Với giới công nghệ Việt Nam, Ngô Minh Hiếu (hay còn được biết đến với biệt danh Hieupc) đã không còn là cái tên quá xa lạ. Anh từng được biết đến với tư cách một hacker, khi đứng sau một trong những hệ thống bán danh tính người dùng lớn nhất từng tồn tại.
Trang web Superget[.]info do hacker này tạo ra đã bán thông tin cá nhân của hơn 200 triệu người Mỹ. Tên tuổi Hieupc từ đó cũng được biết đến như một trong những hacker gây tổn thất tài chính cho nhiều người Mỹ nhất từ trước đến nay với khoảng 200 triệu người bị ảnh hưởng.
Sau quãng thời gian dài phải trả giá cho những lỗi lầm của mình, giờ đây Hieupc đã trở về nước, làm lại cuộc đời và trở thành một chuyên gia an ninh mạng.
Theo thông tin VietNamNet mới nhận được, cựu hacker Ngô Minh Hiếu mới đây đã thành lập một đơn vị pháp nhân là Công ty TNHH doanh nghiệp xã hội Chống lừa đảo (Công ty Chống lừa đảo).
Doanh nghiệp xã hội này được cấp giấy phép hoạt động vào ngày 22/11/2021, có địa chỉ hoạt động tại thành phố Thủ Đức (TP.HCM) với người đại diện pháp luật là ông Ngô Minh Hiếu.
Thông tin về Công ty Chống lừa đảo của Hieupc. |
Công ty TNHH doanh nghiệp xã hội Chống lừa đảo là bước phát triển tiếp theo của Chống lừa đảo - dự án phi lợi nhuận được Ngô Minh Hiếu cùng nhiều người bạn phát triển từ tháng 12/2020.
Sản phẩm của dự án này là ChongLuaDao - một công cụ được cung cấp dưới dạng app và tiện ích mở rộng (add-on) trên các trình duyệt phổ biến như Chrome, Cốc Cốc, Brave, Kiwi Browser. Chức năng của công cụ này là cảnh báo cho người dùng về độ an toàn của các website cũng như tài khoản mạng xã hội.
Các sản phẩm của Công ty Chống lừa đảo bao gồm ứng dụng và tiện ích giúp kiểm tra, cảnh báo khi người dùng truy cập website, mạng xã hội. |
Đến thời điểm hiện tại, tiện ích Chống lừa đảo đã có hơn 37.000 người sử dụng trên Chrome và khoảng 2.000 người sử dụng trên các trình duyệt khác. Ứng dụng Chống lừa đảo cũng có hơn 3.000 người sử dụng trên Android.
Ngoài ra, công ty này còn đang vận hành Bot Messenger để người dùng kiểm tra mức độ an toàn hay độc hại của một website bằng cách chat trên nền tảng nhắn tin của Facebook. Tính đến nay, đã có 4.300 website bị đưa vào blacklist của Công ty Chống lừa đảo.
Trao đổi với VietNamNet, ông Ngô Minh Hiếu cho biết, Công ty TNHH doanh nghiệp xã hội Chống lừa đảo là một doanh nghiệp xã hội, tức được tạo ra vì mục đích phi lợi nhuận.
Theo ông Hiếu, từ trước đến nay, nhóm sáng lập dự án Chống lừa đảo vẫn phải hỗ trợ lẫn nhau để duy trì dự án, bên cạnh những nguồn kinh phí tài trợ bên ngoài. Với Công ty Chống lừa đảo, kinh phí hoạt động của doanh nghiệp này sẽ đến từ nguồn hỗ trợ của các mạnh thường quân.
“Nhóm đã rất may mắn khi nhận được sự hỗ trợ về giấy tờ và pháp lý từ TimeBit Law - một công ty luật ở Hà Nội. Ngoài ra còn phải kể tới sự hỗ trợ về server từ Vietnix.”, cựu hacker Hieupc chia sẻ.
Cựu hacker Ngô Minh Hiếu (Hieupc). |
Công ty Chống lừa đảo sẽ không có nhân sự toàn thời gian, thay vào đó, các lập trình viên của dự án là đội ngũ cộng tác viên hoạt động bán thời gian tùy theo từng đầu việc.
Theo ông Hiếu, mỗi thành viên của Công ty đều có công việc riêng, không có sự ràng buộc, tuy nhiên mọi người tham gia vì muốn đóng góp công sức bảo vệ cộng đồng. Mong muốn của đội ngũ sáng lập là phát triển, nâng cấp ứng dụng Chống lừa đảo trên Android và iOS để người dùng dễ sử dụng hơn.
Bên cạnh đó, những tiện ích Chống lừa đảo mới sẽ tiếp tục được phát triển, tích hợp thêm công nghệ học máy (Machine Learning) để hỗ trợ và giúp người dân nâng cao nhận thức về việc đảm bảo an toàn thông tin, ông Hiếu chia sẻ.
Trọng Đạt
Hacker lừa đảo, chiếm đoạt tài khoản người dùng Zalo như thế nào?
Bằng một vài thủ đoạn lừa đảo kết hợp cùng việc lợi dụng lỗ hổng trên hệ thống, kẻ xấu có thể kiểm soát tài khoản Zalo của một người, nếu lừa được họ tin và click vào đường link lạ.