Dù Singapore vẫn nổi lên như quốc gia dẫn đầu trong khu vực, nước này đang vấp phải cạnh tranh ngày một tăng từ Indonesia, Malaysia và Việt Nam, theo Adrian Ashurst, CEO Worldbox Intelligence.

Trung tâm dữ liệu vô cùng quan trọng, nó giống như ngôi nhà vật lý chứa các thông tin kỹ thuật số lưu trữ trong “đám mây” và các loại trang thiết bị công nghệ thông tin khác để dịch vụ và nền tảng có thể hoạt động.

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, thương mại điện tử và các công nghệ khác đòi hỏi năng lực xử lý và khả năng lưu trữ dữ liệu khổng lồ, càng kích thích nhu cầu đối với trung tâm dữ liệu.

Công ty tư vấn chiến lược đầu tư bất động sản JJL dự đoán tăng trưởng sẽ tiếp diễn. Trong 5 năm tới, dữ liệu do người dùng cá nhân và doanh nghiệp tạo ra sẽ gấp đôi tất cả dữ liệu tạo ra 10 năm qua.

Công suất lưu trữ tại các trung tâm dữ liệu và thiết bị đầu cuối sẽ tăng từ 10,1 zettabytes (ZB) năm 2023 lên 21 ZB năm 2027 với mức tăng trưởng trung bình hằng năm là 18,5%.

Bùng nổ nhu cầu dữ liệu thúc đẩy tăng trưởng

Các nền kinh tế kỹ thuật số phát triển nhanh chóng ở Đông Nam Á đang thúc đẩy nhu cầu dữ liệu địa phương. Công ty dịch vụ bất động sản Savills của Anh lấy Indonesia làm ví dụ:

"200 triệu trong số 275 triệu công dân có quyền truy cập Internet và thị trường bán lẻ trực tuyến được dự báo sẽ đạt 95 tỷ USD vào năm 2025. Indonesia là một trung tâm công nghệ đang phát triển, với các kỳ lân ‘cây nhà lá vườn’ bao gồm GoTo - đã huy động được hơn 1 tỷ USD khi niêm yết vào năm 2022".

Một số lượng lớn các trung tâm dữ liệu đã được xây dựng ở Đông Nam Á và các chính phủ trong khu vực đang cạnh tranh để thu hút nhiều hơn.

Tuy nhiên, nó cũng thúc đẩy nhu cầu năng lượng, có thể là một vấn đề nếu gây căng thẳng cho nguồn cung năng lượng vốn bị hạn chế. Bản chất của các trung tâm dữ liệu là “ngốn” điện.

wp73qfks.png
10 thị trường trung tâm dữ liệu mới nổi của thế giới năm 2023. Nguồn: Savills

Singapore dẫn đầu

Cơ sở hạ tầng mạnh mẽ của Singapore và nguồn điện ổn định đã giúp đảo quốc này trở thành cơ sở hàng đầu cho các trung tâm dữ liệu trong khu vực.

Với hơn 100 trung tâm dữ liệu, nó chiếm 60% tổng công suất trung tâm dữ liệu của Đông Nam Á. Tuy nhiên, ngay cả Singapore cũng hoài nghi về tác động đối với nguồn cung năng lượng và nhu cầu đất đai.

Năm 2019, chính phủ áp đặt lệnh cấm đối với các trung tâm dữ liệu mới (đã được dỡ bỏ vào năm 2022) trong khi xem xét tính bền vững của ngành.

Hiện, nước này đang đẩy mạnh tiến độ xây dựng nhưng kêu gọi các dự án mới phải đáp ứng tiêu chuẩn xanh cao hơn. Trung tâm dữ liệu tiêu thụ khoảng 7% tổng lượng điện trong nước và dự kiến đạt 12% vào năm 2030.

Dù được xếp vào nhóm các địa điểm đặt trung tâm dữ liệu hấp dẫn nhất, đứng thứ hai toàn cầu và thứ nhất châu Á, Singapore đang chịu áp lực từ các nước như Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, Phillipines, Indonesia – vốn có lợi thế về chi phí đất đai, năng lượng và hưởng lợi từ việc các doanh nghiệp tăng cường đầu tư cho trung tâm dữ liệu.

