Một người bạn của tôi kể, mấy ngày trước anh về quê thăm mộ tổ tiên ở Thanh Hóa thì lập tức người ta đến dán bảng “Nhà có người từ Hà Nội về” ở cổng vì cho rằng, anh mang virus về làng. Một số nơi ở Thanh Hóa thậm chí lập lán trại để cách ly người dân về từ vùng khác nhân dịp Tết.

Thanh Hóa, nơi nổi danh với việc chính quyền cơ sở cấp thôn bản, thậm chí cấp huyện xã, về việc khóa cửa, nhốt người về từ vùng dịch, không phải là địa phương duy nhất tiến hành các biện pháp  chống dịch cực đoan, cản trở người dân về quê sau 1 năm chia cắt do dịch bệnh.

Tình hình đáng lo đến mức, Bộ Y tế, thêm một lần nữa, ra văn bản đề nghị các địa phương không cách ly người về quê đón Tết. Theo bộ này, hiện nay tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tại các tỉnh, thành phố đã đạt tỷ lệ cao: Người từ 18 tuổi trở lên được tiêm 1 mũi đạt 100%, tiêm đủ 2 mũi đạt 95,6%, tiêm mũi 3 đạt 18,6%; trẻ em (12-17 tuổi) tiêm mũi 1 đạt 94,1%, tiêm đủ 2 mũi đạt 82,2%.

Bình tĩnh chống dịch, khôi phục kinh tế 

Ở góc độ quốc gia, chúng ta vẫn đang lưỡng lự với việc mở cửa lại hoàn toàn để đón khách du lịch quốc tế, cũng như đồng bào, không chỉ trong dịp Tết này.

“Hội thảo thống nhất lộ trình mở cửa du lịch quốc tế” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức gần đây là sự kiện cực kỳ đáng quan tâm. Việt Nam đã đóng cửa sớm nhất, từ cuối tháng 3/2020 để chống dịch, và chính sách này kéo dài đến gần đây. Liệu chúng ta sẽ mở cửa lại muộn nhất hay sao?

{keywords}
 

Tại hội thảo trên, TS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock nói tha thiết, sẽ rất lãng phí nếu người dân Việt Nam đã tiêm vắc xin Covid-19 mà chỉ ngồi yên. Nếu kéo dài việc này 2-3 năm nữa có thể xoá sổ ngành du lịch, vì vậy bà kỳ vọng du lịch sẽ chính thức mở cửa sớm hơn giai đoạn dự kiến 30/4 và không còn là thí điểm. "Việt Nam đang ở giai đoạn đỉnh cao của miễn dịch cộng đồng, vì vậy cần tận dụng thời gian này để mở cửa", bà nói.

Từ chỗ chậm tiếp cận vắc xin chống Covid-19 hồi giữa năm 2021, đến nay chúng ta đã tiến đến vị trí thứ 6 trên thế giới về tỷ lệ tiêm chủng. Vậy hiệu quả của việc tiêm chủng ở đâu nếu nhiều địa phương vẫn tiếp tục các biện pháp chống dịch cực đoan như trước?

Chợt nhớ đến lời tâm sự của Thủ tướng Phạm Minh Chính được báo chí đăng tải tại hội nghị tổng kết 2 năm Việt Nam đảm nhiệm cương vị ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Thủ tướng cho biết, vào thời điểm chưa có vắc xin, chưa có thuốc, chưa hiểu nhiều về virus gây bệnh Covid-19, chúng ta đã phải dùng biện pháp hành chính để chống dịch.

Khi thực hiện chiến lược vắc xin, trong đó có ngoại giao vắc xin, thì từ tháng 8/2021 mới có 300.000 liều vắc xin, tới tháng 10 đã có 42 triệu liều và tới nay đã có gần 210 triệu liều. 

“Chúng ta đã vận động tích cực để các nước, đối tác nhượng lại, mua, vay… Nói chung là làm tất cả biện pháp để có vắc xin. Báo cáo bác Khiêm (nguyên Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm - PV), lúc đó không sĩ diện gì hết, miễn có vắc xin”, Thủ tướng chia sẻ. 

