Ông Nguyễn Hồng Khanh - Cựu Bí thư TX.Bến Cát, tỉnh Bình Dương liên tục gửi đơn kêu oan. Ảnh: Linh An

Theo hồ sơ,  trong các năm 2005 – 2008, bà Hồ Thị Hiệp (SN 1948, đã mất) vay của BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn hơn 78 tỷ đồng cho Công ty TNHH SXTM An Tây và 1 công ty khác do bà đại diện pháp luật. Tài sản đảm bảo là các quyền sử dụng đất hơn 23ha cùng với máy móc thiết bị được định giá hơn 80 tỷ đồng.

Cuối năm 2008, vì gặp khó khăn, bà Hiệp xin rút tài sản thế chấp là 2ha đất đứng tên Công ty An Tây để thế chấp vay 30 tỷ đồng từ ngân hàng khác. Khoản nợ này, Công ty An Tây mất khả năng chi trả, nên ngân hàng đã phát mãi tài sản để thu hồi nợ và ông Nguyễn Trung Kiên – Giám đốc Công ty Thiên Phát Lộc mua trúng đấu giá hơn 11,5 tỷ đồng.

Khoản nợ tại BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn của bà Hiệp cũng mất khả năng chi trả. Hai bên thoả thuận, phát mãi tài sản để đảm bảo thu hồi nợ.

Năm 2012, vợ chồng ông Khanh có nhu cầu và thông qua môi giới biết bà Hiệp có ý định bán khu đất đang thế chấp. Từ đó đến năm 2015, vợ chồng ông Khanh 4 lần mua, tổng cộng 18ha đất từ bà Hiệp. Những lần giao dịch, bà Hiệp tự liên hệ ngân hàng để giải chấp, mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã xoá thế chấp đến Văn phòng công chứng làm thủ tục mua bán.

Theo thoả thuận, ông Khanh chuyển tiền mua đất vào tài khoản ngân hàng của bà Hiệp và 1 phần đưa tiền mặt. Ngân hàng BIDV thu hồi hơn 10 tỷ đồng từ việc xử lý tài sản, và bà Hiệp nhận 4,3 tỷ đồng.

Các cơ quan tố tụng Bình Dương cho rằng, để che giấu việc thanh toán tiền mua bán tài sản đảm bảo trái pháp luật, các cán bộ ngân hàng và ông Khanh, Hiệp đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thấp hơn giá thực tế. Theo kết quả định giá, giá trị quyền sử dụng đất nói trên tại thời điểm xử lý tài sản thế chấp là hơn 45,7 tỷ đồng. Như vậy, sau 4 lần xử lý tài sản đảm bảo, phía ngân hàng bị thất thoát 35,7 tỷ đồng.

Sau khi bà Hiệp mất, tháng 10/2016, ông Nguyễn Hiệp Hoà (là con trai) tố cáo ông Khanh cùng 2 cán bộ ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn cấu kết với nhau, o ép bà Hiệp bán đất giá rẻ.

 Khu nhà và tài sản trên đất trong vụ án. Ảnh: Hồ sơ vụ án

Gần 2 năm sau, Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố ông Khanh cùng Nguyễn Huy Hùng (Giám đốc chi nhánh), Nguyễn Quang Lộc (Phó trưởng phòng quan hệ khách hàng doanh nghiệp của BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn) cùng về tội “Vi phạm quy định quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”.

Riêng 4 cán bộ Thị xã Bến Cát và xã An Tây bị cáo buộc có liên quan đến việc cấp giấy tờ cho 2ha đất đã được bán đấu giá thành công, cùng bị khởi tố tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ”, nhưng tách ra xử lý riêng.

Hai năm trước, TAND tỉnh Bình Dương xét xử sơ thẩm, tuyên phạt ông Khanh 10 năm tù, 2 cán bộ ngân hàng bị lần lượt 11 và 12 năm tù cũng về tội“Vi phạm quy định quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”. Sau phiên xử các bị cáo đều kêu oan.

Một năm sau, TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm, tuyên uỷ toàn bộ bán án sơ thẩm, chuyển hồ sơ để điều tra lại.

"Nhiều mâu thuẫn, chứng cứ phiến diện, thiếu căn cứ"

Từ khi xảy ra vụ án đến nay, cựu Bí thư Bến Cát Nguyễn Hồng Khanh liên tục kêu oan. Ông cho rằng, chuyện tổ chức nhân sự trong khoảng thời gian ông giữ cương vị Bí thư Thị xã Bến Cát khiến ông rơi vào vòng lao lý.

