Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án sai phạm xảy ra tại Dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi giai đoạn 2, đại diện VKS đề nghị HĐXX cho cựu TGĐ VEC Mai Anh Tuấn được hưởng án treo.
Sáng 26/6, phiên tòa xét xử phúc thẩm 10 bị cáo trong vụ án sai phạm xảy ra tại Dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi giai đoạn 2 tiếp tục với phần tranh luận.
Trình bày quan điểm luận tội, đại diện VKS cho rằng, các bị cáo đã không thực hiện đúng quy định của chủ đầu tư, chưa đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình… gây thiệt hại nghiêm trọng. Trong vụ án này, trách nhiệm chính thuộc về các bị cáo là chủ đầu tư, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công…
Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo của 10 bị cáo, đại diện VKS đưa ra quan điểm: Các bị cáo đều thành khẩn khai nhận, ăn năn hối cải, có nhân thân tốt. Họ dù có sai phạm nhưng không tư lợi cá nhân, chỉ là người làm công ăn lương và cũng đã cam kết khắc phục hậu quả vụ án.
Trong đó, bị cáo Mai Tuấn Anh (cựu TGĐ VEC) đã nộp 300 triệu đồng để bồi thường, khắc phục hậu quả. Bị cáo có thêm tình tiết giảm nhẹ mới, phía VEC cũng có đơn xin cho bị cáo được hưởng án treo… nên đại diện VKS đề nghị HĐXX ghi nhận, áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ, chấp nhận kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo.
Đại diện VKS đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm tuyên phạt cựu TGĐ VEC 36 tháng tù treo. Trước đó, ông Mai Tuấn Anh bị tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt 42 tháng tù về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Liên quan đến vụ án, ông Nguyễn Văn Thuật (cựu GĐ Ban điều hành liên danh của nhà thầu thi công Gói thầu A1) và Nguyễn Thiên Nam (cựu GĐ chất lượng của nhà thầu thi công Gói thầu A1) cũng được đại diện VKS đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo, giảm cho 2 bị cáo này từ 6 - 9 tháng tù so với án sơ thẩm.
Đối với các bị cáo còn lại, đại diện VKS cho rằng, hầu hết họ đã khắc phục hậu quả nhưng không đáng kể. Do đó, đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm bác kháng cáo của những người này.
Liên quan tới vụ án, 5 nhà thầu kháng cáo do không đồng ý với bản án sơ thẩm khi buộc họ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho VEC số tiền 460 tỷ đồng.
Xét kháng cáo của các nhà thầu, đại diện VKS đưa ra quan điểm, hạng mục công trình không đảm bảo chất lượng, lẽ ra không được nghiệm thu, thanh toán. Nếu không sửa chữa được thì phải thi công lại để đảm bảo chất lượng. Ở đây, việc sửa chữa các điểm hỏng hóc không mang tính triệt để, có thể phải sửa đi sửa lại nhiều lần.
Do đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm bác kháng cáo của các nhà thầu. Tuy nhiên, theo đại diện VKS, hành vi của các bị cáo trong vụ án là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại, vì vậy cần dành cho các nhà thầu thi công quyền yêu cầu các bị cáo và những người có liên quan là chủ đầu tư, các nhà tư vấn giám sát… phải bồi thường.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Tập đoàn Posco cho biết, đơn vị kháng cáo và đề nghị hủy án sơ thẩm để làm rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các bên liên quan… Theo Posco, tuyến đường vẫn đang vận hành, khai thác bình thường, đặc biệt là đoạn đường của gói thầu A5.
Liên quan đến gói thầu A5, theo phía Posco, không có hư hại nghiêm trọng xảy ra trên mặt đường, mà chỉ có một số lỗi nhỏ, nhưng đã khắc phục trong thời gian ngắn, đảm bảo giao thông bình thường.
Đại diện của Tập đoàn Sơn Đông (Trung Quốc) cũng cho rằng, đoạn đường liên quan đến gói thầu A2 vẫn hoạt động bình thường.
Thi công gói thầu A3, đại diện Tập đoàn Giang Tô (Trung Quốc) đề nghị hủy một phần trách nhiệm dân sự, tách ra giải quyết trong vụ án khác vì phương pháp giám định, số liệu trong kết luận giám định không khách quan dẫn đến cách tính thiệt hại chưa đúng…