn, cùng làm” được đặt ra, cùng đó, huyện chỉ đạo cần phân công cụ thể cho từng thành viên trong Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG các xã/thị trấn, các đoàn thể phụ trách, theo dõi, hỗ trợ người nghèo. 

236 hộ nghèo đăng ký tham gia với 4 mô hình về chăn nuôi, buôn bán, cải tạo vườn, mua trang thiết bị sản xuất nông nghiệp. Những tháng đầu năm, huyện đã giải ngân và xây dựng dự án chăn nuôi dê sinh sản cho Tổ hợp tác nuôi dê xã Tân Phú và xã Phú Túc.

Tại xã Phú Đức, một xã thuần nông, người dân chủ yếu canh tác vườn xen với chăn nuôi và mua bán nhỏ. Nhờ triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, đầu năm nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 1,9% (với 45 hộ). Xã cũng còn 65 hộ cận nghèo. Thu nhập bình quân đầu người đạt 68 triệu đồng/năm.

Để giảm số hộ nghèo, cận nghèo, nâng cao mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân và không để tái nghèo, Ban Quản lý các chương trình MTQG xã đã xây dựng kế hoạch, phân công cụ thể từng thành viên, Mặt trận và các đoàn thể theo dõi, hỗ trợ. Phương châm được đặt ra là "cùng bàn, cùng nghĩ, cùng làm” với người nghèo.

Theo đó, Hội Cựu chiến binh xã phụ trách, quản lý, hỗ trợ 14 hộ (3 hộ nghèo, 11 hộ cận nghèo); Hội LHPN xã quản lý 37 hộ (16 hộ nghèo, 21 hộ cận nghèo); Hội Nông dân xã quản lý 24 hộ (10 hộ nghèo, 14 hộ cận nghèo); Đoàn thanh niên xã quản lý 18 hộ (6 hộ nghèo, 12 hộ cận nghèo); MTTQ Việt Nam xã quản lý 17 hộ (10 hộ nghèo, 7 hộ cận nghèo)…

Trong những tháng đầu năm 2024, xã đã tạo việc làm mới cho 87 lao động, trong đó, giải quyết việc làm cho 11 người thuộc hộ nghèo, 16 người thuộc hộ cận nghèo. Đáng chú ý, trong đó, có 3 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, đem theo niềm hi vọng thoát nghèo không chỉ của gia đình người lao động mà còn cho cả địa phương. Lớp đào tạo nghề kỹ thuật trồng cây có múi cũng được tổ chức.

Để giúp hộ nghèo, cận nghèo có "bàn đạp" vươn lên phát triển kinh tế, xã phối hợp với các đoàn thể triển khai các chương trình vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Hiện có 695 hộ nghèo, cận nghèo, có mức sống trung bình được vay vốn (trong đó, có 170 người nghèo, người cận nghèo) với tổng số tiền vay hơn 19 tỷ đồng. Nguồn vốn vay này nhằm giải quyết việc làm, cải tạo chăm sóc vườn, chăn nuôi, buôn bán, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng…

Tiểu dự án Cải thiện dinh dưỡng, huyện được phân bổ kinh phí 1,6 tỷ đồng, giúp tăng cường tiếp cận với các can thiệp trực tiếp phòng chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em dưới 5 tuổi thuộc các hộ gia đình nghèo, hộ cận nghèo.

Huyện mở 10 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chú trọng việc đào tạo phải gắn với giải quyết việc làm, đào tạo theo nhu cầu của các doanh nghiệp. 

Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - ông Phạm Văn Thật - cho hay huyện quyết tâm hướng đến mục tiêu năm 2025 xóa hết hộ nghèo. Đồng thời, với 386 hộ cận nghèo, Huyện ủy sẽ tập trung lãnh đạo, phát huy vai trò của mặt trận, đoàn thể giúp đỡ, hỗ trợ các giải pháp sinh kế, từng bước phát triển kinh tế các hộ gia đình đầy đủ, ấm no, hạnh phúc.