Câu chuyện tại khu dân cư Tân Tây Đô (xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội), chị Trần H.Q. (SN 1990) là thực tập sinh tại BV Bạch Mai, trở về nơi cư trú từ ngày 24/3.
Ngày 1/4, cán bộ y tế xã Tân Lập gửi thông báo yêu cầu cách ly đối với chị Q. vì chị có thời gian thực tập tại BV Bạch Mai. Khi biết thông tin này, nhiều cư dân nơi chị đang sống hoang mang lo lắng về khoảng thời gian chị về sinh sống tại khu dân cư.
Anh Hồ Sỹ Thắng (Ban quan trị dân cư Tân Tây Đô) cho biết: “Sáng 1/4, cán bộ y tế xã Tân Lập đưa thông báo về trường hợp chị Q. thuộc đối tượng cách ly theo dõi, chúng tôi mới được biết. Vì chị Q. trở về sinh sống tại tòa nhà (từ ngày 24/3), không biết chị Q. đi đến những đâu, tiếp xúc với ai… nên cộng đồng cư dân rất lo lắng”.
Khu đô thị Tân Tây Đô |
Chị Lê Thị Thu (cư dân tòa nhà, thành viên của Ban quản trị) sau đó đã viết status lên nhóm nội bộ của cộng đồng cư dân Tân Tây Đô, thông tin về trường hợp của chị Trần H.Q kèm theo ảnh của chị Q.
“Tôi đưa thông tin về trường hợp chị Q. nhằm cảnh báo người dân trong khu dân cư nắm bắt được thông tin để có sự chủ động. Tôi cũng đã dùng từ “xin phép” đưa ảnh của chị Q. lên để mọi người cùng biết, nhỡ ai đó đi chung thang máy, tiếp xúc với chị Q. thì chủ động khai báo để đảm bảo chủ động kiểm soát dịch bệnh (nếu không may) chị Q. dương tính Covid-19” - chị Thu nói.
Khoảng trống và nguy cơ
Ông Đoàn Thịnh Trường, Giám đốc BV Hoài Đức cho biết, chị Q. đang trong thời gian đi học cao học tại ĐH Y Hà Nội nên do ĐH Y HN quản lý.
Trạm y tế xã Tân Lập (huyện Đan Phượng) |
Xác minh từ Khoa Thận, BV Bạch Mai, nơi chị Q. đang học theo chương trình cao học của ĐH Y Hà Nội, được biết, Khoa Thận không có bệnh nhân nhiễm Covid-19 nên không có yêu cầu các bác sĩ đang học tại đây phải về nhà cách ly từ ngày 21/3. Việc cho nghỉ hay học tiếp do Trường ĐH Y quyết định.
Về vấn đề này, ĐH Y Hà Nội thông tin như sau: Học viên H.Q., Cao học K28 đi thực tập tại Khoa Thận tiết niệu Bạch Mai đến ngày cuối cùng là 21/3/2020. Từ ngày 22/3/2020 học viên được Bộ môn và Bệnh viện yêu cầu về học online tại nhà và tham gia chống dịch tại địa phương.
Chị Trần H.Q. xác nhận với VietNamNet, chị kết thúc thực tập tại khoa Thận (BV Bạch Mai) ngày 24/3.
“Ngày 31/3, khi lên cơ quan (BV Hoài Đức) trực tôi mới biết mình thuộc đối tượng phải khai báo y tế nên sau đó đã liên hệ với trạm y tế xã”.
16h30 cùng ngày, chị Q. báo tin cho y tế xã Tân Lập, lấy mẫu xét nghiệm và tự cách ly tại nhà từ tối cùng ngày.
Chủ tịch xã Tân Lập Nguyễn Văn Học |
Ngày 1/4, chị Q. nhận thông báo tự cách ly tại chỗ của UBND xã Tân Lập, thời gian cách ly từ 1 - 8/4. Ngày 2/4, Chủ tịch Huyện Hoài Đức thông báo với PV VietNamNet chị Q. đã có kết quả âm tính. Ngày 4/4, chị Q. nhận kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19.
