Ngày 27/12, Tòa án quân sự Trung ương mở phiên tòa phúc thẩm, xét xử vụ án “bảo kê” xăng lậu xảy ra tại một số đơn vị thuộc Cảnh sát biển Việt Nam. Phiên tòa được mở do hai bị cáo kêu oan, kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm là cựu Đại tá Nguyễn Thế Anh, cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Kiên Giang và em họ Nguyễn Văn An.
Ông Thế Anh là một trong 9 người kháng cáo tại đại án bảo kê buôn xăng lậu, liên quan một loạt cựu quan chức Cảnh sát biển.
Tại tòa, ông Thế Anh cùng em họ Nguyễn Văn An là hai người bất ngờ thay đổi nội dung kháng cáo từ kêu oan sang xin giảm nhẹ hình phạt. Ông Thế Anh thừa nhận cầm tiền của trùm xăng lậu Phan Thanh Hữu.
Trong phiên thẩm vấn chiều nay, cho rằng bị cáo Thế Anh đưa ra những "lý luận mâu thuẫn, không hướng đến việc nhận tội", HĐXX đã cho các bị cáo đối chất. Cựu chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Kiên Giang khai nói quen ông Hữu từ tháng 2/2020, còn ông Hữu khai quen trước đó 9 năm, tức 2011.
Về số tiền bị cáo buộc nhận hối lộ, ông Thế Anh khai không nhớ rõ bao nhiêu lần nhưng "chỉ khoảng 120.000 USD" (chừng 2,7 tỷ đồng), chứ không phải 560.000 USD và 6,2 tỷ đồng (khoảng 19 tỷ đồng) như VKS cáo buộc.
"Bị cáo nói lại số tiền đi", HĐXX truy vấn. "Chỉ 120.000 USD", ông Thế Anh đáp và cho hay trước đó có vài lần khai 240.000 USD nhưng con số này không chính xác. Ông giải thích thời gian đó "có nhiều lý do tác động nên buộc phải khai khác".
Về động cơ nhận tiền, cựu Đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang nói không nhận tiền trực tiếp mà qua bị cáo An đưa, nói ông Hữu "gửi quà". Ông Thế Anh một mực khẳng định không thỏa thuận giúp đỡ, "bảo kê" cho hoạt động buôn xăng lậu của ông Hữu, cũng "không đòi hỏi gì".
Tuy nhiên, về vấn đề này, HĐXX phân tích: "Bị cáo là cán bộ cao cấp, trực tiếp làm việc trong lĩnh vực đấu tranh phòng chống tội phạm, hiểu biết rất rõ về pháp luật, giờ một người xa lạ tự nhiên đưa một số tiền lớn mà lại nhận, nói không nhằm mục đích gì. Bị cáo nhận tiền mà không suy nghĩ gì thì có thấy hợp lý không?".
Hơn nữa, trong phiên toà, HĐXX cũng công bố một số bút lục về lời khai của ông Thế Anh từ năm 2021, thể hiện bị ông Hữu "mua chuộc, lôi kéo bảo kê" vào làm ăn phi pháp.
Giải thích về bức tâm thư vừa được công bố, bị cáo Thế Anh tiếp tục khẳng định "có nhiều lý do tác động đến nên phải làm việc đó, bị ép buộc viết". Tuy nhiên, sau đó không đưa ra được bằng chứng về điều này.
Trả lời chất vấn VKS về các cuộc gọi điện thoại với ông Hữu, ông Thế Anh nói không nhớ vì bận nhiều việc. "Nhiều khi nhầm máy, có thể bị cáo thấy người ta gọi nên gọi lại, còn nội dung làm sao bị cáo nhớ được".
Theo ông Thế Anh, nếu ông Hữu buôn lậu xăng dầu từ nước ngoài qua Campuchia không bao giờ phải qua đường biển Kiên Giang mà đi thẳng TP.HCM vì thuận tiện và quãng đường cũng rút ngắn nhiều. Do đó, không có lý do gì, ông phải đưa tiền để "bảo kê".
Được HĐXX gọi lên bục nhân chứng, ông Hữu khai chi tiền cho Thế Anh từ khoảng tháng 9/2019. "Tháng nào cũng chi đầy đủ nhưng mức khác nhau. Tôi nhớ có lần đưa 20.000 USD", nhân chứng này trả lời và cho hay do tuổi già, thời gian đã lâu, thời tiết Hà Nội lạnh giá đã ảnh hưởng đến sức khỏe và trí nhớ.
Theo HĐXX, trong giai đoạn điều tra, ông Hữu ban đầu khai đưa bị cáo Thế Anh tổng 600.000 USD và 10 tỷ đồng. Sau đó qua nhiều lần khai báo, ông Hữu cho rằng nhiều lần thông qua ông Nguyễn Văn An để biếu 560.000 USD và 6,2 tỷ đồng, đều là tiền mặt.
Phản ứng trước thông tin này, ông Thế Anh nói, ông Hữu "khai sai", khẳng định chỉ nhận "ít lần, thi thoảng". Còn theo HĐXX cho hay: "Theo pháp luật, 2 lần trở lên là nhiều rồi".
Bị cáo Nguyễn Văn An được cách ly để đảm bảo lấy lời khai khách quan. Trở lại phòng xử, ông Nguyễn Văn An thừa nhận có "vài lần" đi gặp ông Hữu để nhận tiền về cho ông Thế Anh.
Ông Nguyễn Văn An khai chỉ đến nhận, không biết ông Hữu là ai. "Tôi nhận khoảng 1-2 tháng một lần chứ không phải tháng nào cũng đi nhận", bị cáo An nói và cho biết không biết, không nhớ tổng số tiền đã nhận.
Phiên tòa tiếp tục vào lúc 7h30 ngày mai (28/12).