Loài cá quý hiếm có cái tên gợi sự tò mò ở miền Tây

Miền Tây là vùng đất có nhiều loài cá đặc sản. Trong đó, không thể không kể đến cá cóc - "cá cậu ông Trời" - loài cá ngay từ cái tên đã gợi sự tò mò, thú vị.

Cá cóc thường sống theo đàn, ở vực sâu, nước xoáy, trụ cầu, bến phà thuộc sông Tiền, sông Hậu. Gọi là cá “cậu ông trời”, nhưng cá cóc cũng có tên gọi mĩ miều khác là “mỹ ngư” bởi dáng vẻ đẹp đẽ của nó. Cá có dáng dấp hình thoi kéo dài, trên lưng có kỳ nhọn và bén như răng cưa. Cá cóc có thể được chế biến thành nhiều món ngon.

{keywords}
Cá cóc là đặc sản ở miền Tây (Ảnh: Dân Trí)

Trước đây cá cóc có rất nhiều. Nhưng do bị săn bắt vô độ nên hiện nay, cá cóc trở thành món đặc sản quý mà du khách không dễ gì có được dịp thưởng thức khi đến với vùng sông nước Nam Bộ. Nhiều người lo ngại “cậu ông trời” vùng sông nước có nguy cơ tuyệt chủng.

Bình hồ lô bằng gỗ, nặng 6 tấn độc nhất Việt Nam

Một nhóm nghệ nhân ở Quảng Nam đã cho ra đời một bình hồ lô bằng gỗ, nặng 6 tấn. Ông Trần Thu, trưởng nhóm nghệ nhân, cho biết trên Dân Trí, chiếc bình hồ lô này được tạo ra từ 2 khối gỗ nu xá xị (gù hương) nặng 10 tấn. Để hoàn thiện tác phẩm, nhóm 4 nghệ nhân thay phiên nhau thực hiện trong vòng 13 tháng với 1.058 ngày công.

Trên bình hồ lô gồm có 100 con chim, 1 bình hồ lô mẹ, 8 bình hồ lô con và các loại hoa quen thuộc là sen, hồng, mẫu đơn, tùng, cúc, trúc, mai. Đặc biệt, các hoa văn, chi tiết trên tác phẩm đều được chạm nổi vô cùng đẹp mắt, tinh tế. Trong đó, ở phần chính giữa bình hồ lô là phù điêu sen, quốc hoa của Việt Nam, bên cạnh có những quả trứng, như truyền tải truyền thuyết về Lạc Long Quân và Âu Cơ.

{keywords}
Bình hồ lô siêu khổng lồ (Ảnh: Dân Trí)

Theo ông Thu, ngoài công năng là vật trấn phong thủy, đây còn là tác phẩm nghệ thuật độc đáo mang đậm bản sắc Việt Nam. Tác phẩm hiện được trưng bày ở xã Thạch Vân, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.

Chè heo quay 'độc nhất vô nhị' ở Huế, thách thức tín đồ ẩm thực

Chè là món ăn quen thuộc với người Việt. Ở mỗi nơi, chè được chế biến theo nhiều cách khác nhau, đa dạng từ nguyên liệu đến hương vị. Trong đó, chè heo quay ở Huế là một món chè khiến nhiều thực khách e dè vì chè và thịt quay là hai món ngọt và mặn, không có sự liên quan. Song sự kết hợp tưởng chừng lạ lùng này lại sáng tạo nên một món ăn có hương vị độc đáo khiến ai thưởng thức cũng "gật gù" khen ngon.

Với nguyên liệu chính là bột lọc và thịt, để làm được món chè heo quay ngon, người chế biến cần có sự kỳ công, khéo léo. Có thể những người lần đầu thưởng thức chè heo quay không dễ dàng để hài lòng với thứ hương vị lạ lẫm nhưng khi đã quen rồi sẽ cảm thấy mê đắm thức quà vùng cố đô này.

Bó hoa dây tây, rau củ độc lạ, vừa ngắm vừa ăn

Thị trường quà tặng 8/3 năm nay sôi động với những bó hoa trái cây như bó hoa dâu tây kèm chocolate, giỏ hoa cherry, nho xanh, nho đen... trông rất lạ mắt. Mỗi bó hoa trái cây có giá từ 400.000 đồng đến hơn 3 triệu đồng.

