Để hàn gắn mối quan hệ không thể quên đi việc giải quyết hậu quả chiến tranh, trong đó có vấn đề chất độc màu da cam mà ông đóng vai trò tích cực, theo ông Chuck Hagel, hai nước đã đạt được những tiến bộ đáng kể nào?
Tôi có nhiều năm gắn bó với vấn đề này ở Hoa Kỳ khi tôi được bổ nhiệm làm Phó cục trưởng Cục Cựu chiến binh trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Ronald Reagan vào năm 1981 và giữ chức vụ đó với tư cách là người thứ hai trong Cục.
Đây không chỉ là về vấn đề sức khỏe của các cựu chiến binh Mỹ, mà còn là những gì đã xảy ra ở Việt Nam và hậu quả do chất độc da cam gây ra mà người Việt Nam phải hứng chịu.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel |
Tôi đã có bất đồng lớn với Cục trưởng vào thời điểm đó do họ từ chối tài trợ cho các nghiên cứu tiếp theo về chất độc da cam, tôi đã xin từ chức. Sau đó, tôi trở thành chủ tịch của Quỹ giải quyết hậu quả chất độc da cam. Đó là vào thời điểm đầu những năm 1980 và là vụ dàn xếp ngoài tòa án lớn nhất của bất kỳ doanh nghiệp nào ở Hoa Kỳ. Đã có 6 nhà máy sản xuất chất độc da cam đồng ý với thỏa thuận chi trả 250 triệu USD cho việc lập một tài khoản để giúp đỡ các nạn nhân và gia đình họ.
Khi giữ cương vị Bộ trưởng Quốc phòng, tôi đã thúc đẩy giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Nhưng tôi rất tự hào về cách mà cuối cùng phía Mỹ đã nhận ra những hậu quả và thiệt hại nghiêm trọng ở Việt Nam mà chất độc da cam đã gây ra cho cả lính Mỹ và nhân dân Việt Nam.
Việt Nam bảo đảm cân bằng ở khu vực
Để hai nước có được quan hệ như bây giờ là nhờ vào công của rất nhiều thượng nghị sĩ của các thế hệ trước. Thưa ông John Kerry, chúng ta có cần có những nhà chính trị gia trẻ hiểu hơn và có thể phát triển mối quan hệ giữa hai nước hay không?
Chúng ta rất cần điều này. Việt Nam ngày nay có một vai trò rất quan trọng trong khu vực. Đúng là có những căng thẳng hiện nay trên Biển Đông giữa các nước với Trung Quốc. Nhưng bên cạnh đó, có những lợi ích chiến lược lớn hơn đối với khu vực mà Việt Nam hoàn toàn có thể phát huy vai trò trong việc đảm bảo cân bằng cán cân quyền lực.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry |
Tôi hài lòng khi thấy Ngoại trưởng Mike Pompeo đưa ra những bình luận mạnh mẽ về vấn đề Biển Đông. Việt Nam và Hoa Kỳ đã và đang hợp tác theo những cách chúng ta chưa từng tưởng tượng trước đây. Và rõ ràng trong thương mại, chúng ta có cơ hội để thực hiện một số bước tiến rất quan trọng sau này.
Nước Mỹ không muốn thống trị, nhưng chúng tôi cũng sẽ không để người khác làm được điều này. Chúng tôi muốn các quốc gia phải được tôn trọng về sự độc lập. Các quốc gia cần sự tự do để có thể phát triển nền kinh tế, làm những việc mình muốn mà không sợ bị áp bức hay bắt nạt. Điều quan trọng, theo tôi, đó là việc chúng ta phải hiểu rõ các quy tắc chung.
Theo ông, Việt Nam có vai trò như thế nào trong mối quan hệ giữa Mỹ - Trung hiện nay và làm thế nào để cân bằng?
Tại khu vực luôn thường trực những căng thẳng, và các đường biên giới cần phải được phân định cẩn thận. Tầm nhìn của Mỹ trong vấn đề này là muốn các bên cùng hợp tác với nhau, từ đó tìm ra các phương cách nhằm củng cố quan hệ các nước trong khu vực.
Điều này, theo tôi, cần có sự hợp tác về kinh tế, chính trị, văn hóa, ngoại giao và còn cần sự tôn trọng lẫn nhau, hợp tác trong hoà bình để xoá bỏ những khác biệt, chứ không phải bất kỳ hành động đơn phương nào khác.
Chắc chắn chúng ta có nhiều cách để làm được điều đó. Việc vấn đề có thể được giải quyết không liên quan đến việc chúng ta có lý hay không, mà xuất phát từ việc chúng ta có sẵn sàng để trở nên có lý và biết điều.
Quân sự hóa Biển Đông là hành động thiếu suy nghĩ
Trung Quốc đã xây dựng trái phép các đảo nhân tạo, quân sự hóa các đảo này thuộc quần đảo Trường Sa, ông thấy điều này có ảnh hưởng, tác động gì đến thế giới, thưa ông John Kerry?
Điều này rất tiêu cực. Tôi nghĩ, việc quân sự hoá các đảo tại Biển Đông là một hành động thiếu suy nghĩ.