Chủ tịch xã Tân Lập Nguyễn Văn Học thông tin với VietNamNet: “Ngày 26/3, xã nhận được văn bản hỏa tốc của UBND huyện Đan Phượng về việc rà soát các trường hợp người dân đi khám, điều trị bệnh tại BV Bạch Mai từ ngày 12/3.
Ngày 29/3, UBND huyện tiếp tục ban hành văn bản hỏa tốc yêu cầu các xã kiểm tra, rà soát tất cả các đối tượng thăm khám, làm việc… tại BV Bạch Mai. Như vậy, đến ngày 29/3, chị Q. mới thuộc đối tượng phải rà soát, kiểm tra, theo dõi y tế (làm việc tại bệnh viện Bạch Mai)”.
Nhật ký tại Trạm xá xã Tân Lập cho biết: Chiều 31/3, chị Q. liên lạc với trạm; 20h ngày 31/3, xã có quyết định cách ly đối với chị Q.; Sáng 1/4, thông báo cách ly được đưa tới; Cùng ngày, chị Q. lấy mẫu xét nghiệm.
Trưởng trạm y tế xã Tân Lập Ngô Thị Thu Hiền: Người dân cảnh giác, chung tay chống dịch nhưng cũng không nên suy diễn làm phức tạp vấn đề |
Việc chị Q. khai báo y tế chậm so với thông báo trên khiến một số cư dân nơi chị ở lo lắng, sau đó đưa thông tin lên mạng nội bộ. Nhiều cư dân trong nhóm đã bình luận, chia sẻ...
Giải thích điều này, Chủ tịch xã Tân Lập khẳng định: Khi có thông báo (ngày 29/3) xã đã triển khai thực hiện ngay. Việc rà soát các đối tượng trên địa bàn xã với hơn 2,3 vạn dân không thể trong một sớm một chiều. Do không thể đến gõ cửa từng nhà nên xã thông báo trên loa phát thanh để những ai thuộc đối tượng trên chủ động liên hệ với cơ sở y tế xã.
Đối với khu dân cư Tân Tây Đô, xã giao tổ dân phố rà soát. Mặt khác, văn bản ngày 29/3 của huyện không ghi thời hạn thực hiện nên không thể kết luận việc người dân khai báo chậm 1 - 2 ngày là “trốn khai báo” hay bất hợp tác, hoặc nói chính quyền xã “bỏ lọt đối tượng” được.
Như vậy theo Chủ tịch xã Tân Lập thì chị Q. chậm khai báo 1-2 ngày là không vấn đề gì, nhưng đối với với cư dân sống cùng tòa nhà chị Q. thì đây là khoảng trống chứa đựng nhiều nguy cơ, đó là còn chưa kể chị Q. đã ở tòa nhà từ 24/3, nếu dương tính thì ảnh hưởng nhiều người, khoảng thời gian nguy hiểm sẽ là 7 ngày chứ không phải 2 ngày.
Theo cư dân, ngày 19/3 và 21/3 ngươi dân đều nhận đc tin nhắn từ Bộ y tế yêu cầu khai báo y tế nếu có liên quan đến Bạch Mai và các vùng dịch. Ngày 25/3, Chính phủ đã yêu cầu các trường hợp đến BM phai khai báo y tế.
Và đăc biệt từ 19h ngày 28/3 chủ tịch TP Hà Nội ra công điện khẩn 01 yêu cầu làm rất khẩn cấp cách ly kịp thời các trường hợp đến Bạch Mai cả thực tập sinh.
“BCĐ Tân Lập vào cách ly nhưng ko rõ lịch sử dịch tễ của đối tượng. Nên BQT lại phải chủ động yêu cầu BQL lấy lời khai dịch tễ để cảnh báo cư dân tòa nhà. Chúng tôi công khai hết hình ảnh và camera để dân biết. Sau đó các hộ dân đã tiếp xúc họ tự ý thức cách ly tại nhà và nhờ BQL hỗ trợ đồ ăn xử lý rác”, chị Thu cho biết.