Theo Thủ tướng, ngay khi có vắc xin, tích lũy được kinh nghiệm, Việt Nam đã lập tức chuyển đổi trạng thái chống dịch sang thích ứng linh hoạt, an toàn và kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh. 

“Lúc đó, ý kiến khác nhau nhiều lắm, rồi nghi ngờ không biết đi đến đâu, như thế nào nhưng chúng ta đã giữ bản lĩnh, tiếp tục ngoại giao vắc xin. Đến nay, chúng ta đã có 210 triệu liều, là một trong số ít nước đạt độ phủ vắc xin rất cao. Cho tới lúc này, kết quả cho thấy việc chuyển đổi trạng thái chống dịch là đúng. Giờ đây, chúng ta bình tĩnh chống dịch và khôi phục kinh tế, xã hội”, ông nói. 

Câu chuyện này cho thấy, để có 210 triệu liều vắc xin là nỗ lực không biết mệt mỏi, thậm chí “không sĩ diện” của Thủ tướng, của các nhà ngoại giao, của cộng đồng quốc tế.

Nếu các tỉnh tiếp tục đóng, nếu đường bay quốc tế không được nối lại, thì chúng ta phủ nhận những nỗ lực đó hay sao? Và bao giờ mới mở lại cửa?

Chấm dứt cực đoan

Ngân hàng Thế giới (WB), trong báo cáo mới nhất “Không còn thời gian để lãng phí” nhận xét, cách tiếp cận “Không Covid-19” của Chính phủ đã bị quá tải sau đợt bùng phát dịch bắt đầu từ tháng 4/2021, dẫn đến giai đoạn giãn cách kéo dài và những tổn thất kinh tế nặng nề.

Sự dè dặt về chính sách đã góp phần dẫn đến thực tế là, khác với năm 2020, Việt Nam không còn đi tiên phong trong việc xử lý tác động của Covid-19 đối với nền kinh tế so với các quốc gia láng giềng.

Trong 1 năm mà kinh tế phục hồi ở hầu hết các quốc gia so sánh, thì Việt Nam phải vật lộn với giai đoạn đóng cửa kéo dài ở các trung tâm kinh tế lớn của đất nước - TP.HCM và Hà Nội.

Điều này dẫn đến GDP giảm trên 6% trong quý 3 và làm chệch quá trình phục hồi kinh tế diễn ra mạnh mẽ trong nửa đầu năm. 

Tăng trưởng GDP năm 2021 ước đạt 2,58%, thấp hơn 4,2 điểm phần trăm so với dự báo WB đưa ra hồi tháng 12/2020. Ngược lại, Indonesia, Philippines và Malaysia đều dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn Việt Nam trong năm 2021. 

Đóng cửa nhà máy và thực hiện giãn cách xã hội cũng dẫn đến tổn thất lớn về việc làm và gia tăng khó khăn cho các hộ gia đình. Các đợt giãn cách vào quý 3/2021 gây ảnh hưởng đến khoảng 28,2 triệu lao động, trong đó khoảng 2,5 triệu người bị mất việc làm và tỷ lệ thất nghiệp tăng kỷ lục lên mức 3,7%. Thu nhập thực tế bình quân của người lao động bị giảm 12,6% trong quý 3 so với cùng kỳ năm trước. 

WB ghi nhận, nỗ lực tiêm vắc xin đã tạo điều kiện cho Chính phủ chuyển từ chính sách “Không Covid-19” với các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt và tổn thất kinh tế nghiêm trọng nhằm giảm thiệt hại về người, sang chính sách “Sống chung với Covid-19”, theo đó nền kinh tế được mở cửa trở lại trong khi vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch tễ. 

Câu chuyện bạn tôi trải qua hi vọng sẽ được chấm dứt tới đây, khi người dân về nghỉ Tết. Chúng ta đã tiêm đủ, đã học sống “thích ứng và an toàn”, đã cá nhân hóa trách nhiệm chống dịch khi người lây virus đã được ở nhà thay vì bị đưa đi cách ly tập trung, thì cần tránh các biện pháp hành chính cực đoan từng được đưa ra khi chưa có vắc xin. 

Nhận thức là quá trình, và quá trình đã kéo dài đủ lâu.

Tư Giang