Tại 23 tỉnh, thành phố miền Nam, tổng các chính sách hỗ trợ 17,75 nghìn tỷ đồng (chiếm 80% toàn quốc) hỗ trợ 16,8 triệu đối tượng (chiếm 69,5% toàn quốc). Riêng Thành phố Hồ Chí Minh đã chi 10,13 nghìn tỷ đồng hỗ trợ 9,41 triệu lượt đối tượng.

Một số địa phương có tổng kinh phí hỗ trợ cao là Bình Dương (1.965 tỷ đồng), Hà Nội (1.641,7 tỷ đồng), Đồng Nai (1.143,8 tỷ đồng), Bà Rịa - Vũng Tàu (986 tỷ đồng).

{keywords}
 

Về kết quả triển khai nghị quyết số 116/NQ-CP, Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg, các địa phương đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho 428.894 lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 111.212 người đã dừng tham gia với tổng số tiền hỗ trợ là 1.251 tỷ đồng. Tổng số tiền đã chi trả là 999,5 tỷ đồng cho 425.117 người lao động.

Thực hiện hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, về cơ bản đã hoàn thành xong việc xác định số giảm đóng cho 363.300 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 9,676 triệu lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm đóng (từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022) khoảng 7.594,6 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 05 Quyết định xuất cấp tổng cộng 137.090 tấn gạo hỗ trợ cho trên 2,41 triệu hộ với gần 9,14 triệu nhân khẩu ở 31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bị thiếu đói do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Theo báo cáo của các địa phương, có 2.184 trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong đó có 2.084 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ, 41 trẻ mồ côi cả cha và mẹ. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh có 1.426 trẻ em mồ côi.

Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã phối hợp với 27 tỉnh, thành phố hỗ trợ 7,83 tỷ đồng cho 1.541 trẻ em mồ côi mất cha, mẹ do Covid-19 (mức 5 triệu đồng/trẻ em) và 124 trẻ em sơ sinh là con của sản phụ bị nhiễm Covid-19 (mức 1 triệu đồng/trẻ em).

Tại Hội nghị giao ban trực tuyến với các địa phương đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/QĐ-TTg và triển khai Nghị Quyết 126/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 diễn ra ngày 15/10, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đề nghị các địa phương trong thời gian tới cần quan tâm đến một số đối tượng chưa tiếp nhận được chính sách như: Lực lượng lao động bị chấm dứt hợp đồng, tạm hoãn hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, không được hưởng lương; Một số đối tượng lao động tự do ở các địa phương đã được chính quyền cho vào đối tượng nhưng chưa được hưởng chính sách; Quan tâm đến gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, triển khai nhóm chính sách về đào tạo, đào tạo lại người lao động…

Phương Mai