Phó chủ tịch huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng cho biết, báo cáo xã Tân Lập về việc chị Trần H. Q. khai báo vẫn nằm trong thời gian thực hiện văn bản ngày 29/3 của huyện chỉ đạo, không có vấn đề chậm trễ hay sai phạm.
Tuy nhiên, bà Hồng thừa nhận, việc chị Q. có nhận được quyết định cách ly của xã ngay tối 31/3 hay không và tổ công tác phòng dịch của xã Tân Lập có giao giấy cách ly cho chị Q. ngay hay không thì huyện phải xác minh lại.
"Ngày 8/4, huyện có văn bản nhắc nhở các địa phương để 2 trường hợp khác chậm khai báo, đó là liên quan trực tiếp tới 2 công dân khác đi khám bệnh tại BV Bạch Mai nhưng khai báo chậm, không phải trường hợp của chị Q" - bà Hồng khẳng định.
Trách nhiệm của 3 bên
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho rằng, trong vụ việc này trách nhiệm là của cả 3 bên.
Ông Tuấn cho biết, TP yêu cầu các địa phương quyết liệt quản lý, cách ly tất cả những trường hợp liên quan đến BV Bạch Mai từ ngày 28/3.
Danh sách được BV Bạch Mai chuyển cho các Sở Y tế, sau đó Sở chuyển xuống cho các quận, huyện, xã, phường.
Tuy nhiên danh sách cũng được cập nhật chứ không phải một lần đủ luôn. Riêng Hà Nội, rà soát nhiều lần có hơn 23.000 người liên quan đến BV Bạch Mai.
Do đó, trách nhiệm một phần là của cá nhân, đã không chủ động khai báo và của chính quyền không chủ động rà soát.
Với cá nhân, có thể khai báo trực tuyến qua app hoặc khai báo trực tiếp với cơ quan y tế địa phương. Việc này không căn cứ thứ 7 hay chủ nhật, nhất là trong tình hình dịch như hiện nay luôn có người trực.
Về phía chính quyền, thông báo phát loa là một phần nhưng cũng cần đi rà soát. Tuy nhiên thực tế do đối tượng cần rà soát khá nhiều, địa phương cũng nhiều việc nên không thể đồng thời cùng lúc có thể rà soát tất cả những trường hợp liên quan.
“Việc điều tra phải làm cẩn thận, chính xác chứ không phải chỉ đến hỏi han tên, địa chỉ là xong. Mỗi trường hợp có thể mất 1 tiếng đồng hồ”, ông Tuấn nói.
Trên thực tế, một số trường hợp vừa qua như bệnh nhân 243, 266 cũng rà soát sau ngày 31/3 và mới đây mới xét nghiệm ra.
Vì vậy có độ trễ trong việc rà soát mong người dân có thể thông cảm, vì không thể ngay lập tức cùng lúc tìm được tất cả những người liên quan.
Thứ 3 là phía cư dân, hàng xóm trong khu chung cư cũng phải có trách nhiệm phản ánh.
“Anh biết người ta có vi phạm, có liên quan thì phải báo, phản ánh với địa phương. Trong app Hanoicity cũng có phần phản ánh chứ không thể trách chính quyền được. Chính quyền nếu chưa có thông tin, trên cơ sở phản ánh của công dân sẽ rà soát”, ông Tuấn cho hay.
Bài học mùa dịch
Một người dân khu chung cư Tân Tây Đô nói: “Trường hợp chị Q. âm tính, nhưng nếu dương tính thì cả tòa nhà phải bị cách ly. Nếu người ủ bệnh, sau đó vô tình không để ý, vẫn tiếp xúc với nhiều người, chậm khai báo y tế 1-2 ngày thì sẽ là nguồn lây lan rất lớn".
Một cán bộ Trạm y tế Tân Lập chia sẻ: “Tinh thần cảnh giác chống dịch của cư dân rất cao. Ngược lại, mỗi cá nhân cũng nên chủ động khai báo tình trạng sức khỏe cá nhân, nhất là khi có liên quan tới vùng dịch đã được khoanh vùng. Trường hợp chị Q. rất may âm tính, nếu như chị ấy dương tính, lại chậm trễ thông tin thì sẽ ảnh hưởng tới nhiều người”.
