Năm 2016, Apple quyết định ra mắt mẫu iPhone tầm trung đầu tiên – iPhone SE. iPhone SE được nhiều người chờ đợi nhờ mức giá hợp lý (400 USD), chụp ảnh và quay phim đẹp, nhỏ hơn các smartphone khác đang bán trên thị trường. Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là iPhone SE sử dụng chip A9 tối tân có mặt trên iPhone 6S và 6S Plus cao cấp.
Từ đó tới nay, Apple là công ty duy nhất “dám” đưa chip đời mới lên điện thoại bình dân. iPhone SE (2020) là smartphone bán chạy thứ 8 năm 2021, vì vậy, có thể khẳng định chiêu thức của CEO Tim Cook đã được đền đáp.
Người dùng Apple hưởng lợi không nhỏ từ quyết định này của “táo khuyết”. iPhone SE đời đầu vẫn hoạt động khá tốt dù đã ra mắt được hơn 6 năm. Máy có thể chạy hệ điều hành iOS mới nhất và nằm trong danh sách Apple hỗ trợ. Không có lý do gì để iPhone SE (2020) và iPhone SE (2022) không đi theo lộ trình như vậy (cập nhật phần mềm trong vòng 5-6 năm và hoạt động tốt trong dài hạn).
Mới đây, Google cũng đã học tập Apple khi giới thiệu Google Pixel 6A, trang bị chip cao cấp cho một thiết bị tầm trung. Cụ thể, Pixel 6A dùng chip Tensor do Google tự phát triển. Tensor xuất hiện lần đầu trên hai flagship Pixel 6 và Pixel 6 Pro năm 2021. Đây là thành tựu phần cứng lớn nhất của Google trong lịch sử. Dù còn đi sau Apple A15 Bionic về hiệu suất, Tensor vẫn nhanh và thông minh hơn so với hầu hết các con chip tầm trung khác.
Điều này đặt ra câu hỏi vì sao Samsung, một tên tuổi lớn trên thị trường di động, lại chưa có động thái nào tương tự. Tháng 4 năm nay, “ông lớn” công nghệ Hàn Quốc trình làng Galaxy A53 (5G) với nhiều tính năng hấp dẫn. A53 (5G) sở hữu màn hình 120Hz, pin khủng 5.000mAh. Nhược điểm duy nhất là máy dùng chip Exynos 1280, tương đương Snapdragon 778G của năm ngoái (đã dùng trên Galaxy A52 5G) và chắc chắn không thể theo kịp chip của iPhone SE (2022) và Pixel 6A.
Theo các bài kiểm tra hiệu chuẩn Geekbench 5 và Antutu 9, chip Exynos 1280 kém hơn 135% về hiệu suất CPU và gần 100% về hiệu suất GPU so với chip A15 Bionic. So với Tensor, nó kém hơn tương ứng 50% và 75%. Người dùng Galaxy A53 trên các diễn đàn Reddit, Twitter và XDA Forums cũng báo cáo hoạt động chậm và giật trong quá trình sử dụng như khi cuộn màn hình, mở máy ảnh, chụp ảnh…
Dù cùng tầm giá với iPhone SE hay Pixel, Galaxy A53 lại không thể mượt như hai đối thủ. Đó là một điều đáng lo ngại. Một con chip tốt sẽ ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh khác trong trải nghiệm smartphone, đặc biệt là máy ảnh. Nhờ Tensor, Google Pixel 6 có thể chụp ảnh đẹp hơn nhiều smartphone bình dân khác, trong khi nhờ A15 Bionic, iPhone SE quay phim trong điều kiện sáng yếu tốt hơn các điện thoại Android cùng phân khúc.
Với các lý do nêu trên, đã đến lúc Samsung trang bị chip đời mới cho các mẫu smartphone tầm trung của mình.
Du Lam (Theo PhoneArena)
Sau Apple, đến lượt Samsung cắt giảm sản lượng smartphone năm nay?
Trước áp lực của lạm phát, chiến tranh và khủng hoảng bán dẫn, Samsung được cho là sẽ cắt giảm sản lượng smartphone trong phần còn lại của năm 2022.