Hóa đơn điện tử xăng dầu đang trở thành điểm đột phá của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này giữa bối cảnh chuyển đổi số đang trở thành vấn đề cốt lõi của các doanh nghiệp.

Petrolimex tiên phong triển khai hóa đơn điện tử

Theo báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 của Tổng Cục Thuế, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chính là đơn vị đầu tiên của ngành này triển khai hóa đơn điện tử (từ ngày 1/1/2018 theo Nghị định 51/2010/NĐ-CP và nay là Nghị định 123/2020/NĐ-CP). Qua 6 năm triển khai, việc áp dụng hóa đơn điện tử đem lại cho Petrolimex rất nhiều lợi ích.

448020570_987785363351127_2658440086593413024_n.jpg
Cây xăng Vũ Lâm, Vũ Lễ, Bắc Sơn, Lạng Sơn triển khai hóa đơn điện tử. Ảnh: Nam Phương

Cụ thể: Thứ nhất, giảm thời gian cho việc lập và gửi hóa đơn cho khách hàng; khắc phục các rủi ro mất, cháy, hỏng… hóa đơn. Thứ hai, doanh nghiệp tiết kiệm các chi phí so với hóa đơn giấy như chi phí máy in, mực in; chi phí vận chuyển, bảo quản, lưu trữ… Thứ ba, hóa đơn sau khi lập đảm bảo tra cứu ngay tại cơ quan thuế; giảm thiểu các thủ tục hành chính về chứng minh xuất xứ hàng hóa, đảm bảo sự minh bạch trong kinh doanh xăng dầu.

Đáng chú ý, từ ngày 1/7/2023, Petrolimex đã chính thức triển khai hóa đơn điện tử từng lần bán hàng trên toàn bộ khoảng 2.700 cửa hàng xăng dầu của Petrolimex trên toàn quốc, sử dụng công nghệ tự động, không có sự can thiệp của con người, số liệu chính xác minh bạch để đảm bảo cung cấp hóa đơn điện tử từng lần bán hàng cho khách hàng. Không có sự nhầm lẫn, không phải chờ đợi xuất hóa đơn, không có sự can thiệp của con người, hóa đơn điện tử đang biến lĩnh vực bán lẻ xăng dầu chuyên nghiệp trong mắt người dân.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, việc phát hành hóa đơn điện tử ngay sau từng lần bán khẳng định tính chuyên nghiệp của Petrolimex trong tổ chức điều hành, quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu. Với gần 2.700 cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc, việc áp dụng hóa đơn điện tử đã đảm bảo tính minh bạch, chính xác, an toàn và hiệu quả; đồng thời, thể hiện vai trò tiên phong đáp ứng các yêu cầu về quản lý, phát hành và sử dụng hóa đơn theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.

Chuyển đổi số không phải là khẩu hiệu

Thực tế, trong thời gian qua việc bán lẻ xăng dầu đã có nhiều thay đổi. Người mua không cần sử dụng tiền mặt mỗi khi thanh toán, hóa đơn được lập điện tử và ngay sau mỗi lần bơm. Theo đại diện Tập đoàn Petrolimex, không chỉ tiên phong trong việc triển khai hóa đơn điện tử, Petrolimex còn hỗ trợ các thương nhân nhận quyền (TNNQ) thực hiện việc phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng. 

Cụ thể, Petrolimex đã áp dụng một số chính sách hỗ trợ như: tặng máy tính đọc dữ liệu cột bơm; tặng phần mềm tích hợp cột bơm với hệ thống hóa đơn điện tử; hỗ trợ đàm phán với các đơn vị cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử có chính sách ưu đãi đơn giá lập hóa đơn; đặc biệt một số khách hàng lớn Petrolimex có chính sách tặng cột bơm xăng dầu. Giá trị gói hỗ trợ cao nhất lên đến 100 triệu đồng/Cửa hàng xăng dầu (CHXD).

Theo đại diện Petrolimex, hết quý I/2024, Petrolimex đã hỗ trợ được khoảng 150 TNNQ. Những TNNQ chưa triển khai được gói hỗ trợ, Petrolimex đã chỉ đạo Công ty Cổ phần Tin Học Viễn Thông Petrolimex (Piacom) xây dựng phần mềm miễn phí hỗ trợ TNNQ đáp ứng yêu cầu về thời gian theo quy định của cơ quan thuế. Sau khi triển khai hạ tầng xong sẽ chính thức sử dụng kết nối tự động lấy số liệu từ cột bơm sau mỗi lần bán hàng.

Ngoài ra, Petrolimex đã triển khai gói hỗ trợ khách hàng là TNNQ trong việc phát hành hóa đơn, qua đó đã lựa chọn được 667 TNNQ có hạ tầng (về cột bơm, đường truyền…) có thể đáp ứng được việc phát hành hóa đơn điện tử. Có thể thấy rõ, chuyển đối số nói chung, lĩnh vực bán lẻ xăng dầu nói riêng đang có những tác động mạnh mẽ tới các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Dễ thấy, sau những “lùm xùm” về câu chuyện chiết khấu hay thuế má khiến nhiều cửa hàng xăng dầu đã phải đóng cửa vì càng bán càng lỗ. Tính đến tháng 6/2024, số lượng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trên cả nước chỉ còn khoảng 8.000 thay vì 12.000 cửa hàng xăng dầu như 2 năm trước đó. Điều đáng nói, sự chuyển dịch và số lượng các doanh nghiệp xăng dầu đang rất khác nhau.

Cụ thể, nếu các doanh nghiệp bán lẻ giảm dần thì các doanh nghiệp đầu mối lại liên tục mở rộng hệ thống bán lẻ, như Petrolimex chưa tới 2 năm gần đây đã có thêm hơn 2.500 cửa hàng (nâng lên tổng số 5.500 cửa hàng), PVOIL cũng mở gần 1.000 cửa hàng, nâng mạng lưới lên gần 2.500 cửa hàng. Cùng với việc số hóa hoạt động bán hàng, quản lý và kiểm soát thì việc chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh năng lượng này đang nhận được sự khen ngợi của nhiều người.

Nam Phương