Chum gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần được lưu giữ, bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương, mới được Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia. Hiện vật được tìm thấy trong quá trình người dân đào huyệt tại nghĩa trang xã Hiệp An, tỉnh Hải Dương, ngày 6/12/1981. 

Do không biết và không có chuyên môn về khai quật khảo cổ học nên trong quá trình đào, chum đã bị vỡ mất 3 quai. Tuy vậy, đây vẫn là chiếc chum còn khá nguyên vẹn, nguyên bản về cấu trúc, hình dáng và hoa văn trang trí. 

chum2.jpg
"Chum gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần" mang vẻ đẹp kết hợp giữa điêu khắc và hội họa.

Chum gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần có chiều cao 45cm, đường kính miệng 30cm, nặng 20kg. Chum có gờ miệng hơi loe, cổ thấp, vai phình, thân cong, thuôn dần xuống đáy. Đây là kiểu dáng khác lạ và hiếm, chứng minh tính độc đáo của hiện vật.

Nghệ thuật điêu khắc và hội họa được thể hiện rõ nét trên chum. Sau khi chum được phủ một lớp men màu trắng, người thợ bố cục những đồ án hoa văn ngang/dọc dự kiến trang trí lên thân chum, phân tách và giới hạn bởi những đường chỉ chìm. Khi đã định hình, lớp men trắng thuộc về đồ án hoa văn trang trí được cạo đi một cách thận trọng, người thợ mới bắt đầu tô một lớp men nâu lên.

Quy trình khắc, cạo, tô men thuật ngữ gọi là “tô nâu”, kỹ thuật này có nét tương đồng với kỹ thuật vẽ tranh sơn mài ngày nay các họa sĩ đương đại vẫn sử dụng. Bởi vậy, qua quá trình "diêu biến" (biến đổi qua quá trình nung) những sản phẩm gốm hoa nâu nói chung, Chum gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần nói riêng tạo nên hiệu quả thẩm mỹ rất tinh tế và ấn tượng. 

Các nhà khoa học khi nghiên cứu về gốm men nâu/gốm hoa nâu đều cho rằng, ngay từ khi mới ra đời, gốm hoa nâu Việt Nam đã có một kỹ thuật khá đặc thù. Đó là kỹ thuật cạo xương gốm khi mới phủ men nền, để tạo đồ án trang trí. Chính điều đó khiến cho các nhà khoa học, giới nghiên cứu về gốm và mỹ thuật Việt Nam thường tôn vinh gốm hoa nâu như một yếu tố đặc trưng tạo nên truyền thống riêng biệt của gốm men Việt Nam.

Chum gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần được phát hiện với tính nguyên bản, tiêu biểu và độc đáo đã góp phần quan trọng khẳng định giá trị riêng biệt của dòng gốm men nâu Việt Nam.

chum1.jpg
Có lẽ không dòng gốm nào lại thấm đẫm yếu tố Phật giáo như gốm hoa nâu với hình tượng hoa sen, lá sen, đài sen.

Đề tài trang trí hoa văn trên Chum gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần cũng thể hiện tính thời đại sâu sắc - đó là yếu tố Phật giáo truyền thống Đại Việt thế kỷ XIII - XIV. Có lẽ không dòng gốm nào lại thấm đẫm yếu tố Phật giáo như gốm hoa nâu với hình tượng hoa sen, lá sen, đài sen... được thể hiện đậm đặc trên từng chi tiết của mỗi sản phẩm, trong đó có Chum gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần.

Chum gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần có kích thước tương đối lớn, được đắp nổi, tạo khắc hoa văn, tráng men, tô men và nung đốt… là những đặc trưng kỹ thuật hiếm có.

Kỹ thuật sản xuất chạm khắc, đắp nặn, dán và phối hợp màu men trang trí đã thể hiện trình độ kỹ - mỹ - thuật cao của nghệ nhân gốm đương thời; đồng thời tạo nên đặc trưng riêng của gốm hoa nâu thời Trần. Đó là những yếu tố quan trọng để xác định loại hình và niên đại thời Trần (TK XIII - XIV) của Chum gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần.

Đồ án trang trí hoa văn cũng thể hiện rõ sự độc đáo về mặt thẩm mỹ của Chum gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần. Đó là hoa văn được mô tả hết sức sinh động, tự nhiên và chân thực. Các nét chạm chắc khỏe, rõ ràng, mạch lạc thể hiện rõ phong cách của thời Trần. 

Với hình dáng, kích thước và đặc biệt là đồ án hoa văn trang trí hiếm, Chum gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần thực sự là tác phẩm nghệ thuật, đặc sắc, quý hiếm. Vẻ đẹp của Chum gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần là vẻ đẹp của sự kết hợp giữa điêu khắc và hội họa; của những hình khối mập mạp, khỏe khoắn, mạch lạc, kết hợp với những đường nét, mảng màu, mảng hình đơn giản, đồ án trang trí mang nội dung gần gũi với cuộc sống thường ngày. 

Vì thế, Chum gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần là biểu tượng cho sự phát triển đỉnh cao của nghệ thuật gốm sứ thời Trần, phản ánh một phần giá trị tư tưởng, tôn giáo, tín ngưỡng, trình độ thẩm mỹ của thời đại.