Theo Bloomberg, startup dịch vụ thương mại không gian SpaceX của tỷ phú Elon Musk mới đây yêu cầu Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) cho phép vận hành vệ tinh Starlink ở quỹ đạo thấp hơn so với kế hoạch ban đầu.
Ngay sau đó, Amazon của tỷ phú Jeff Bezos khẳng định động thái này sẽ gây nhiễu và va chạm với các vệ sinh Kuiper do tập đoàn này phát triển. Cả hai vệ tinh Starlink và Kuiper đều được thiết kế để phát dịch vụ Internet từ không gian.
Theo chỉ số Bloomberg Billionaires Index, Elon Musk là tỷ phú giàu nhất hành tinh, theo sau là Jeff Bezos. Ảnh: Reuters. |
Cuộc tranh cãi, vốn thường chỉ giới hạn trong các hồ sơ pháp lý, giờ được công chúng đặc biệt quan tâm. "Những thay đổi do SpaceX đề xuất sẽ triệt tiêu tính cạnh tranh giữa các hệ thống vệ tinh", đại diện Amazon đăng tweet hôm 26/1. Tập đoàn này nhấn mạnh điều đó "không đem lại lợi ích cho cộng đồng".
Trước đó, trả lời nhà báo Michael Sheetz của CNBC trên Twitter, ông Musk khẳng định: "Cộng đồng sẽ chẳng hưởng lợi gì khi ngăn cản Starlink ngày hôm nay, chỉ để dọn đường cho hệ thống vệ tinh của Amazon vốn vài năm nữa mới đi vào hoạt động".
Tập đoàn Space Exploration Technologies của tỷ phú Musk đã phóng hơn 1.000 vệ sinh cho dịch vụ Internet Starlink hồi năm ngoái. Amazon cũng được FCC cấp phép phóng 3.236 vệ tinh, nhưng chưa triển khai phóng bất cứ vệ tinh nào.
Amazon đề nghị FCC từ chối yêu cầu của SpaceX. Công ty nhấn mạnh rằng sự thay đổi sẽ gây ảnh hưởng đến hệ thống của Kuiper. Đáp lại, SpaceX khẳng định kế hoạch của họ không ảnh hưởng gì tới "kế hoạch non trẻ" của Amazon.
Quỹ đạo thấp hơn sẽ cho phép dịch vụ Internet nhanh hơn. Nói với FCC, phía SpaceX cho biết việc đặt các vệ sinh ở gần Trái Đất giúp giảm rủi ro tạo các mãnh vỡ từ không gian.
SpaceX đang lên kế hoạch vận hành khoảng 12.000 vệ tinh và đã được FCC cấp phép khoảng 4.400 chiếc, bao gồm 1.584 vệ tinh ở cự ly 550 km. Công ty đang xin phép đưa 2.824 vệ tinh khác lên cùng quỹ đạo, thay vì ở vùng quỹ đạo cao hơn như đề xuất ban đầu.
(Theo Zing)