Đến nay, sau 2 năm điều tra lại, Công an tỉnh Bình Dương vẫn giữ nguyên quan điểm đề nghị truy tố ông Khanh cùng 2 cán bộ ngân hàng về tội danh trên.

Ngoài ra, khi điều tra bổ sung, Công an Bình Dương khởi tố thêm ông Nguyễn Trung Kiên – Giám đốc Công ty Thiên Phát Lộc, là người mua trúng đấu giá hơn 2ha đất, tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”. Nhóm cán bộ Thị xã Bến Cát và UBND xã An Tây cũng bị chuyển đổi cùng tội danh này.

Liên quan tới vụ án, TAND cấp cao và Viện KSND cấp cao từng chỉ ra những điều khá lạ lùng trong vụ án này.

Trước tiên, tố cáo của ông Nguyện Hiệp Hoà, cho rằng ông Khanh lợi dụng chức vụ, quyền hạn o ép mẹ mình phải chuyển nhượng đất với giá rẻ. Thời điểm ông Hoà tố cáo thì bà Hiệp đã qua đời, việc mua bán đã hoàn tất hơn 1 năm, và không đưa ra được bằng chứng sự o ép.

TAND cấp cao và Viện KSND cấp cao tại TP.HCM đã chỉ rõ nhiều bất thường trong vụ án "mua bán đất" mà cựu Bí thư Thị uỷ TX Bến Cát Nguyễn Hồng Khanh 

Nhân chứng là “cò đất” có khai, những lần dẫn ông Khanh đi xem đất, gặp bà Hiệp đều có mặt ông Hoà. Khi còn sống, bà Hiệp chưa từng khiếu nại, thậm chí bà đăng báo nhiều kỳ tìm kiếm khách mua, liên hệ ngân hàng làm thủ tục giải chấp, công chứng chuyển nhượng.

Các văn bản bà Hiệp gửi ngân hàng có nêu rõ: “trong suốt thời gian vừa qua, tôi đã cố gắng tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng, nhưng do tình hình bất động sản đóng băng, có rất nhiều người bán, nhưng lại có rất ít người mua, giá mua lại rất thấp. Hiện nay chỉ có một đối tác là ông Nguyễn Hồng Khanh mua được giá cao nhất so với những người trước đó”.

Cấp phúc xử thẩm cho rằng, lời khai của “cò đất” mâu thuẫn với nội dung tố cáo của ông Hoà. Đây là tình tiết quan trọng, xác định bản chất vụ án nhưng Cơ quan CSĐT chưa cho đối chất, thu thập chứng cứ không đầy đủ, vi phạm tố tụng…

Hay việc ông Hoà tố ông Nguyễn Hồng Khanh cấu kết với cán bộ ngân hàng, ông Khanh xác nhận không biết phía ngân hàng. 2 cán bộ ngân hàng có bút lục lời khai thể hiện, không quen biết với ông Khanh.

Cấp phúc thẩm nêu rõ, việc cáo buộc ông Khanh cùng 2 cán bộ ngân hàng gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước là không phù hợp, vì trường hợp này là tài sản thế chấp, tài sản của cá nhân bà Hiệp, không liên quan đến tài sản Nhà nước. 

Theo hồ sơ vụ án, hợp đồng thế chấp giữa bà Hiệp với ngân hàng là "thế chấp quyền sử dụng mà không giao tài sản". Đại diện BIDV tham gia tố tụng cũng khẳng định: “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Hồ Thị Hiệp thế chấp tại ngân hàng không phải là tài sản của ngân hàng”

Ông Nguyễn Hồng Khanh chia sẻ “tôi mua bán hợp pháp như bao người dân ở đất nước này mua đất đang thế chấp ngân hàng. Nếu có vi phạm pháp luật nào liên quan đến hoạt động tín dụng hay quản lý ngân hàng, tài sản Nhà nước thì là quan hệ pháp luật riêng, không liên quan đến tôi.

Tôi là nạn nhân của vụ việc có tính tư thù cá nhân, bị một nhóm người áp đặt, vu oan cho tôi. Tôi đề nghị cơ quan Trung ương vào cuộc, chỉ đạo điều tra, làm rõ vụ án, trả lại sự trong sạch cho người vô tội, tránh gây oan sai và xử lý hành vi vi phạm của những người lạm quyền, coi thường pháp luật”.