Gia đình anh Phạm Xuân Quang (thôn Hòa An, xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) thuộc diện hộ cận nghèo. Để tạo việc làm bền vững cho người dân, chính quyền hỗ trợ anh tham gia lớp học nghề, tập huấn mô hình khuyến ngư và hỗ trợ kinh phí để mua sắm ngư cụ đánh bắt hải sản.

Nhờ được hỗ trợ, anh có việc làm, có sinh kế, đưa về cho gia đình mức thu nhập mỗi ngày từ 120.000-300.000 đồng. Thậm chí mức thu nhập này còn tăng gấp đôi nếu thời tiết thuận lợi, cá nhiều. Hai vợ chồng cùng chăm chỉ, vợ anh buôn bán thêm, nhờ đó, gia đình anh thoát cận nghèo, cuộc sống bớt phần bấp bênh như trước.

Tại thị xã Sông Cầu, trong 3 năm gần đây, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên mở 19 lớp nghề cho 316 học viên, trong đó có nhiều học viên là người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo như anh Quang. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu việc làm của các doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện để người lao động có việc làm ổn định là nhiệm vụ giảm nghèo tại địa phương này. 

Cùng với đào tạo nghề, Trung tâm cũng phối hợp các đơn vị tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động, đào tạo nghề; kết nối thông tin, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp với nhu cầu tìm việc của người lao động. 

Tại tỉnh Phú Yên, thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, bên cạnh thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, trao sinh kế (hỗ trợ cây, con giống...) nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững tạo việc làm thường xuyên thì phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững (Dự án 4) là hoạt động rất thiết thực giúp hộ nghèo vươn lên.

Thực hiện Dự án 4, tỉnh tiến hành thu thập dữ liệu "việc tìm người - người tìm việc" tại 29 đơn vị với 7.880 người được thu thập thông tin. Trong số này, gần 25% (gần 2.000 người) là lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Hàng trăm lao động được hỗ trợ tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm.

Sở LĐTB&XH cũng tổ chức 35 phiên giao dịch việc làm tại các xã, cụm xã trên địa bàn tỉnh; tăng cường phổ biến thông tin thị trường lao động, hỗ trợ kết nối việc làm phù hợp. 

W-giam ngheo.jpg
Nhiều người lao động tìm được sinh kế, việc làm bền vững sau khi được hỗ trợ đào tạo nghề, vươn lên thoát nghèo. 

Toàn tỉnh hiện có 19 cơ sở đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung bình mỗi năm đào tạo từ 8.000-10.000 học viên, sinh viên với nhiều ngành nghề khác nhau. Nhờ được đào tạo nghề đúng nhu cầu, tiếp cận xu hướng và phù hợp định hướng thị trường cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, người lao động tại tỉnh này càng có thêm nhiều lựa chọn. Trung bình mỗi năm trên 24.000 lao động được giải quyết việc làm. Trong đó, mỗi năm có thêm trên 4.400 lao động được tạo việc làm mới.

Năm 2024, tỉnh Phú Yên đặt ra chỉ tiêu phấn đấu giải quyết việc làm cho 25.500 lao động, trong đó, tạo việc làm mới tăng thêm 5.000 lao động, đưa 450 người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Vốn vay ưu đãi tới tay hộ nghèo

Ngoài đào tạo nghề, tạo môi trường, cơ hội tìm kiếm thông tin, kết nối giao dịch việc làm, để giải quyết chiều thiếu hụt về việc làm, tỉnh cũng chủ trương hỗ trợ người dân vay vốn để tạo việc làm. 

Một trong những nhóm đối tượng được ưu tiên Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội Phú Yên cho vay vốn ưu đãi là người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, nhất là người lao động là dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp...

Gia đình chị Nguyễn Thị Hiệu ở khu phố Nam Bình 1, phường Hòa Xuân Tây, thị xã Đông Hoà, là hộ nghèo. Chị được tạo điều kiện vay vốn tín dụng ưu đãi 50 triệu đồng để mua 2 con bò đực về nuôi trong năm 2024. Nguồn sinh kế mới đang phát triển thuận lợi, giúp chị tạo thêm việc làm, có thêm niềm tin về nguồn vốn tích luỹ để thoát nghèo bền vững.

Thuộc diện hộ nghèo nhiều năm, gia đình chị H’ Mon Ni Ê, ở xã Ea Bar (huyện Sông Hinh) được Hội Phụ nữ và Hội Nông dân xã vận động kinh phí, hỗ trợ một cặp dê nái. Sau thời gian nuôi, thấy hiệu quả kinh tế nên chị Ni Ê vay thêm 80 triệu đồng từ nguồn tín dụng ưu đãi để tăng đàn. Đến nay, đàn dê nhà chị tăng lên 17 con.

Vươn lên nhờ sinh kế giảm nghèo, chị có điều kiện sửa sang lại căn nhà theo tiêu chí 3 cứng: nền cứng, tường cứng và mái cứng, kiên cố, vững chãi. Gia đình chị đã xin ra khỏi hộ nghèo, nhường sự giúp đỡ, hỗ trợ lại cho các hộ khó khăn hơn.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên 300 tỷ đồng, hỗ trợ giải quyết việc làm cho gần 6.500 lao động. Tính đến nay, chi nhánh đã cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng, giải quyết việc làm cho hơn 26.300 lao động. Trong đó, 30 người đi xuất khẩu lao động được cho vay hơn 1,7 tỉ đồng. 

Tín dụng chính sách và các giải pháp hỗ trợ việc làm bền vững đã giúp kéo giảm tỷ lệ nghèo đa chiều tại Phú Yên. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 3,22%. Năm 2024, địa phương phấn đấu giảm 0,85% tỷ lệ hộ nghèo.