Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vừa thông báo, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân dịp Quốc khánh 2/9, đặc biệt trong các ngày từ 29/8 đến 3/9, đơn vị đã tổ chức chạy tăng cường hàng chục đôi tàu trên các tuyến.

Theo đó, trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, Tổng Công ty tiếp tục tổ chức chạy thường xuyên 12 đôi tàu gồm: SE1/SE2, SE3/SE4, SE5/SE6, SE7/SE8, SE11/SE12 (Sài Gòn - Hà Nội), SE21/SE22 (Sài Gòn - Đà Nẵng), SNT1/SNT2 (Sài Gòn - Nha Trang), SPT1/SPT2 (Sài Gòn - Phan Thiết), SE19/SE20 (Hà Nội - Đà Nẵng), HĐ1/HĐ2, HĐ3/HĐ4 (Huế - Đà Nẵng), NA1/NA2 (Hà Nội - Vinh).

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tổ chức chạy thêm 1 đôi tàu SE9/SE10 trên tuyến Hà Nội – TP.HCM và ngược lại; hàng chục đôi tàu từ ga Sài Gòn đến các ga Nha Trang, Quy Nhơn, từ Nha Trang đến Đà Nẵng, từ Hà Nội đến Quảng Bình, Lào Cai, Hải Phòng… 

W-Ga tau.jpg
Hành khách có thể mua vé tàu ở “cây” bán vé tự động tại các điểm du lịch. Ảnh: Chí Hiếu

Cụ thể:

Tuyến TP.HCM - Quy Nhơn, chạy thêm tàu SE29, SE30, tuyến TP.HCM - Nha Trang, chạy thêm tàu SNT4, SNT5, SNT7, SNT8 và SNT12; tuyến Nha Trang - Đà Nẵng, chạy thêm tàu SE41, SE42; tuyến Hà Nội - Đồng Hới, chạy thêm tàu QB1, QB2 và tàu SE17. 

Khu vực phía Bắc, tuyến Hà Nội - Lào Cai, chạy thêm tàu SP7, SP8, tuyến Hà Nội - Thanh Hoá, chạy thêm tàu TH1, TH2, tuyến Hà Nội – Vinh, chạy thêm NA3, NA4; tuyến Hà Nội - Hải Phòng, tổ chức chạy thêm các tàu LP9, LP10, HP3, HP4 và tàu HD2 xuất phát ga Hải Dương.

Theo thống kê, tính đến 12h trưa ngày 23/8  đã bán gần 66 ngàn vé, chủ yếu từ Hà Nội và TP.HCM đi các tỉnh ngày 30/8, 31/8 và về ngày 3/9. 

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam khuyến cáo, hành khách có nhu cầu mua vé có thể truy cập vào các trang web của ngành đường sắt, qua ứng dụng ví điện tử hoặc app bán vé tàu trên thiết bị di động…

Hành khách cũng có thể liên hệ trực tiếp tại các nhà ga, sử dụng “cây” bán vé tự động tại nhiều điểm du lịch, hoặc qua đại lý bán vé thuộc ngành đường sắt…

Trong dịp cao điểm này, đường sắt vẫn duy trì áp dụng chính sách giảm giá vé khứ hồi lượt về từ 5%-7% và giảm giá cho các đối tượng chính sách xã hội: Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, người cao tuổi, học sinh, sinh viên, đoàn viên công đoàn…

Để tránh những trường hợp trễ tàu đáng tiếc, đảm bảo quyền lợi của hành khách khi đi tàu, ngành đường sắt khuyến cáo hành khách mang theo giấy tờ tùy thân khớp với thông tin trên vé.

Theo đó, để làm thủ tục lên tàu nhanh nhất, hành khách cần mang theo vé điện tử hoặc vé giấy và giấy tờ tùy thân bản chính, trẻ em mang theo giấy khai sinh. Hành khách được giảm giá theo đối tượng chính sách xã hội cần mang theo giấy tờ chứng minh. Cụ thể, sinh viên mang theo thẻ sinh viên, thương bệnh binh mang theo thẻ thương binh, đoàn viên công đoàn mang theo thẻ đoàn viên…

Hành khách nên có mặt ở ga trước giờ tàu chạy từ 30 phút đến 1 giờ. Khi nhà ga thông báo mở cửa, hành khách vào ga và lên đúng chuyến tàu, số toa, số chỗ của mình để tránh nhỡ tàu; đi tàu mang theo hành lý nhỏ gọn, mỗi vé hành khách mang không quá 20kg và tự trông coi bảo quản.

Ngoài ra, để tránh mua phải vé tàu điện tử giả, hành khách nên truy cập vào website ngành đường sắt, tích mục "kiểm tra vé"; sau đó nhập đầy đủ các thông tin trên vé tàu vào như mã vé, mác tàu, ga đi, ga đến, ngày đi, số giấy tờ và nhấn "kiểm tra vé".

Nếu hiển thị "vé điện tử của bạn hoàn toàn hợp lệ" thì hành khách sử dụng vé để đi tàu bình thường. Nếu hiển thị "không tìm thấy vé điện tử phù hợp" thì hành khách liên hệ nhà ga hoặc tổng đài để được hỗ trợ.