Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ ngành Công Thương năm 2023 diễn ra tại Hà Nội vừa qua, đại diện Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng cho biết, trong năm 2023, Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp có hiệu quả.
Nổi bật là trong công tác quy hoạch, xây dựng và triển khai các đề án, chiến lược của ngành; trong việc triển khai các chính sách, giải pháp, phát triển công nghiệp hỗ trợ phát triển Nhà máy thông minh, trong tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại nằm trong chuỗi Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu, hội nhập kinh tế quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện giải pháp tiêt kiệm năng lượng theo Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2023 của Bộ Công Thương; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, thanh toán không tiền mặt, kết nối doanh nghiệp xuất khẩu với giải pháp thương mại điện tử xuyên biên giới, tham gia triển lãm các gian hàng số, ứng dụng và nhân rộng mô hình Chợ 4.0...
Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trên các lĩnh vực công đã được triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả, góp phần tích cực trong quá trình khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Đà Nẵng còn một số khó khăn và vấn đề đặt ra cần được xem xét, giải quyết để có được sự chuyển biến thực chất, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Đáng chú ý, trong lĩnh vực phát triển dịch vụ logistics, việc triển khai các dự án thành lập các trung tâm, khu hậu cần dịch vụ logistics đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thu hồi đất, đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo quỹ đất sạch để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư, vì các dự án trên không thuộc các trường hợp thu hồi đất theo quy định tại Điều 62 của Luật Đất đai hiện hành.
Việc nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách để hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics còn lúng túng vì thiếu cơ sở pháp lý từ Trung ương. Mặc dù thành phố Đà Nẵng định hướng logistics là một trong những lĩnh vực mũi nhọn cần tập trung phát triển nhưng những hạn chế về nền tảng pháp lý và thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ đã ảnh hưởng đến sự phát triển lĩnh vực này trong thời gian qua.
Để góp phần tháo gỡ, giải quyết những khó khăn nêu trên, Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng kiến nghị Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics, trong đó quy định rõ khái niệm cụ thể, rõ ràng, thống nhất về "trung tâm logistics", "hạ tầng logistics", "dịch vụ logistics" phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế, nhất là khái niệm đang phổ biến trên thế giới về loại hình này. Qua đó, thúc đẩy phát triển các loại hình dịch vụ logistics với vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong phát triển thương mại và xuất nhập khẩu, phân phối hàng hóa, dịch vụ; nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp.
Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng kính đề nghị Bộ Công Thương sớm tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng trong lĩnh vực công thương (hạ tầng cụm công nghiệp, hạ tầng thương mại..), để có cơ sở thực hiện công tác quản lý, khai thác tài sản công theo đúng quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.