Dù đây là hành động với tham vọng khẳng định yêu sách chủ quyền tại Biển Đông, nhưng tôi đảm bảo với bạn rằng, chúng tôi sẽ không bao giờ công nhận nó. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì các cuộc diễn tập về tự do hàng hải.
Còn ông Hagel, ông suy nghĩ thế nào?
Mối quan hệ Mỹ - Trung khác biệt với mối quan hệ Việt Nam cũng giống như quan hệ Việt - Mỹ tách biệt hẳn với Trung Quốc. Nhưng chúng ta cũng có mối quan hệ Mỹ - Việt - Trung Quốc, cũng như mối quan hệ các nước châu Á, các nước ở Biển Đông, liên kết thương mại, hay tất cả những gì đang diễn ra tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tốt hơn hết là các nước cùng nhau công nhận mối quan hệ song phương giữa các nước, đồng thời xem xét xem cách nào để hoà hợp trong một bối cảnh chung rộng hơn. Theo tôi, thương mại chính là nhân tố giúp các nước có thể làm được điều đó. Tất nhiên thương mại chỉ là một mặt, nó không phải là một giải pháp cho tất cả.
Tự do hàng hải cũng cực kỳ quan trọng, hay như sự tôn trọng đối với mỗi quốc gia, tôn trọng quyền của mỗi quốc gia và các vấn đề của họ. Bằng công cụ ngoại giao, chúng ta có thể xử lý được việc này, chứ không phải thông qua quân đội, hải quân, không quân hay bất cứ quân lực nào để chống lại nhau.
Ông John Kerry và ông Chuck Hagel |
Tôn trọng sự khác biệt
Theo ông Hagel, những trở ngại nào có thể làm tổn hại đến mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ hiện nay và sau này?
Tôi nghĩ bất cứ khi bạn hợp tác với một quốc gia nào, bạn cần hiểu được lợi ích của họ, mối quan tâm của họ là gì, lợi ích của họ là gì, để bạn không biến những khác biệt đó trở thành trở ngại. Việc bạn cần làm là hãy hành động và giải quyết những sự khác biệt.
Một chính phủ, một quốc gia không thể áp đặt suy nghĩ của mình và kiểu chính phủ của mình lên các quốc gia khác được. Người dân mỗi nước đều có ý kiến riêng của họ. Người dân Việt Nam có ý kiến khác, người Mỹ cũng vậy. Do vậy, bằng công cụ ngoại giao, tôi nghĩ sẽ giúp điều hoà những sự khác biệt để không khiến nó trở thành vật cản trong quan hệ các nước. Bạn phải tôn trọng sự khác biệt và chấp nhận nó.
Nếu để định nghĩa cho tương lai hai nước, các ông sẽ nói và hành động như thế nào?
Ông John Kerry: “Cùng nhau chúng ta sẽ chinh phục tương lai”. Tôi chọn câu này là bởi không có nước nào có thể tự thực hiện điều này một mình. Chẳng có cách nào có thể giải quyết các vấn đề của thế giới ngoại trừ việc chúng ta phải hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau.
Giữa hai nước chúng ta, xa xưa đó là chiến tranh. Nhưng như lời của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, Đại sứ Lê Bàng và nhiều người khác từng nói cần nhìn nhận Việt Nam như một đất nước, chứ không phải tên một cuộc chiến.
Hiện nay, người Mỹ đến Việt Nam và ngược lại ngày càng nhiều. Rất nhiều hàng hóa từ Việt Nam được nhập khẩu sang Mỹ. Sự hợp tác về giáo dục cũng trở nên đáng chú ý với chương trình Fulbright.
Mối quan hệ về giáo dục của hai nước không chỉ đơn thuần diễn ra ở Mỹ, nơi có rất nhiều du học sinh Việt Nam theo học, mà còn diễn ra ngay tại Việt Nam, nơi có trường đại học mà sinh viên Việt Nam có thể tiếp cận nền giáo dục Hoa Kỳ ngay tại quê nhà và được giảng dạy bởi các giáo viên Mỹ bản địa. Điều này đang thực sự gắn kết chúng ta với nhau.
Ông Chuck Hagel: Tôi sẽ chọn câu “Hãy làm điều đúng đắn”.
Để phát triển, tôi nghĩ nên tiếp tục đẩy mạnh các lĩnh vực mà hai nước cùng hợp tác, các dự án chung, hợp tác vì lợi ích chung, mở rộng giao thương, tăng cường các chuyến thăm tàu quân sự, các cuộc tập trận chung và mở rộng hợp tác trong lĩnh vực ngoại giao, trao đổi về giáo dục giữa các trường đại học, các sinh viên Việt Nam du học tại Mỹ và ngược lại. Ngoài ra, chúng ta nên có nhiều hơn nữa các chương trình giao lưu nhân dân, làm tăng sự hiểu biết về khu vực và tầm quan trọng của khu vực.
Bùi Chí Trung (Giảng viên cao cấp Viện Đào tạo báo chí và Truyền thông, Đại học KHXH&NV quốc gia) - Trần Quang Huy (Chuyên gia truyền thông xã hội)
Kỳ 1: Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ với ký ức Việt Nam theo suốt cuộc đời
45 năm sau chiến tranh và 25 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, hai cựu thượng nghị sĩ - Chuck Hagel (cựu Bộ trưởng Quốc phòng) và John Kerry (cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ) có những chia sẻ.