Gần đây chính phủ Hồng Kông đang xây dựng một kế hoạch hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi và hành động này được đông đảo tầng lớp lao động phổ thông ủng hộ nhiệt liệt. Lý do cho sự ủng hộ này rất đơn giản: Không phải vì những người cao tuổi coi bản thân là một phần không thể thiếu trong lực lượng lao động ở Hồng Kông mà bởi vì họ sẽ không thể trang trải cuộc sống nếu mất đi việc làm.
Những người lao động Hồng Kông đang yêu cầu chính phủ đưa ra nhiều điều khoản hơn về chương trình hỗ trợ dành cho những nhà tuyển dụng chấp nhận thuê nhân viên cao tuổi và đảm bảo một chế độ lao động hợp lý và bền vững.
Câu chuyện của những người già đang phải vật lộn mưu sinh trên đường phố Hồng Kông
Ling, một nhân viên vệ sinh đã 71 tuổi cho biết, "Tôi chẳng bao giờ dám nghĩ đến việc nghỉ hưu; nghỉ rồi thì lấy gì mà sống đây trong khi tiền kiếm được quá ít, chẳng đủ để dành một khoản tiết kiệm nào". Theo bà thì bà sẽ cố gắng giữ công việc này lâu nhất có thể, cho đến khi nào mà sức khỏe và thị trường lao động vẫn cho phép.
"Nếu tôi nghỉ hưu thì sẽ phải dựa hoàn toàn vào chương trình hỗ trợ an sinh xã hội mà chỉ được cấp 3,000 HKD (tương đương với USD 382) mỗi tháng. Số tiền nhỏ nhoi đó làm sao mà đủ cho những nhu cầu cơ bản của cuộc sống nơi đây cơ chứ". Thêm vào đó, bà Ling cũng không có gia đình hay con cái, vì vậy tiếp tục công việc hiện tại là cách duy nhất giúp bà hòa nhập với cộng đồng, cuộc sống.
Vì số lượng người có tình cảnh giống bà Ling đang gia tăng ở Hồng Kông nên gần đây, chính phủ Hồng Kông đang rất cố gắng thúc đẩy dự án việc làm dành cho người cao tuổi. Sở lao động của nước này đặt mục tiêu mở rộng chương trình việc làm dành cho đối tượng trung niên vào cuối năm 2018 để cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho những cá nhân đồng ý sử dụng lao động trên 60 tuổi.
Ngày 15 tháng 4, Bộ trưởng Bộ Lao động & Phúc lợi Hồng Kông, ông Matthew Cheung Kin-chung đã công bố mức hỗ trợ cụ thể dành cho những ai tuyển dụng lao động trung niên và cao tuổi. Cụ thể là họ sẽ được hỗ trợ 4,000 HKD/tháng trong vòng 6-12 tháng nếu thuê lao động cao tuổi. Theo chương trình hiện nay, những nhà tuyển dụng thuê lao động thất nghiệp trên 40 tuổi đang được hưởng mức hỗ trợ 3,000 HKD từ chính phủ trong vòng 3 đến 6 tháng.
Theo ông Cheung thì chính phủ cũng rất ủng hộ việc những người lao động ở độ tuổi 50 - 64 và thậm chí 65 - 74 tiếp tục đi làm do Hồng Kông hiện nay đang đối mặt với tình trạng dân số già đi đáng kể, dẫn tới thiếu hụt nguồn lao động cần thiết trên thị trường.
Theo cục Thống kê thì đến cuối năm 2017, Hồng Kông có 363,800 người trên 60 tuổi mà vẫn đang làm việc, ⅓ trong số đó trên 65 tuổi, chiếm 20% tổng số dân ở khu vực này. So với thập kỷ trước thì số lượng người lao động trên 60 tuổi cao gấp 1.7 lần và tăng đến 59% trong vòng 5 năm trở lại đây.