Malaysia thu hẹp khoảng cách

Malaysia hiện có khoảng 50 trung tâm dữ liệu và đang thu hút các nhà đầu tư bằng ưu đãi thuế và các đặc quyền khác.

Thành phố Iskandar Puteri nổi lên như một điểm nóng đặc biệt cho việc xây dựng trung tâm dữ liệu, sau khi Singapore tạm dừng các dự án mới năm 2019.

Chính phủ Malaysia đang làm việc với các nhà cung cấp năng lượng để đảm bảo các trung tâm dữ liệu nhận được nguồn cung cấp điện ổn định.

Năm 2023, Kuala Lumpur công bố kế hoạch tổng thể công nghiệp mới 2030, bao gồm thúc đẩy số hóa như một lĩnh vực tăng trưởng chính.

Những “gã khổng lồ” dịch vụ đám mây như Amazon Web Services (AWS), Microsoft và Google đều đã tiết lộ kế hoạch tăng cường đám mây khu vực (cloud region) ở đây.

Thái Lan đặt mục tiêu cao

Tận dụng vị trí chiến lược ở trung tâm Đông Nam Á, Thái Lan - nơi có khoảng 30 trung tâm dữ liệu - đã đạt được bước tiến lớn vào tháng 11/2023, khi Amazon, Google và Microsoft đồng ý đầu tư 300 tỷ baht (8,46 tỷ USD) vào việc phát triển cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu trong nước.

AWS có kế hoạch xây dựng một trung tâm dữ liệu với ngân sách 5 USD tỷ trong khoảng thời gian 15 năm. Gần đây nhất, Google cho biết sẽ chi 1 tỷ USD cho hạ tầng trung tâm dữ liệu và đám mây tại đây.

Indonesia nhiều lợi thế

Đến cuối năm 2023, Indonesia có khoảng 73 trung tâm dữ liệu và 16 trung tâm khác nằm trong kế hoạch. Jakarta, Tây Java và Batam nổi lên như những địa bàn chính, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Nước này hưởng lợi từ nguồn cung cấp năng lượng dồi dào và tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo. Đội ngũ lao động lành nghề và nhu cầu dịch vụ số bùng nổ là những điểm cộng khác.

Các trung tâm dữ liệu của Indonesia cũng có thể phục vụ các thị trường khác, theo Savills. Chẳng hạn, hòn đảo Batam gần Singapore có thể trở thành một điểm nóng trung tâm dữ liệu tương lai, phục vụ nhu cầu trong nước và từ Singapore. Batam có cả các nguồn năng lượng truyền thống và tái tạo.

Việt Nam đầy sức hút

Việt Nam hiện có khoảng 30 trung tâm dữ liệu và dự kiến xây dựng nhiều trung tâm khác trong những năm tới, được thúc đẩy từ sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số.

Savills đánh giá ngành công nghiệp đám mây và trung tâm dữ liệu Việt Nam nằm trong nhóm phát triển nhanh nhất trên thế giới.

Các động lực bao gồm số hóa trong khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, dân số trẻ, thành thạo công nghệ, 5G, nhu cầu tự chủ hạ tầng số và các quy định liên quan đến dữ liệu.

Philippines tăng tốc nhanh

Philippines là quê hương của khoảng 22 trung tâm dữ liệu, trong đó Manila là điểm đến hàng đầu. Ngành công nghiệp này ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng.

Tháng 8/2023, chính phủ nước này cho biết công suất trung tâm dữ liệu dự kiến tăng 5 lần, xấp xỉ 300 megawatts (MW) vào năm 2025.

Trung tâm dữ liệu là chìa khóa để chuyển đổi kinh tế. Xây dựng các trung tâm dữ liệu là nền tảng giúp các quốc gia Đông Nam Á thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh hơn nữa trong các thập kỷ tới.

(Theo Febis, Savills)