{keywords}
Bó hoa dâu tây được xếp thành tên người nhận độc đáo. (Ảnh: Bó hoa trái cây HCM)

Ngoài ra, những bó hoa gồm nhiều loại rau củ quen thuộc như súp lơ, cà rốt, rau thơm, cải chip, mướp đắng... kết hợp cùng phụ kiện hoa tươi bắt mắt cũng được nhiều người lựa chọn. Những bó hoa rau củ giá dao động từ vài trăm đến cả triệu đồng.

Bất ngờ đào được củ sắn khủng, to dài như con trăn

Báo Dân Việt thông tin, trong lúc đi đào sắn để bán, một ông nông dân ở Sơn La đã đào được một củ sắn to như kích cỡ một con trăn với trọng lượng trên 10kg và có chiều dài hiếm thấy.

"Khi nhìn thấy củ sắn to bất thường, 2 bố con cẩn thận dùng cuốc, thuổng đào một cách thận trọng để xem chiều dài như thế nào. Càng đào, củ sắn càng vào sâu trong lòng đất. Phải mất khoảng nửa tiếng đồng hồ mới lấy được củ sắn lên khỏi mặt đất. Tôi dùng dao gạt đi lớp đất bám quanh và lấy điện thoại ra chụp để làm kỷ niệm. Sau đó, chúng tôi gọt vỏ và thái phơi khô để bán", ông Vừ A Súa (xã Nậm Ty, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) kể trên báo này.

Người dân cho biết, đây là giống sắn địa phương được bà con đồng bào Mông ở xã Nậm Ty trồng từ hàng chục năm trước. Để trồng và đào được 1 củ sắn khủng như ông Súa là điều thật sự rất hiếm thấy.

Cây xương rồng khổng lồ trong nhà cổ nổi tiếng nhất miền Tây

Cây xương rồng cao 12m, đường kính gốc hơn 45cm trong khuôn viên nhà cổ Bình Thủy (TP.Cần Thơ) đang thu hút rất nhiều du khách đến chiêm ngưỡng. Thân xương rồng có rất nhiều khía, gai, nổi u chai sần. Theo chủ nhân của cây xương rồng khổng lồ này, đây là cây xương rồng có xuất xứ từ Mexico và được trồng từ những năm 1960.

{keywords}
Cây xương rồng 60 năm tuổi trong khuôn viên nhà cổ Bình Thuỷ (Ảnh: Thiện Chí)

Nhà cổ Bình Thuỷ là điểm tham quan du lịch nổi tiếng ở Cần Thơ. Ðây là mẫu nhà cổ theo kiến trúc kiểu Pháp hiếm hoi còn sót lại nguyên vẹn miền Tây. Ngôi nhà cũng lưu giữ khá nhiều vật cổ với các bộ bàn ghế làm bằng đá cẩm thạch có xuất xứ từ Trung Quốc. Năm 2009, nhà cổ Bình Thủy đã được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Bạch mai cổ thụ có một không hai ở Bến Tre

Báo Người Lao Động thông tin, tại đình thần Phú Tự (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre), một bạch mai trổ hoa chi chít từ thân đến cành, tỏa hương ngào ngạt thu hút khách nhiều khách đến tham quan. Cây có tán rộng vài chục mét, vươn cao 14 m, xanh tốt, mọc thành cụm dày với khoảng 50 thân lớn nhỏ.

Theo ông Đoàn Vĩnh An, người đang quản lý cây di sản này, cây bạch mai này là cây độc nhất vì không thể nhân giống chiết ghép được. Khi chiết ngang nhánh như bao loại cây khác thì không ra rễ, còn cây con thì dứt khoát không mọc ra.

Lão bạch mai thọ nhất trên đất Nam Bộ này đã gắn liền với lịch sử khẩn hoang mở đất của tỉnh Bến Tre. Đến nay, người dân ở đây vẫn không biết số tuổi thật của bạch mai. Con số hơn 300 tuổi là lấy mốc ngày khai hoang lập địa. Chưa rõ cây bạch mai này do người dân trồng hay tự mọc lên. Rất nhiều thế hệ đã dày công nghiên cứu nhân giống nhưng đều bất thành. Do đó, nhiều điều kỳ bí về bạch mai vẫn chưa được giải mã.

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)