Trong hoàn cảnh chống dịch như chống giặc thì 2 ngày có thể xảy ra rất nhiều biến cố nếu người nhiễm covid không thực hiện quy trình khai báo, cách li kịp thời… và 7 ngày là khoảng thời gian để dịch bệnh lây lan rộng.
Chị Q. có thể lý giải mình không biết việc phải làm vì không nhận được thông báo, Xã Tân Lập có thể lý giải xã đã thông báo công khai trên loa phát phát thanh để toàn dân biết, Bệnh viện Hoài Đức nơi chị Q đang làm việc lý giải chị Q đang học ở Đại học Y nên thuộc sự quản lý của trường, Đại học Y lý giải đã làm tròn trách nhiệm quản lý học viên … nhưng kết quả là vẫn có khoảng trống 2 ngày từ lúc thông báo đến lúc được thực hiện, và 7 ngày một người từ vùng dịch trở về khu dân cư đến lúc khai báo y tế, số ngày đó có thể dài hơn phụ thuộc vào sự tự giác.
Dịch còn có thể kéo dài và nếu muốn tiếp tục chống dịch hiệu quả như thời gian vừa qua thì khoảng trống như sự việc trên đây cần có biện pháp hiệu quả hơn từ cấp cơ sở. Và với cách thức chống dịch 4 tại chỗ thì “tai mắt nhân dân” là rất quan trọng. Những ý kiến của cư dân như Tân Tây Đô nên được chính quyền và các lực lượng chống dịch địa phương lắng nghe để ứng phó kịp thời.
Ngày 2/4, chuyên trang Infonet của VietNamNet đăng bài “Xác minh thông tin cô gái thực tập sinh ở Bệnh viện Bạch Mai trốn cách ly đi làm”, có dẫn lại nội dung trên fb của tài khoản Thu L. và đoạn trao đổi với Chủ tịch xã Tân Lập: Trao đổi với PV VietNamNet về vụ việc nêu trên, ông Nguyễn Văn Học - Chủ tịch UBND xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội cho biết: “Không có chuyện cô Q. trốn cách ly đi làm và ngang nhiên đi lại như các trang mạng xã hội thông tin”. “Sau khi có thông tin phản ánh, chúng tôi đã tức tốc cho người đến tận nhà cô Q. để xác minh, kiểm tra. Qua xác minh kiểm tra và được phản ánh lại là không có chuyện đó” - ông Nguyễn Văn Học nói và khẳng định thông tin trên mạng xã hội không chính xác, người dân không nên tin thông tin không kiểm chứng. Theo ông Học, UBND xã Tân Lập có ra quyết định cách ly đối với cô Q. từ ngày 31/3 cho đến hết ngày 7/4. Khi có thông báo này, cô Q. thực hiện rất nghiêm túc và không có hành vi trốn tránh. Cô Q. cũng đã làm xét nghiệm cho kết quả âm tính với virus Sars-Covi 2. Báo VietNamNet đã xác minh lại thông tin và thấy rằng Chủ tịch Xã Tân Lập khẳng định chị Q. chấp hành nghiêm túc từ ngày 31/3, khi xã có thông báo quyết định cách li với chị Q, có thể không trả lời về toàn bộ quá trình trước đó như phản ánh của tài khoản Thu L.. Bài báo đưa nội dung trả lời của ông Học để bác bỏ nội dung tài khoản Thu L. là chưa thấu đáo. Để làm rõ toàn bộ vụ việc này, chúng tôi đã tìm hiểu kỹ và thực hiện bài phản ánh đăng tải trên đây. |
Trung - Điệp - Hạnh
Bệnh nhân 266 ở Hà Nội chỉ ngứa họng, hắt hơi, xác định 20 người F1
Bệnh nhân 266 ở Hà Nội chỉ có biểu hiện ngứa họng, hắt hơi, huyện Thường Tín bước đầu xác định có 20 người thuộc diện F1, nơi bệnh nhân sống được phong tỏa.