- Sáng nay, QH đã "chốt" hạn định phải trình dự luật Biểu tình tại kỳ họp cuối cùng để thông qua tại kỳ họp thứ hai của QH khóa sau, vào cuối năm 2016.
Ảnh: Minh Thăng |
Là dự luật quan trọng được các ĐBQH thúc giục cần sớm ban hành để cụ thể hóa quy định Hiến pháp, tạo hành lang pháp lý để Nhà nước quản lý nhưng luật Biểu tình liên tục bị lỗi hẹn.
Lần trì hoãn mới đây là để ban soạn thảo hoàn thiện thêm. Do là lần đầu tiên ở VN xây dựng luật Biểu tình nên trong quá trình chuẩn bị, xây dựng dự thảo luật này có nhiều ý kiến khác nhau.
Phó chủ nhiệm UB Pháp luật Lê Minh Thông từng nói trong một phiên thảo luận tổ rằng cái khó khi xây dựng luật là phải bảo đảm được vấn đề dân chủ, đồng thời bảo đảm an toàn an ninh quốc gia. Vì vậy, lùi để cân nhắc kỹ, làm thế nào để tạo điều kiện cho dân thể hiện được ý kiến của mình một cách văn minh, dân chủ, nhưng phải bảo đảm được ổn định xã hội.
Luật sư, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, một trong những ĐB theo đuổi vận động luật Biểu tình cho rằng luật này thế giới đã có từ cả trăm năm trước, VN không thể lạc hậu, chậm trễ ban hành. Việc chậm chưa ban hành luật cần phải có lời giải thích với cử tri.Quyết nhận BHXH một lần
Cũng tại phiên họp sáng nay, QH quyết định bổ sung vào chương trình của kỳ họp này nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động sau 1 năm nghỉ việc, thông qua theo quy trình tại một kỳ họp.
Qua thảo luận, có nhiều ĐB ủng hộ thêm sự lựa chọn để người lao động tự quyết định thời điểm hưởng BHXH, và cho rằng dù số người muốn nhận BHXH một lần là thiểu số, luật vẫn nên có quy định để tạo thuận lợi cho họ.
Nhưng cũng có nhiều ý kiến không đồng tình vì không muốn lặp lại câu chuyện của quyết định 176 năm 1989, nhiều người nghỉ hưu non "nhận một cục" sau đó lại trách nhà nước "vắt chanh bỏ vỏ" khi cuộc sống về già quá khó khăn do không có lương hưu.
Cũng theo nghị quyết vừa được các ĐB thông qua sáng nay với tỉ lệ 88,28% tán thành, trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 sẽ có nhiều dự thảo luật được biểu quyết như luật Tiếp cận thông tin; Quy hoạch; Báo chí (sửa đổi); luật về Hội; Tín ngưỡng, tôn giáo...
Trong năm 2016, QH sẽ cho ý kiến về các dự thảo luật Quốc phòng (sửa đổi); Công an xã; Chứng thực; luật về Máu và tế bào gốc; Đường sắt (sửa đổi); Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi);
Các luật Phòng, chống tham nhũng và Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước cũng sẽ được đem ra sửa đổi trong năm tới.
Chung Hoàng