Để góp phần cải thiện và nâng cao mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, những năm qua, huyện Minh Hóa đã cụ thể hóa, triển khai nhiều chương trình, dự án ưu tiên giảm nghèo của Đảng, Nhà nước cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Qua đó góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao dân trí, đời sống vật chất cũng như tinh thần cho đồng bào, rút ngắn dần khoảng cách giữa các khu vực, vùng miền.

Để thực hiện công tác giảm nghèo một cách hiệu quả và bền vững, huyện Minh Hóa cũng triển khai đồng bộ các giải pháp mang tính căn cơ, khuyến khích, vận động đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức, xóa bỏ dần các hủ tục lạc hậu kéo lùi sự phát triển, tự thân vượt khó thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. 

images790909_nghe.jpg
Các lớp đạo tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật sản xuất thu hút đông đảo người dân tham gia

Trong đó, phải kể đến hiệu quả của các chính sách nhằm hỗ trợ sinh kế cho bà con, như: Thường xuyên mở các lớp đào tạo nghề, việc làm phù hợp với nhu cầu thực tiễn; tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất trên cơ sở “cầm tay chỉ việc”; tạo điều kiện để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp…Từ thực tế, thông qua các chương trình hỗ trợ sinh kế, ý thức của đồng bào đã chuyển biến rõ rệt, không còn trông chờ, ỷ lại mà cố gắng vươn lên làm chủ cuộc sống.

Đi vào hoạt động từ tháng 8/2023, Bang Onsen Spa&Resort luôn nỗ lực tạo điều kiện, ưu tiên để bà con Lệ Thủy, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số Bru-Vân Kiều ở các xã: Kim Thủy, Ngân Thủy, Lâm Thủy có việc làm và thu nhập ổn định.

Hiện tại, có khoảng 40 đồng bào dân tộc thiểu số được đơn vị tuyển dụng, đào tạo và ký hợp đồng dài hạn, trong đó, có nhân sự được bổ nhiệm chức vụ quản lý, giám sát, trưởng bộ phận…

Khi vào làm tại đây, bà con tiếp tục được tập huấn, bồi dưỡng, trau dồi các kỹ năng, kiến thức về nghiệp vụ du lịch và được tích cực hỗ trợ trong suốt quá trình làm việc. Đồng bào dân tộc thiểu số rất chịu thương chịu khó, cần cù, chăm chỉ, am hiểu văn hóa địa phương nên hoàn thành tốt công việc và được du khách đánh giá cao. Với mức thu nhập trung bình từ 5,5 triệu đồng/tháng/người, bà con yên tâm làm việc và nỗ lực trau dồi, nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn.

Trong khi đó, năm 2018, gia đình anh Đinh Vộ, bản Khe Rung (người đồng bào Ma Coong thuộc dân tộc Bru-Vân Kiều) ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch đã được hỗ trợ 2 con lợn rừng lai để tạo sinh kế. Bằng sự tìm tòi, học hỏi của bản thân cùng sự hướng dẫn, hỗ trợ của các cán bộ có chuyên môn về kỹ thuật chăn nuôi, từ 2 hai con lợn ban đầu, gia đình anh đã phát triển đàn lợn lên từ 15-20 con/năm.

Mỗi năm, gia đình anh bán lợn chủ yếu cho bà con trong xã, với mức giá 4-5 triệu đồng/con, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Từ những thành công bước đầu trong chăn nuôi lợn, thời gian tới, anh sẽ mở rộng trang trại để nuôi thêm gà bản địa, có giá trị kinh tế, góp phần tạo thương hiệu cho nông sản địa phương.

Là cán bộ thú y xã, anh cũng hỗ trợ tiêm vắc-xin phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi của bà con trên địa bàn, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho các hộ dân. Bên cạnh đó, hỗ trợ con giống cho bà con có nhu cầu nuôi lợn, phát triển sản xuất.

“Để có được những kết quả như ngày hôm nay, tôi rất cảm ơn cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã luôn quan tâm, có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số. Với trách nhiệm của một người đảng viên, tôi sẽ luôn nỗ lực hết mình, sáng tạo, tìm tòi để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình, tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm của mình để hỗ trợ bà con cùng chăn nuôi, sản xuất, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, góp phần giảm nghèo tại địa phương”, anh Đinh Vộ nói.