"Đất nước Việt Nam qua các đời" có thể coi là một bức tranh tổng quan về địa lý hành chính, cương vực của nhà nước từ buổi sơ khai cho đến quá trình mở mang lãnh thổ và bảo vệ biên giới.
Cuốn sách Tám vị vua triều Lý của GS. Vũ Ngọc Khánh - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam, do Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa xuất bản, cung cấp thêm những hiểu biết về một trong những triều đại rực rỡ trong lịch sử nước ta.
GS. Vũ Ngọc Khánh chia sẻ, bạn đọc có thể thắc mắc, triều Lý trải qua 9 đời vua, vì sao cuốn sách này chỉ giới thiệu 8 vị? Cuối triều Lý còn có vị vua cuối cùng là Lý Chiêu Hoàng, nhưng vì bà chỉ ở ngai vàng có hai năm rồi thoái vị, nhường ngôi cho chồng, sau đó kết duyên với một người khác, sang họ khác nên lịch sử không xếp bà như các vị hoàng đế khác.
Trong cuốn sách Tám vị vua triều Lý, những thông tin về mỗi vị vua được giới thiệu cô đọng nhưng vẫn làm rõ công đức, sự nghiệp, ảnh hưởng của từng vị. Từ việc dời đô Hoa Lư ra Thăng Long của vua Lý Thái Tổ - Lý Công Uẩn; những chiến công hiển hách của vương triều Lý; các chính sách, chủ trương đoàn kết dân tộc, cai trị đất nước của các vị vua, đến những thành tựu về văn học nghệ thuật, tôn giáo, kiến trúc mà nhà Lý đã để lại, đều được đề cập.
Một điểm đặc sắc khiến cuốn sách trở nên hấp dẫn, phong phú hơn, sự nghiệp, công lao của các vị vua trở nên sáng rõ hơn, đó là những tài liệu bổ di (thêm vào những thiếu sót) phía sau thông tin về mỗi vị hoàng đế, gồm những câu chuyện, trang viết về các nhân vật liên quan mật thiết với các vị vua.
GS. Vũ Ngọc Khánh cho rằng, biết về vua Lý Thái Tổ mà không biết đến nhà sư Vạn Hạnh, biết vua Lý Thánh Tông mà không biết đến bà Ỷ Lan, biết vua Lý Thần Tông mà không biết đến Từ Đạo Hạnh… quả là thiếu sót.
Mỗi vị vua trong Lý Bát đế đều đóng góp công lao cho cơ đồ nhà Lý và dân tộc Việt Nam. Những tài liệu cung cấp trong cuốn sách được GS. Vũ Ngọc Khánh sưu tầm công phu, thể hiện bằng bút pháp tài năng là nguồn thông tin tham khảo giá trị, giúp bạn đọc tìm hiểu sâu sắc hơn về triều Lý, về lịch sử dân tộc.