Cuộc đời nữ doanh nhân này có nhiều điều khá ly kỳ. Xinh đẹp, tài hoa, nhưng chị phải chịu nhiều nỗi bất hạnh. Ngày 21-11-2015, ông Lin Chin Ch., chồng cũ của nạn nhân Hà Linh có mặt tại công ty ở Cầu Đất và đi lại trên địa bàn TP.Đà Lạt.

Hơn 2 tháng trôi qua, kể từ ngày nữ doanh nhân ngành trà Lâm Đồng - Hà Thúy Linh (SN 1970) bị sát hại dã man tại Trung Quốc, khi chị bị lừa qua đây theo ý đồ của hung thủ dã tâm sát hại chị. Gia đình, người thân của chị trông ngóng từng ngày, nhưng đến nay, xác nạn nhân vẫn chưa được đưa về nước.

Cô gái miền Tây hiếu học, vươn lên thoát nghèo

Chị Hà Thúy Linh, quê tỉnh Đồng Tháp, là con thứ 7 trong gia đình có 9 anh chị em, hầu hết đều làm nông dân, buôn bán nhỏ lẻ, duy nhất có chị thành đạt: ở biệt thự, đi xe hơi sang, làm chủ một công ty lớn, uy tín trên thương trường, được nhiều người quý mến. Khi vừa đến tuổi trưởng thành, không cam tâm như chúng bạn, bỏ học sớm lấy chồng rồi miệt mài đồng ruộng, sông nước kiếm cơm ăn áo mặc, lo chuyện chồng con, chị theo người bà con đến TP.Đà Lạt sinh sống.

{keywords}

Nữ doanh nhân Hà Linh


Sau đó, chị theo học đại học kinh tế TP.HCM. Ra trường, sẵn tình yêu với mảnh đất yên bình của xứ sở ngàn hoa, chị trở về Đà Lạt, xin vào làm việc ở Sở văn hóa – du lịch Lâm Đồng. Chẳng biết duyên nợ thế nào, chị mê học tiếng Hoa và sau đó quen một người đàn ông Đài Loan tên Lin-Chin-Ch. hơn chị 14 tuổi, vào năm 1998. Từ mối quan hệ này, chị Linh giao tiếp tiếng Hoa nhiều và giỏi ngoại ngữ này từ đó.

Ông Lin-Chin-Ch. khi đó có vợ, 2 con ở Đài Loan. Từ năm 1993, ông này cùng 2 người bạn đến TP.Đà Lạt làm ăn. Một người tách ra làm ngành hoa, ông Ch. và một người tên H. lập công ty trà ở xã Xuân Trường - Cầu Đất, TP.Đà Lạt. Theo một nguồn tin cho biết, ông Ch. và vợ có cuộc hôn nhân khá thoáng. Vợ ông Ch. chấp nhận cho chồng đến Việt Nam làm ăn, thậm chí lấy vợ hai, nhưng luôn phải coi vợ cả và con cái là gia đình chính thức. Nhất nhất mọi việc đều theo “chỉ đạo” của bà cả.

Biết rõ mối quan hệ tình cảm giữa ông Ch. và chị Hà Linh, vợ ông Ch. không một lần tìm đến họ ghen tuông. Năm 1999, ông Ch. và chị Hà Linh làm đám cưới tại quê Đồng Tháp của chị Linh. Sau đó chung sống và làm việc tại xã Cầu Đất. Năm 2002, cả hai tách ra thành lập công ty riêng, chuyên sản xuất trà ô long xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Trung Quốc. Việc kinh doanh của công ty mới này của vợ chồng chị Hà Linh khá thành công. Ông Ch. làm giám đốc công ty, lo phần xuất khẩu, chị Hà Linh làm phó giám đốc, lo đối ngoại, điều hành công ty.

Chồng bạo lực, gia trưởng

Tuy nhiên, vì ông Ch. chưa ly dị vợ, giữa chị Hà Linh và ông Ch. thường xảy ra mâu thuẫn, không ít lần ông Ch. đánh đập chị Hà Linh bầm môi tím mắt.

Một người thân trong gia đình chị Linh kể: Có lần, ngay sáng mùng 1 Tết, chị điện thoại thăm, chúc tết chị gái thì được chị tâm sự, đêm giao thừa bị ông Ch. đánh dã man, thâm tím mặt mày. Vậy nhưng khi chị này đến nhà chị gái, chỉ một mình anh rể ra tiếp, nói “A Linh (cách gọi thân mật với mọi thành viên trong gia đình của người Hoa) tối qua thức khuya làm nhiều việc, giờ chưa ngủ dậy”. Chị Linh vì không muốn ngày đầu năm mới để em gái phải buồn chuyện gia đình mình nên cũng im lặng ở trên lầu mà không xuống.

