Máy bay không người lái cỡ nhỏ mang theo đạn dược cải tiến và đạn dược chuyên dụng đã được chứng minh là yếu tố giúp thay đổi cuộc chơi trong cuộc xung đột tại châu Âu.
Song song với đó, là cuộc đua phát triển công nghệ chống lại phương tiện không người lái, từ việc ngụy trang, dựng giáp lồng bảo vệ thiết giáp, trang bị súng ngắn, đặc biệt phải kể đến các công nghệ gây nhiễu nhằm phá vỡ liên lạc sóng trên một khu vực rộng lớn.
Nền tảng tác chiến điện tử di động mới
Theo trang National Interest, các chuyên gia tại trung tâm đào tạo Sky Warrior của Nga vừa phát triển một nền tảng tác chiến điện tử (EW) di động thế hệ mới, có khả năng can thiệp hệ thống điều khiển từ xa của máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) trên nhiều tần số.
“Chúng tôi đã phát triển một hệ thống tác chiến điện tử. Đến nay đã có hơn 50 thiết bị được đưa ra tiền tuyến. Hệ thống này có hiệu quả ưu việt đối với UAV, đặc biệt là các loại UAV góc nhìn thứ nhất. Máy bay không người lái của Ukraine hiện đang bay trên các tần số từ 337 MHz đến 1100 MHz. Tất cả các tần số này đều khả dụng và chúng tôi có thể dễ dàng gây nhiễu chúng”, một chuyên gia của hãng cho hay.
Một số báo cáo thực tế ghi nhận UAV của Ukraine bị vô hiệu hóa và rơi cách thiết bị gây nhiễu từ 300 đến 400m khi chúng không thể tiến gần hơn.
Hệ thống tác chiến điện tử mới có nhiều cấu hình khác nhau, trong đó có một thiết bị cố định cho xe cơ giới và một bộ dụng cụ xách tay cho lính bộ binh với trọng lượng khoảng 15kg.
Bộ gây nhiễu bao gồm 3 chế độ hoạt động khác nhau, từ kích hoạt thủ công khi người điều khiển phát hiện drone tới gần, tự động kích hoạt khi drone vào phạm vi quét, cho đến chế độ bật liên tục.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu các thiết bị gây nhiễu có ảnh hưởng đến máy bay không người lái của Nga hay các phương tiện liên lạc khác hay không.
UAV hoạt động không cần GPS
Trong khi đó, Ukraine cũng triển khai các thiết bị gây nhiễu có khả năng chặn khoảng 75% tần số mà máy bay không người lái của Nga đang sử dụng để liên lạc với đơn vị vận hành. Song, phía Kiev vẫn gặp nhiều thách thức với các loại máy bay không người lái cảm tử, chẳng hạn như UAV Lancet – vốn có chế độ tấn công hoàn toàn tự động sau khi đã nhận diện mục tiêu.
Ngoài ra, lực lượng đặc nhiệm của Ukraine cũng bắt đầu sử dụng UAV công nghệ mới, có thể bay và tấn công mục tiêu mà không cần GPS. Tuy vậy, sức mạnh tác chiến điện tử của Nga đã tạo áp lực đáng kể lên nguồn cung UAV/drone hạn chế của Ukraine.
Babay, trung sĩ phụ trách một trung đội máy bay không người lái ở mặt trận phía đông Ukraine nói rằng: “Chúng tôi đang cải thiện công nghệ của mình để chống lại phương tiện không người lái mới của Nga trên chiến trường. Sau một thời gian, Nga sẽ phát triển biện pháp đối phó mới để tự vệ trước các cuộc tấn công của chúng tôi”.
Quân đội Ukraine cho biết, việc phát triển phương tiện bay không người lái và biện pháp chống lại phương tiện này là một cuộc chạy đua không ngừng nghỉ giữa hai bên.
(Theo National Interest)