Tôi xuống xe taxi đi bộ thì thấy mấy cảnh tượng không đẹp của khách vãng lai: Do thiếu chỗ “giải quyết nỗi buồn” mà họ đã quá đà, "tự nhiên" trút ngay "nỗi buồn” đó xuống các gốc cây, khe tường rào.
Hôm chủ nhật mới đây, một nhóm bạn có mời tôi đến phố Bắc Sơn uống bia hơi. Do là ngày nghỉ, người dân ở các địa phương đổ về phố Ngọc Hà đông đến dễ sợ.
Lý do tắc đường cũng thật đơn giản: Con phố này tuy không chật lắm nhưng nếu dành cho 2 làn xe 45 chỗ đỗ chờ khách thì lối đi còn lại sẽ quá nhỏ, khiến cho lưu lượng xe và người qua đây kín đặc cả một quãng phố gây kẹt cứng.
Do tắc đường và nghĩ không thể chờ lâu hơn dù đoạn đường chỉ có vài trăm mét, tôi hy vọng đi bộ sẽ thoát nhanh hơn. Tôi xuống xe taxi đi bộ thì thấy mấy cảnh tượng không đẹp của khách vãng lai: Do thiếu chỗ "giải quyết nỗi buồn" mà họ đã quá đà, "tự nhiên" trút ngay"nỗi buồn” đó xuống các gốc cây, khe tường rào. Bảo vệ, trật tự viên ở đây khá nhiều, song vì đang tắc đường nên có lẽ buộc họ phải tập trung hết vào việc kia quan trọng hơn mà không thể trách họ được. Thật không thể chấp nhận!
Thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Vnexpress |
Khi đến, thấy bạn bè đang ngồi chờ , tôi buộc phải xin lỗi mọi người và kể lại câu chuyện trông rất thiếu văn minh nọ. Anh Trần Hùng, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ( Ban 389) như được "gãi đúng chỗ ngứa" nên đã nói luôn:
Nhà tôi cũng ở gần đây nên tôi rất hiểu chuyện này. Có thể nói, đây là một trong những khu vực rất đông du khách quốc tế và trong nước khi đến Hà Nội. Nếu du khách tinh ý, họ có thể tìm chỗ đi vệ sinh ở trong khu vực nói trên. Nhưng nhiều người tới đây, do không nắm được đặc điểm khu này thiếu nhà vệ sinh ở phía gần đường nên đã chủ quan, lúc ra ngoài để lên xe ra về thì mới lúng túng không biết "giải quyết "thế nào cái chuyện tế nhị nói trên . Vậy là mới sinh chuyện chẳng hay gì...
Anh Trần Hùng đã phát hiện ra chuyện này và cũng đã đôi lần tranh thủ nói với những vị có trách nhiệm của thành phố Hà Nội. Theo anh, chính quyền Quận Ba Đình, nơi quản lý địa bàn hai phố Lê Hồng Phong và Ngọc Hà nên mở cuộc vận động người dân (chủ yếu là các quán ăn, giải khát và kinh doanh khác) trong 2 con phố trên hưởng ứng chủ trương cho du khách vào nhà mình đi vệ sinh miễn phí kiểu như ở Đà Nẵng họ đã làm và làm tốt.
Làm được như vậy, khu vực này sẽ rất vệ sinh , tạo nên môi trường tốt cho một nơi tôn nghiêm khỏi bị ô nhiễm. Nhà nước sẽ dành một khoản kinh phí hàng tháng chu cấp cho các gia đình tình nguyện"mở cửa"như vậy. Tiếc thay, ý tưởng này của anh có lẽ cũng không được ai quan tâm...
Tôi được biết, năm 2013, Ban Quản lý chỉnh trang đô thị Hà Nội đã có dự án đề xuất với lãnh đạo thành phố Hà Nội cho phép đặt hàng thiết kế và thi công nhà vệ sinh công cộng (VSCC) bằng chất liệu thép không gỉ ở một số điểm được coi là "quan trọng" nhằm phục vụ du khách và người dân, có lấy tiền dịch vụ. Song, ý tưởng này của cơ quan tham mưu đã bị dư luận phản ứng bởi giá thành đưa ra quá cao (với kinh phí có đến cả tỷ đồng cho một nhà VSCC) khiến lãnh đạo chính quyền thành phố chưa dám chuẩn y.
Theo như tính toán hồi đó thì dự án này sẽ tạm lắp đặt thử nghiệm 14 nhà VSCC với mức đầu tư khái toán gần 15 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 1,17 tỷ đồng, chi phí thiết bị là 11,3 tỷ đồng, các chi phí khác là hơn 2,5 tỷ đồng.
Bộ mặt Thủ đô chúng ta rồi sẽ đẹp lên và văn minh đô thị cũng sẽ được nâng lên. Nó có thể được bắt đầu từ những đề xuất đó của mọi người dân được thành phố tiếp thu nếu họ có những kế sách hay, mang tính tích cực vì một thành phố văn minh , xanh, sạch, đẹp...
Tại thành phố Đà Nẵng, cách đây một năm, sau một thời gian rất ngắn vận động, đến nay, đã có gần trăm đơn vị là các khách sạn, ngân hàng, nhà hàng, quán cà phê trên địa bàn quận Hải Châu hưởng ứng. "Dấu hiệu" để du khách biết điểm phục vụ thân thiện về nhà vệ sinh miễn phí này là logo "Thoải mái như ở nhà" được dán ngay trước cổng các nhà hàng, khách sạn...
Tôi thì nghĩ đơn giản hơn, tại sao Đà Nẵng, một mảnh đất được xem là thành phố đáng sống của Việt Nam họ đã làm được thì cớ gì Hà Nội vốn rất thanh lịch của chúng ta từ xa xưa tại sao lại không làm được?
Quốc Phong