Một người thân khác của chị Linh kể lại: Nhiều lần chứng kiến ông Ch. đánh chị Hà Linh. Có lần ông Ch. còn dùng tay bóp cổ chị Linh muốn chết ngạt. “Chuyện vợ chồng mà, sao tránh khỏi xô xát. Nhưng ông Ch. là kẻ bạo lực, gia trưởng. Linh luôn nhịn nhục, chiều theo ý chồng mà chẳng được chồng thương”, những người chị em gái ruột với chị Hà Linh ngậm ngùi.

“Chị tôi có tính sĩ diện, chuyện bị chồng đánh, chị ấy thường giấu nhẹm, không nói với ai, không muốn bị người khác dị nghị. Ông Ch. tiếng là chồng chị Linh, nhưng luôn tỏ vẻ kể cả, bề trên. Ông ấy lạnh lùng, giữ khoảng cách, lấy vợ chỉ biết vợ thôi, không bao giờ thăm hỏi, lễ giáo gì với cha mẹ vợ và những người thân bên vợ; luôn thể hiện là ông chủ công ty, ăn uống đều ở ghế trên, riêng một mình, hãn hữu mới có vợ con ngồi cùng.

Biết tính ông Ch. như vậy, gia đình chị Linh đều lo làm ăn riêng, không chung đụng, giúp đỡ gì được với chị Linh trong công việc. Khi vợ chồng chị Linh còn sống chung, tài chính chủ yếu do ông Ch. nắm giữ. Linh vay mượn, mở thêm một cửa tiệm Spa để có tiền lo cho bản thân và con cái.

Kể từ khi Linh chia tay chồng đến nay, ông Ch. không một lần đến thăm con cái. Để tránh cho các con khỏi tủi thân, khi còn sống, thỉnh thoảng Linh đưa con đến công ty, để hai đứa trẻ chạy xuống thăm ba một lát rồi về”, những con người miền Tây hiền lành, chân chất, kể với chúng tôi về mối quan hệ bất thường của chàng rể ngoại quốc đối với vợ và gia đình vợ.

Bất hạnh tột cùng

Ít ai biết, chị Hà Linh có một nỗi bất hạnh lớn. Năm 2000, chị sinh một cậu con trai, khi cháu bé được 18 tháng tuổi, một lần chị Linh được tài xế của công ty cũ lái xe chở đi chợ về, chị bồng con theo. Vừa xuống đên sân nhà (cũng là văn phòng công ty) ở xã Cầu Đất, cháu bé đòi đứng xuống sân chơi. Chị bước vào nhà, chẳng may, người tài xế lùi xe không quan sát, cán đứa trẻ chết ngay tại chỗ.

{keywords}

Sản phẩm trà ô long cao cấp của Công ty Hà Linh có giá từ 380.000 đồng đến 1.800.000 đồng/kg


Cái chết tức tưởi của đứa con trai đầu lòng khiến chị Linh muốn quỵ ngã. Tình cảm mới mẻ của người chồng mới cưới và sự động viên tinh thần của người thân ở bên, chị gượng dậy, quên đi nỗi đau này.

Sau đó, chị sinh thêm hai con trai, một cháu SN 2002, một cháu SN 2010 – đều đang đi học. Ngay sau khi sinh đứa con thứ 2, chị Linh và ông Ch. chính thức chia tay, hai cháu đều ở với mẹ. Chị Linh đón người chị gái đầu (không lập gia đình) lên ở cùng, giúp chăm sóc hai đứa nhỏ.

Năm 2012, chị Linh tách khỏi công ty của chồng cũ, lập công ty trà ô long Hà Linh. Bằng kiến thức học được từ chồng cũ về ngành trà ô long, sự khéo léo trong giao tiếp, Công ty Hà Linh mở rộng thị trường xuất khẩu trà trong nước và sang cả Đài Loan, Trung Quốc. Chị dần tạo lập được một cơ ngơi khang trang gồm Công ty trà Hà Linh (cũng ở Cầu Đất), căn biệt thự làm nơi ở và văn phòng công ty tại đường Hùng Vương, TP.Đà Lạt, một cửa tiệm Spa, quán trà, cà phê khang trang ở những vị trí đắc địa trong TP.Đà Lạt. Chị Linh còn là Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp trẻ tỉnh Lâm Đồng.

Năm 2014, ngành trà Lâm Đồng lao đao vì kẻ xấu từ Đài Loan tung tin đồn trà Việt Nam nhiễm chất độc đi-ô-xin. Nhờ sự can thiệp của Chính phủ Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và Hiệp hội doanh nhân trẻ Lâm Đồng, cây chè trên đất Lâm Đồng đã giải được tiếng oan này. Chị Hà Linh còn có công chống chuyển giá, thất thu thuế ngành trà, đặc biệt là với việc xuất khẩu trà ô long sang hai thị trường Trung Quốc, Đài Loan. Chính từ đây, Công ty Hà Linh trở thành “kẻ đáng ghét”, “cái gai” trong mắt của một số doanh nhân chuyên sản xuất trà ô long từ Việt Nam xuất khẩu.