Trong khi đó, tình hình những người già ở Hồng Kông phải sống trong cảnh nghèo đói đang trở nên vô cùng trầm trọng do chi phí sinh hoạt ngày càng tăng mà chương trình hỗ trợ sau khi nghỉ hưu vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Từ năm 2012 đến 2016, số lượng người trên 65 tuổi đang sống trong cảnh nghèo khó tăng từ 388.000 lên đến 478.000, chiếm 44,8% tổng số người thuộc cùng nhóm tuổi. Bà Ling là một trong 478.000 người đó; bà chỉ được trả mức lương tối thiểu theo quy định của chính quyền, tức là 34,5 HKD/giờ.
"Khối lượng công việc rất lớn với yêu cầu cao." bà Ling trả lời khi được hỏi về công việc thường ngày. Bà chịu trách nhiệm dọn dẹp một tòa nhà có sức chứa hơn 200 người, làm việc từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều, 26 ngày trong một tháng mà chỉ được trả công 176 HKD/tháng. Ngoài ra bà còn không có ngày nghỉ phép.
"Mỗi ngày, tôi phải hút bụi một tầng lên đến 1,900 m2, nó rộng đến mức lúc đầu tôi bị lạc rất nhiều lần. Tôi cũng phải dọn rửa 5 phòng vệ sinh công cộng ít nhất 2 lần một ngày, thỉnh thoảng là 5 lần nếu như hôm nào xảy ra vấn đề. Ngoài ra, tôi cũng phải thu gom rác thải từ hơn 200 thùng rác cá nhân cũng như trong nhà ăn" - bà Ling nói về công việc của mình.
Tuy cực khổ là vậy nhưng người phụ nữ nhỏ bé, gầy gò này lại không hề nghĩ tới chuyện nghỉ việc vì "Hiện nay tôi chỉ có 50,000 HKD tiền tiết kiệm, thế nên tôi phải tiếp tục làm việc cho đến khi nào còn có thể."
Những phản ứng kịp thời của Chính phủ Hồng Kông
Bà Ling là một trong số rất nhiều ngườii ở Hồng Kông ủng hộ chính quyền hỗ trợ các công ty tuyển dụng lao động cao tuổi dài hạn.
Ng Wai-tung, một thành viên của Tổ chức Xã hội vì Cộng đồng (Soco), cho rằng các quan chức nên tiết lộ thêm chi tiết về kế hoạch để công chúng có thể đóng góp thêm ý tưởng cho chương trình.
"Ví dụ, chương trình có thể tăng trợ cấp cho người sử dụng lao động nếu anh ta tiếp tục thuê cùng một nhân viên cao tuổi và góp phần gia tăng sự ổn định việc làm không?" Ng hỏi.
"Và làm cách nào chúng ta có thể đảm bảo rằng, những khoản trợ cấp này - tồn tại với mục đích tạo điều kiện đào tạo nhân viên - sẽ được sử dụng để giúp đỡ nhân viên cao tuổi thay vì rơi vào túi của chủ doanh nghiệp?"
Ng cũng kêu gọi chế độ bảo hộ lao động đặc biệt cho người cao tuổi khi chính phủ đang xúc tiến việc làm cho những người cao tuổi trong tình trạng suy giảm thể lực.
Vào ngày 18 tháng 4, Soco đã yêu cầu một cuộc họp với ông Cheung và Bộ trưởng Bộ phúc lợi Law Chi-kwong để trao đổi ý kiến về chính sách việc làm cho người cao tuổi. Vào ngày 27 tháng 4, Văn phòng Bộ trưởng trả lời bằng email rằng, ông Cheung quá bận rộn để có thể tham gia cuộc họp này.
Một phát ngôn viên của Bộ lao động cho biết, hơn 1,4 triệu vị trí tuyển dụng đã được ghi nhận trong khu vực từ trong năm 2017. Cùng với đó, nhà tuyển dụng không được phân biệt đối xử các ứng viên trong vấn đề tuổi tác trong quá trình tuyển dụng.
Bộ cũng sẽ tiến hành các cuộc thanh tra thường xuyên để bảo đảm môi trường làm việc đúng như quy định dành cho người cao tuổi, người phát ngôn nói.
Theo GenK