Luật sư Trương Quang Quý, người trợ giúp pháp lý cho Công ty Hà Linh cho biết: Từ năm 2014, Công ty Hà Linh gặp khó khăn trong việc xuất khẩu trà sang thị trường chính là Trung Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan, khiến lượng hàng sản xuất ra bị ách tắc. Một số đối tác sẵn sàng hủy, đền hợp đồng và cho biết 'chúng tôi bị đe dọa không được mua hàng của chị'. Chị Linh nhiều lần “bay” đi nước ngoài thương lượng nhưng đều thất bại.

Chị từng tâm sự với một vài người bạn, bị chồng cũ đe dọa, không cho bán trà sang Trung Quốc. Thời điểm này và cả sau khi chị Linh bị sát hại khoảng 2 tháng, ông Ch. không có mặt ở Việt Nam, công ty trà của ông này ở Cầu Đất do con gái riêng làm giám đốc quản lý, điều hành.

Tháng 9-2015, có lẽ nằm trong kế hoạch âm mưu sát hại bà chủ Công ty trà Hà Linh, một “đối tác” từ Trung Quốc đặt mua 2 tấn trà ô long với công ty này. Mừng vì tìm được mối hàng, chị Hà Linh mất cảnh giác, yêu cầu luật sư soạn thảo hợp đồng mua bán trà rồi đặt vé từ TP.HCM đến Trung Quốc. Bản hợp đồng chỉ ghi tên bên bán, phần bên mua bỏ trống. Luật sư thắc mắc thì chị Hà Linh giải thích “đối tác họ yêu cầu như vậy, sang đến nơi sẽ điền sau”. Chẳng ai ngờ đó là chuyến đi định mệnh của chị.

Ngày 18-11-2015, đúng 59 ngày sau khi chị Hà Linh rời Việt Nam đi Trung Quốc và bị sát hại dã man, Bộ ngoại giao Việt Nam và ngành chức năng nhận được thông tin từ Bộ Công an Trung Quốc, xác nhận: đã bắt được 2 nghi can liên quan đến cái chết của nạn nhân Hà Linh.

Theo nhà chức trách, một trong hai nghi can bị bắt khi đang lẩn trốn tại Đài Loan khai nhận: bọn họ đầu độc, sát hại doanh nhân Hà Linh theo chỉ đạo của người khác. Ngày 19-9-2015, chị Hà Linh xuống sân bay, “đối tác” cử người ra đón. Sau đó bọn chúng dụ dỗ, đưa chị đến một làng trà heo hút thuộc TP. Đông Quản để chị Linh “tham quan, bàn chuyện làm ăn”. Tại đây, có người lừa mượn ĐTDĐ của chị và chiếm giữ luôn, khiến chị không thể liên lạc với ai. Nạn nhân bị đánh thuốc độc lẫn trong nước uống, rồi bất ngờ bị bọn chúng tấn công, đánh dập dã man, dẫn đến vỡ nội tạng.

Gây án xong, những kẻ thủ ác bỏ chạy. Người dân thấy vậy đã giúp đưa đến bệnh viện cấp cứu, nhưng nạn nhân không qua khỏi. Nhà chức trách xác định, nạn nhân bị đánh buổi tối ngày 21-9, tử vong một ngày sau đó.

Bước đầu, cơ quan công an nhận định, hai hung thủ sát hại chị Hà Linh theo chỉ đạo của người khác, liên quan đến mâu thuẫn trong việc làm ăn. Toàn bộ quá trình điều tra vụ án, truy bắt nghi can do Công an TP.Đông Quản, tỉnh Quảng Đông (nơi doanh nhân Hà Linh bị sát hại) chủ trì, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công an Trung Quốc. Họ hoạt động điều tra độc lập, Công an Việt Nam không thể tham gia. Phía Bộ Công an Trung Quốc cho biết, vẫn đang tích cực, khẩn trương mở rộng, điều tra làm rõ vụ án, lên kế hoạch bắt giữ những kẻ liên quan.

Tuy nhiên, dư luận và thân nhân chị Hà Linh thắc mắc: theo công ước về luật pháp ký với Quốc tế, Trung Quốc được quyền giữ thi thể nạn nhân tử vong trên đất nước họ tối đa 60 ngày để phục vụ điều tra. Đến nay, 60 ngày đã trôi qua, nhưng phía Trung Quốc vẫn chưa có động thái nào về việc bàn giao thi thể nạn nhân về nước. Ngày 21-11-2015, ông Lin Chin Ch. – chồng cũ của nạn nhân Hà Linh có mặt tại công ty ở Cầu Đất và đi lại trên địa bàn TP.Đà Lạt. Vụ án có diễn biến khá phức tạp.

(Theo Công an TP.HCM)